Một số phi công của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines mới đây - thông qua một đại biểu quốc hội - lên tiếng tố cáo về nhiều tiêu cực trong đào tạo, chứng nhận phi công, trong đó có việc họ phải chi hàng chục nghìn đôla Mỹ để được công nhận bằng lái hoặc chuyển loại.
Hàng loạt báo mạng lớn của Việt Nam trong hai ngày gần đây đưa tin Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương đã gửi thư đến Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Thể, đề nghị bộ trưởng làm rõ thông tin trước những cáo buộc của các phi công về các tiêu cực.
Dẫn lại nội dung thư, các báo cho hay ông Cương viết rằng ông đã “nghe phản ánh và tiếp xúc với một số phi công, trong đó có cả người nhà” và những gì ông nêu ra là “sự thật”, với “mục đích xây dựng”, cũng như “bảo vệ một thương hiệu quốc gia”.
Bức thư được vị đại biểu cũng giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội gửi đi vào tháng 6.
Trong thư ông Cương viết rằng qua các phi công, ông được biết kể từ năm 2013, khi Vietnam Airlines thực hiện chính sách “xã hội hóa” đào tạo phi công, việc tuyển chọn “chỉ mang tính hình thức”, gần như bất kỳ ai đủ tiền đóng học là có thể đi học.
“Xã hội hóa” là thuật ngữ ở Việt Nam chỉ việc giới tư nhân hoặc các tổ chức phi chính phủ thực hiện các dịch vụ từng do nhà nước đảm trách hoặc nắm độc quyền.
Thư nói đa số các trường dạy bay do Vietnam Airlines chọn là “các trường nhỏ lẻ, ít tên tuổi tại Mỹ” nên chất lượng giảng dạy “cũng thấp”. Ông Cương viết tiếp: “Có một số trường, học viên phi công rất kém, chỉ cần đóng tiền là có thể thi qua môn học, thậm chí đóng tiền để được ghi là đã đủ giờ bay”.
Do quá trình học cơ bản sơ sài như vậy, nên trong các chặng đào tạo tiếp theo để lái máy bay Airbus A321 tại các trường nghiêm túc ở các nước phương tây, các học viên Việt Nam “thường xuyên bị kéo dài thời gian huấn luyện, hoặc trượt các kỳ kiểm tra”, theo thư của ông Cương.
Ông cho biết các học viên “liên tục bộc lộ những điểm yếu” trong quá trình đào tạo, và “đa số học viên tốt nghiệp chỉ đạt 3 điểm”, là mức chấp nhận được trong thang điểm có mức tối đa là 5.
Trong thư gửi Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, bên cạnh tiêu cực trong đào tạo, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cũng ám chỉ nạn quan chức trong hãng Vietnam Airlines vòi tiền “ngày càng trắng trợn” từ phi công khi thực hiện phỏng vấn chuyển loại máy bay.
Ông Cương dẫn ra đơn tố cáo gần đây nhất vào tháng Tư của một học viên phi công. Vị đại biểu quốc hội viết rằng có “hiện tượng ra giá 20.000-25.000 đôla Mỹ” cho một lần phỏng vấn đối với học viên từ Mỹ về để chuyển loại sang máy bay A321, hoặc từ lái phụ A321 sang lái phụ loại khác như A350, B787, hoặc phỏng vấn để nâng cấp lái phụ trở thành cơ trưởng.
Các bài báo trích thư của ông Cương không nêu đích ai là những người vòi tiền, song theo các bài báo, đa số các phi công thuộc diện phỏng vấn này “sẽ nhận được điện thoại trực tiếp, đề cập tới việc nộp tiền”.
Thư của Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu nghi vấn rằng sự việc như vậy “không thể do một cá nhân mà phải có tổ chức”. Ông chỉ ra rằng “Vietnam Airlines lên danh sách học viên dự phỏng vấn, đoàn bay 919 thực hiện phỏng vấn”.
Đánh giá tổng quát, vị đại biểu khẳng định đó là những vấn đề “không nhỏ”, có nguy cơ “uy hiếp an toàn bay”.
Ông Cương cho báo chí biết phải hơn một tháng kể từ khi gửi thư đi, đến ngày 25/7, Bộ trưởng Thể mới yêu cầu Vietnam Airlines giải trình và trả lời bộ trước ngày 31/7. Theo một bài trên trang Giáo dục Việt Nam, đến sáng sớm 31/7, ông Cương vẫn chưa nhận được câu trả lời từ bộ.
...xin phép không trả lời cho đến khi được lãnh đạo cho phép. Lúc này thật sự là mọi việc mới xảy ra, thành ra cũng chưa ai được chỉ định để phát ngôn
VOA cố gắng liên lạc với Bộ trưởng Thể và Trung tâm Điều hành Bay của Vietnam Airlines để nghe thông tin trực tiếp từ phía họ, nhưng họ không hồi đáp.
Khi được VOA hỏi về tính xác thực của các bài báo sử dụng thông tin trong thư của ông Cương, một giáo viên bay và kiểm tra viên của Vietnam Airlines, ông Nguyễn Nam Liên, nói với VOA:
“Tôi không liên quan đến vấn đề tuyển dụng của Vietnam Airlines. Tôi chỉ huấn luyện các phi công ở giai đoạn đầu. Tôi là người trong hệ thống, và tôi là người có tiếng nói có trách nhiệm. Vì vậy, xin phép không trả lời cho đến khi được lãnh đạo cho phép. Lúc này thật sự là mọi việc mới xảy ra, thành ra cũng chưa ai được chỉ định để phát ngôn”.
Cơ trưởng Boeing 787 Nguyễn Nam Liên hiện cũng là Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng ban Huấn luyện của Trường Phi công Bay Việt.
Các bài báo về tiêu cực trong đào tạo hoặc công nhận chuyển loại phi công tại Vietnam Airlines đã gây xôn xao dư luận trên mạng xã hội Facebook.
Có người đặt câu hỏi: “chả lẽ bằng lái máy bay cũng mua như bằng lái xe 2 bánh?” Trong khi đó, một số người khác bày tỏ lo sợ hoặc mạnh mẽ lên án việc đào tạo lỏng lẻo cũng như việc thu tiền khi phỏng vấn phi công chuyển loại, với những từ ngữ như “không thể chấp nhận được” hay “quá tởm lợm”.
Nhiều người đòi hỏi nhà chức trách Việt Nam phải mạnh tay chống các tiêu cực này để bảo đảm là an toàn cho “bao mạng người trên máy bay” được đưa lên hàng đầu, đồng thời làm “trong sạch môi trường” trong công tác đào tạo hay quy trình thăng cấp phi công của Vietnam Airlines.