Phát ngôn viên của Trump phủ nhận nói dối, dù báo cáo Muelle
Phát ngôn viên của Tổng thống Donald Trump Sarah Sanders ngày thứ Sáu phản bác những cáo buộc nói rằng báo cáo của công tố viên đặc biệt Robert Mueller phơi bày một văn hóa nói dối tại Nhà Trắng.
Bà Sanders cũng bác bỏ những cáo buộc nói rằng cá nhân bà đã nói dối giới truyền thông và khán giả truyền hình khi bà nói vào năm 2017 rằng có “vô số” thành viên của FBI mất niềm tin vào Giám đốc FBI James Comey, dẫn đến việc ông bị sa thải.
Nhà Trắng đã đưa ra những lí lẽ không nhất quán giải thích chuyện ông Comey bị sa thải. Bà Sanders từng nói với các phóng viên rằng ông Comey đánh mất niềm tin của tập thể nhân viên FBI và họ hoan nghênh quyết định của tổng thống.
Báo cáo Mueller nói rằng bà Sanders đã nói với đội ngũ điều tra của công tố viên đặc biệt rằng những lời bà nói là “buộc miệng.” Báo cáo cũng nói bà thừa nhận phát biểu đó “không căn cứ trên bất cứ điều gì cả.”
Người dẫn chương trình George Stephanopoulos của đài ABC hỏi bà Sanders hôm thứ Sáu rằng liệu có tồn tại một văn hóa nói dối ở Nhà Trắng hay không.
“Thật ra, nếu anh xem lại những gì tôi nói thì sẽ thấy tôi buộc miệng nói từ 'vô số,'” bà Sanders trả lời trên chương trình Good Morning America. Bà nhắc lại phát biểu của bà được đưa vào “lúc đang đôi co qua lại,” nghĩa là nó không phải là một “luận điểm được soạn sẵn để trình bày.”
Bà nói thêm, “Xin lỗi tôi không phải là robot như Đảng Dân chủ.”
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện, Dân biểu Jerrold Nadler thuộc Đảng Dân chủ, cũng phát biểu trên đài ABC. Ông nói báo cáo Mueller phơi bày “văn hóa nói dối” tại Nhà Trắng mà trong đó Tổng thống Donald Trump thường xuyên đưa ra những phát biểu sai lạc và chỉ đạo thuộc cấp của mình thực hiện những điều có thể sai trái về mặt pháp lí.
Vụ việc gây kinh ngạc nhất là vào tháng 6 năm 2017, khi ông Trump chỉ đạo Luật sư cố vấn Nhà Trắng Don McGahn gọi điện thoại cho Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein, người giám sát cuộc điều tra của ông Mueller, và nói rằng ông Mueller phải bị cho thôi việc vì “những mâu thuẫn lợi ích.” Ông McGahn từ chối, quyết định rằng ông thà từ chức hơn là khơi ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp.