Tại sao xã hội ngày càng trở nên dễ giận dữ?

PostFri Apr 05, 2019 8:18 am

VOA - Arts and Entertainment


Vụ Nguyễn Hữu Linh, cựu phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Đà Nẵng, “có dấu hiệu dâm ô”, đang khiến dư luận phản ứng dữ dội. Ngày 5-4-2019, cổng nhà Nguyễn Hữu Linh đã bị xịt sơn (chữ “ấ.dâm”) và thậm chí bị ném “chất bẩn”. Sự giận dữ đã trở thành cuồng nộ…


Sự giận dữ của đám đông trước nhiều vụ việc khác nhau là hiện tượng xã hội từng được báo chí đề cập. Có thể nói sự cuồng nộ của đám đông, trong không ít trường hợp, là rất kinh khủng. Khi xảy ra vụ một bảo mẫu đánh trẻ, lập tức có người đòi giết luôn người bảo mẫu. “Phải là con tôi thì tôi chém nó tức thì; cái thứ ấy phải đánh cho chết nó mới sợ…” – các phát biểu như vậy không phải cá biệt trong những vụ tương tự, như thể đó là phản ứng xuất phát từ tâm lý “máu phải trả bằng máu”, dù giữa người nói và đối tượng không liên quan trực tiếp gì nhau để mà “vay đền oán trả”. Cách đây ba năm, vụ Nguyễn Thanh Dũng bị phát hiện chích điện vào một bé trai hai tuổi là một trường hợp điển hình nữa. Phản ứng dư luận lúc đó cũng vô cùng kinh khủng. Một hình ảnh dễ liên tưởng đến thời Trung Cổ, khi người phạm tội bị lôi ra quảng trường để bị đám đông cuồng nộ vừa gào thét, vừa ném đá đến chết. Nó cũng giống cảnh man rợ mà Taliban từng gây ra với các trường hợp bị quy kết phạm giáo luật đạo Hồi, khi đám đông giận dữ nhặt ném mọi thứ vào tên “tội đồ” cho đến khi anh ấy/cô ấy chết gục. Và nó cũng giống cảnh cách đây vài chục năm khi người ta lôi nạn nhân ra giữa làng để đấu tố!


Không chỉ ác trên mạng, người ta cũng ác ngoài đời. Không chỉ thịnh nộ bằng lời, đám đông cũng cuồng nộ bằng hành động. Có một clip có thể gây ám ảnh bất kỳ ai. Đó là cảnh một người bị nhốt trong chuồng sắt cùng một con chó đã chết, được cho là quay ở Hưng Yên, và người bị nhốt được cho là kẻ trộm chó. Đầu và mặt bê bết máu, kẻ trộm chó ngồi co rút chân lại trong cái chuồng chật. Anh ta trông hoảng sợ cực độ, mắt lấm lét hết nhìn sang phải lại quay sang trái. Bên ngoài chuồng, một đám đông mạt sát anh ta. Họ nói họ muốn đập chết anh ta. Họ buộc anh ta phải gác chân lên con chó chết đang nằm co quắp trong chuồng. Họ nói, mày cũng phải bị đập chết như thế, con ạ. Giữa những tiếng chửi bới ồn ào, có cả tiếng cười… Và không chỉ hung ác với kẻ trộm, người ta cũng hung ác với cả người chẳng hề quen biết. Chỉ vì “nhìn đểu”, nạn nhân có thể bị chém chết tức thì. Mới đây thôi, ngày 4-4-2019, một thiếu niên 16 tuổi ở Đông Hà (Quảng Trị) đã rút dao đâm chết một người nhắc mình đi xe ẩu!


Trong khi những trường hợp trên cho thấy các “hệ giá trị” đạo đức hỏng nát, như là hậu quả của một nền giáo dục hoàn toàn thất bại, thì những trường hợp như vụ Nguyễn Hữu Linh lại cho thấy sự thất bại tuyệt đối của một nền chính trị. Nó cho thấy, khi công lý đã bị chính quyền chà đạp đến mức chẳng ai còn tin vào sự phán xét và trừng trị của pháp luật thì người dân sẽ có khuynh hướng cho mình quyền phán xét và quyền trừng phạt. Nó hàm chứa sự uất giận dồn nén từ những bất công mà người dân chứng kiến hàng ngày, dù có thể họ không hề trực tiếp liên quan, từ những vụ cướp đất, những vụ đánh đập dã man người biểu tình, các vụ bao che công khai những kẻ thuộc hệ thống đảng trị, đến những vụ chết oan trong đồn công an… Sự uất giận đầy ức chế luôn trạng thái chực chờ nổ tung, cuối cùng, dẫn đến tâm lý oán ghét chế độ và “người” của chế độ.


Chẳng phải tự nhiên mà dư luận “vui mừng” trước cái chết của viên chức cấp cao nào đó. Chẳng phải tự nhiên “dân mạng” có tâm lý hả hê khi nghe tin một công an bị đánh, sau vô số vụ công an “nã tiền” dân, sau những vụ “thanh niên tự đập mặt vào gậy cảnh sát giao thông khiến hốc mắt bị lún” hoặc “thanh niên nhập viện cấp cứu sau khi tự va vào dùi cui và súng của công an”… Trong trường hợp Nguyễn Hữu Linh, nếu tay này không phải quan chức-đảng viên mà chỉ là anh xe ôm thì liệu người dân có đến tận nhà ném “chất bẩn” như vậy?


Báo Tuổi Trẻ dẫn lời luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng) cho biết, hành động ném chất bẩn vào nhà Nguyễn Hữu Linh là “không nên và pháp luật không cho phép”, rằng “có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167”, rằng “có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự theo điều 178 Bộ luật hình sự 2015”. Tuy nhiên, có đại diện pháp luật nào đã lên tiếng cho những tiền lệ trước đó: không phải một mà là nhiều lần, nhà riêng của những nhân vật đấu tranh đã từng bị tạt chất bẩn (thậm chí phân pha nhớt!), từng bị khóa trái cửa, từng bị ném đá làm hư hỏng toàn bộ đồ đạc…


Giận dữ là tức thì. Thù ghét thì âm ỉ. Không như sự giận dữ, lòng hận thù không tự nhiên bột phát. Nó là kết quả của một quá trình bị dồn nén. Hận thù không tự nhiên mà đến. Nó phải được nuôi bằng sự căm tức. Bàn tay sắt luôn khiến xã hội sợ hãi nhưng những tác nhân gây ra sợ hãi luôn dắt theo sát sau nó “hiệu ứng phụ” là sự oán thù. Cộng sản từng giành chính quyền bằng lòng hận thù. Bộ máy tuyên truyền cộng sản là bậc thầy trong gieo cấy lòng hận thù. Tuy nhiên, vũ khí hận thù đã không được “giải giáp” sau khi cộng sản giành được quyền lực. Hận thù vẫn được nuôi, và tệ hại hơn, còn được sử dụng trong chính sách cai trị.


Đừng chỉ đơn giản trách tại sao xã hội ngày càng trở nên hung hãn. Đừng chỉ trách “một đám dân mạng” ngày càng trở nên “vô học” hoặc “vô văn hóa” khi dễ dàng “ném đá” vào bất cứ chuyện gì. Hãy thử tìm hiểu nguyên nhân sâu xa gì khiến “một đám dân mạng” trở nên “bừa bãi” như thế. Chưa bao giờ giá trị công lý bị mờ nhạt như đang thấy nhưng ai là thủ phạm làm cho công lý trở thành trò cười thì chẳng ai dám đối mặt trả lời nhân dân. Trước khi lên án “tâm lý bệnh hoạn” của cái xã hội đảo điên này, cần nên tìm hiểu “virus” thật sự nào gây ra “căn bệnh xã hội” đang hoành hành. Bệnh không phải tự nhiên mà có. Không tìm diệt virus thì mong gì có thể trị bệnh? Mà bản thân thầy thuốc cũng bệnh, cả cái bệnh viện cũng bệnh, còn đòi chữa ai? Đến mức này mà còn chưa nhìn thấy để cấp bách sửa lại những sai lầm thì sẽ đến ngày sự giận dữ không chỉ nhắm vào một hoặc vài cá nhân, và sự cuồng nộ không chỉ giới hạn ở những tiếng chửi rủa hoặc cái cau mày…

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Văn Nghệ Và Điện Ảnh - Arts and Entertainment

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1149 guests

cron