Philippines phản đối tàu Trung Quốc hiện diện gần đảo Thị Tứ
Bộ Ngoại giao Philippines hôm 4/4 lên tiếng phản đối sự hiện diện của hơn 200 tàu cá Trung Quốc đến gần đảo Thị Tứ trên Biển Đông, gọi đó là hành động bất hợp pháp và rõ ràng đã vi phạm chủ quyền của Philippines, theo hãng tin Reuters.
Trong một động thái hiếm hoi lên tiếng phản đối Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết: “Những hành động như vậy nếu như chính phủ Trung Quốc không bác bỏ thì được xem như là tương thuận.”
Từ khi nhậm chức vào năm 2016 cho đến nay Tổng thống Rodrigo Duterte đã theo đuổi mối quan hệ nồng ấm hơn với Trung Quốc để đổi lấy các khoản vay và đầu tư hàng tỷ đôla. Cũng trong tuần nay ông nhắc lại rằng Trung Quốc chỉ muốn làm bạn với Philippines.
Ông Duterte nói hôm 2/4: “Tôi đã được trao vũ khí và đạn dược và cho đến bây giờ họ không đòi hỏi gì cả, họ không yêu cầu bất kỳ phần lãnh thổ nào.”
Sự hiện diện của những tàu đánh cá gần đảo Thị Tứ đã đặt ra nghi vấn về ý đồ và vai trò của lực lương này trong việc “hỗ trợ các mục tiêu cưỡng chế,” Bộ Ngoại giao cho biết, chỉ vài ngày sau khi Philippines lên tiếng phản đối chính thức với Trung Quốc qua đường ngoại giao.
Theo dữ liệu quốc phòng của Philippines, Manila đã theo dõi hơn 200 tàu thuyền Trung Quốc gần đảo Thị Tứ từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay. Philippines gọi đảo này là Pagasa.
“Những người này bị tình nghi là ngư quân,” Đại úy Jason Ramon, phát ngôn viên Bộ chỉ huy quân đội miền Tây Philippines cho biết trong tuần này.
“Có những lúc họ chỉ có mặt ở đó mà không hề đánh cá. Đôi khi, họ chỉ đóng cứ ở đó.”
Bộ Ngoại giao Philippines nói: “Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan hủy bỏ mọi hành động và các hoạt động trái với Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC), vì những điều này tạo ra căng thẳng, mất lòng tin và sự bất ổn, và đe dọa hòa bình và ổn định khu vực.”
Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng không trực tiếp đề cập đến sự phản đối của Manila, nhưng ông nói rằng các cuộc đàm phán song phương trên Biển Đông được tổ chức tại Philippines hôm 3/4 là một cuộc đối thoại “thẳng thắn, thân thiện và mang tính xây dựng.”
Ông nhấn mạnh rằng cả hai bên đều tái khẳng định các vấn đề Biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình bởi các bên trực tiếp liên quan.