Phần Lan vẫn là Quốc gia Hạnh phúc nhất thế giới
Cũng như năm 2018, Phần Lan tiếp tục đứng đầu danh sách các nước hạnh phúc nhất thế giới, theo cuộc thăm dò kéo dài 3 năm (2016-2018) của Viện Gallup. Các nước còn lại trong top 10 bao gồm Đan Mạch, Na Uy, Iceland, Hà Lan, Thụy Sĩ, Thụy Điển, New Zealand, Canada và Úc. Hoa Kỳ xếp thứ 19, rớt một hạng so với năm ngoái.
Việt Nam xếp hạng 94, ngay sau Trung Quốc (93) nhưng trên Lào (105) và Campuchia (109.)
Nam Sudan xếp hạng chót 156.
Năm nay, phúc trình này phân tích xem các đánh giá về đời sống và cảm xúc (cả tích cực lẫn tiêu cực) đã thay đổi thế nào trong toàn bộ Cuộc thăm dò Thế giới của Gallup vốn bắt đầu từ 2005-2006. Trong việc đánh giá cuộc sống ở tầm mức quốc gia, số nước thành công nhiều hơn số nước thất bại.
Nếu thêm vào yếu tố tăng dân số, chỉ số hạnh phúc thế giới giảm trong những năm gần đây, do khuynh hướng sụt giảm tại Ấn Độ. Đối với cảm xúc, có khuynh hướng tăng cao rộng rãi về ảnh hưởng tiêu cực bao gồm lo âu, buồn bã và giận giữ, đặc biệt được ghi nhận tại châu Á và châu Phi.
Trong số 20 nước đạt được thành quả hàng đầu trong việc đánh giá cuộc sống từ 2005-2008 đến 2016-2018, có 10 nước tại Trung và Đông Âu, 5 tại tiểu vùng Sahara châu Phi, và 3 tại Châu Mỹ Latin. Mười nước giảm sút mạnh trong mức đánh giá đời sống trung bình thường phải gánh chịu một số sức ép về kinh tế, chính trị và xã hội. Năm nước xuống hạng lớn nhất kể từ 2005-2008 là Yemen, Ấn Độ, Syria, Botswana và Venezuela.
Phúc trình hạnh phúc năm nay chú trọng đến hạnh phúc và cộng đồng, hạnh phúc tiến triển như thế nào trong hơn chục năm qua, đặt trọng tâm vào công nghệ, chuẩn mực xã hội, xung đột và các chính sách của chính phủ dẫn đến những thay đổi này. Những chương đặc biệt chú trọng đến sự rộng lượng và những thái độ thân thiện với xã hội, ảnh hưởng của hạnh phúc đối với thái độ bỏ phiếu và những hiệu ứng hạnh phúc đối với việc sử dụng Internet và nghiện ngập.
“Thế giới thay đổi nhanh chóng,” Giáo sư John Helliwell, đồng biên tập của báo cáo nói. “Cách thức cộng đồng phản ứng với nhau dù là tại các trường học, nơi làm việc, khu vực láng giềng hay trên truyền thông xã hội, có ảnh hưởng sâu sắc đến hạnh phúc thế giới.”
Phúc trình Hạnh phúc Thế giới 2019, xếp hạng 156 quốc gia dựa trên cách công dân tự cảm nhận họ hạnh phúc tới mức nào, theo đánh giá của họ về chính đời sống của họ. Phúc trình được công bố hôm nay 20/3 tại Liên hiệp quốc.
(Nguồn World Happiness Report)