Việt Nam ‘lấy làm tiếc’ Malaysia không thả Đoàn Thị Hương
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 14/3 nói rằng “chúng tôi lấy làm tiếc về việc tòa án Malaysia không trả tự do ngay cho công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương”.
“Chúng tôi cho rằng công dân Đoàn Thị Hương cần được đối xử công bằng, khách quan và được trả tự do”, bà Hằng nói trong cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội.
Người phát ngôn “nghĩ rằng phía Malaysia hiểu được sự quan tâm của lãnh đạo cũng như công luận Việt Nam”.
Phản ứng trên được đưa ra ít lâu sau khi các công tố viên Malaysia bác bỏ yêu cầu trả tự do cho nghi can Đoàn Thị Hương của Việt Nam.
Tòa án sau đó cũng hoãn phiên xử cho tới ngày 1/4 theo yêu cầu từ luật sư của nữ nghi phạm người Việt vì lý do sức khỏe của thân chủ.
Theo phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam, “trong những ngày qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tiến hành nhiều biện pháp bảo hộ công dân, đảm bảo công bằng, quyền và lợi ích hợp pháp cho Đoàn Thị Hương”.
Một ngày sau khi đồng nghi phạm của cô Hương, công dân Indonesia Siti Aisyah, bất ngờ được phóng thích và về nước, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 12/3 đã điện đàm với người đồng nhiệm Malaysia và yêu cầu thả cô Hương.
Sau đó, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cũng đã gửi thư cho Tổng Chưởng lý Malaysia Tommy Thomas đề nghị phía Malaysia xem xét trả tự do cho công dân Việt.
Theo AP, hôm 14/3, các công tố viên nói tại tòa rằng tổng chưởng lý của Malaysia đã ra lệnh tiếp tục xử nghi can người Việt, thay vì hủy bỏ cáo trạng và thả cô.
Trên Facebook cá nhân, luật sư Trần Vũ Hải viết: “Đến 1/4/2019, nếu Nhà nước Việt không cứu được công dân Việt, nghĩa là Nhà nước từ bỏ phương châm ‘đã có Nhà nước lo’, và khuyến khích phong trào ‘đừng đợi Nhà nước, chúng ta tự lo’, tức ‘xã hội dân sự’”.
Trong khi đó, blogger Osin Huy Đức viết: “Uy tín quốc gia không chỉ nằm ở chỗ đã 'thắng bao nhiêu đế quốc thực dân' mà còn ở chỗ có bảo vệ được công dân của mình không”.
Trả lời báo chí, nữ phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng cho biết rằng “ngay từ khi vụ việc xảy ra, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp xúc với công dân Đoàn Thị Hương và gia đình, giải thích, hỗ trợ pháp lý, tìm luật sư, tìm kiếm nhân chứng theo đúng quy định của pháp luật sở tại và thông lệ quốc tế”.
“Việt Nam cũng nhiều lần nêu vụ việc trong trao đổi các cấp kể cả cấp cao với Malaysia, đề nghị phía Malaysia xét xử công bằng, đảm bảo mọi quyền lợi hợp pháp của công dân Đoàn Thị Hương”, bà Hằng cho hay.