Page 1 of 1

Cơn giật đầu giấc ngủ (hypnagogic jerk)

PostPosted: Fri Mar 08, 2019 12:28 pm
by NewsReporter
VOA - Arts and Entertainment


Thính giả Bùi Thị Lương hỏi:


“Xin Bác sỹ cho cháu hỏi:
Cháu hay bị giật mình khi vào giấc ngủ. Trước kia cháu bị mất ngủ, sau đó cháu ngồi thiền bị ngủ gật và giật mình trong tâm trạng lo lắng. Từ đó cứ vào giấc ngủ là cháu bị giật mình. Còn nếu tinh thần thoải mái cháu không bị.”


Cảm ơn Bác sĩ”


Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:



Greek: hypno= giấc ngủ, agogos=dẫn tới, nên chú ý: các từ điển hay Google translate dịch là thôi miên vì lầm lẫn với hypnosis (“hypnosis” nghĩa đen là "tình trạng ngủ" nhưng không đúng). Hypnagogic nghĩa ở đây, chỉ một hiện tượng xảy ra lúc đang đưa vào giấc ngủ, đang thiu thiu ngủ, chưa vào "REM sleep".


4 giai đoạn (stages) khác nhau của giấc ngủ:


Trước hết chúng ta bàn về một số căn bản về giấc ngủ. Lúc ngủ qua một đêm, chúng ta đi qua chừng 5 chu kỳ (cycle). Mỗi chu kỳ dài chừng 90 phút và gồm những giai đoạn sau, mỗi giai đoạn có những hoạt động não bộ khác nhau, biểu hiện bằng những sóng (brain waves) khác nhau trên não điện đồ (EEG, electroencephalogram)..


4 giai đoạn (stages) của giấc ngủ:


Stage 1: lơ mơ ngủ, có thể thức dậy dễ dàng. Người lớn chừng 9% thời gian trong đoạn này.


Stage 2: mắt hết nhúc nhích, sóng não bộ chậm lại. Người lớn chừng 50% thời gian trong đoạn này.


Stage 3: ngủ sâu (deep sleep); sóng não bộ càng chậm hơn nữa (chừng 1-5/giây), mắt không di động, các cơ bắp không hoạt động, khó đánh thức . Đây là lúc trẻ đái dầm, khủng hoảng trong giấc ngủ (night terrors), mộng du (sleepwalking, somnambulism).


Giai đoạn mắt cử động nhanh ( hay REM= Rapid Eye Movement Period): thở nhanh và nông, không đều, tròng mắt giật nhanh, các cơ chân tay bị liệt, nhịp tim nhanh, áp huyết lên cao, phái nam có hiện tượng cương cứng (erection). Sóng não bộ nhanh và biên độ thấp tương tự như sóng lúc thức, do đó trước đây người ta gọi “REM sleep” là "paradoxical sleep" ("giấc ngủ nghịch lý"). Lúc này là lúc nằm mơ.


Ba giai đoạn đầu của giấc ngủ (stages 1-2-3) có mục đích làm cơ thể thư giãn, hồi phục (relaxation and restoration), gọi chung là NREM sleep ( non-REM sleep), chiếm chừng 75% giấc ngủ. Giấc ngủ REM có lẽ gắn liền với trí nhớ, củng cố những gì đã học.


Mỗi đêm có chừng 3-6 giai đoạn REM. Người lớn chừng 25%-20% trong giai đoạn REM trong lúc trẻ sơ sinh ngủ đến 50% thời gian trong giai đoạn REM. Đầu đêm thì REM ngắn hơn, càng về sau thời gian cho REM dài ra.


Sau REM , não bộ trở về stage 3-2-1 và thức dậy.


Cơn giật đầu giấc ngủ (hypnagogic jerk) là một cơn co thắt cơ bắp không cố ý xảy ra khi chúng ta đang ở giai đoạn chuyển tiếp giữa thức và ngủ. Nếu co giật xảy ra cuối giấc ngủ lúc thức dậy thay vì lúc mới thiu thiu ngủ thì gọi là hypnic jerk. ( “sleep starts” được dùng để chỉ cả 2 nhóm co giật). Người bệnh (tuy đây không hẳn là một bệnh thật sự) có thể chỉ giật nhẹ như giật mình lúc hoảng hốt, có thể nhiều hơn như quơ tay, đá chân,la lớn nhưng chỉ trong khoảnh khắc.


Các co thắt cơ có thể xảy ra một cách tự nhiên hoặc có thể được gây ra bởi âm thanh, ánh sáng hoặc các kích thích bên ngoài khác. Một trường hợp kèm theo ảo giác (hypnagogic hallucinations), giấc mơ, cảm giác đang rơi xuống, hoặc ánh sáng rực rỡ hoặc tiếng động lớn phát ra từ bên trong đầu.


Giật đầu giấc ngủ khá phổ biến, với một số nghiên cứu cho thấy 60% -70% dân số từng trải nghiệm triệu chứng này. Nhiều người bị chứng này nhưng không biết vì sáng thức dậy sau giấc ngủ thì quên mất, nhất là nếu các cơn giật không đánh thức họ.


Một số yếu tố như căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi, chất caffeine và thiếu ngủ, có thể làm chứng giật đầu giấc xảy ra thường hơn, hay mạnh mẽ hơn. Hoạt động thể chất hoặc tập thể dục cường độ cao vào buổi tối cũng có thể góp phần làm tăng các cơn co giật này.


Các nhà nghiên cứu cũng không chắc chắn tại sao các vụ giật hypnic xảy ra. Có giả thuyết cho rằng những cú giật đầu giấc ngủ là một phần tự nhiên của cơ thể đang chuyển đổi từ tình trạng tỉnh táo sang giấc ngủ và xảy ra khi các dây thần kinh gửi các tín hiệu sai lạc đến các cơ trong quá trình này.


Một thuyết khá phổ biến khác giải thích bằng luật tiến hoá, cho rằng các cơn co giật đầu giấc ngủ là một phản xạ còn sót lại từ thời xưa lúc loài người còn là những con linh trưởng (primate), khi bắt đầu giấc ngủ, các cơ bắp thư giãn ra và não bộ hiểu sai sự thư giãn là dấu hiệu cho thấy con linh trưởng đang rơi ra khỏi cây, và não bộ điều khiển các cơ phản ứng nhanh chóng để khỏi té xuống đất .


Trong đa số các trường hợp, giật đầu giấc ngủ là một hiện tượng bình thường và không cần lo lắng. Tuy nhiên, nếu bịnh nhân thấy mình thường xuyên ở trong tình trạng lo âu và chứng co giật này càng ngày càng nhiều do mối lo âu, chúng ta cần có những biện pháp phòng ngừa hoặc chữa trị chứng lo âu đó.


- Những biện pháp an toàn như tránh ngủ những nơi quá cao, nếu té có thể nguy hiểm, hay gắn các song giường hai bên để phòng ngừa té.


- Giảm bớt các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, alcohol.


- Tránh các hoạt động như thể thao quá mệt nhọc trước giờ ngủ.


- Ngủ nơi yên tĩnh, tránh các nguồn âm thanh, ánh sáng, TV, computer kích thích.


Về lo âu chúng ta từng bàn nhiều trong các buổi nói chuyện trước đây:


- Tổ chức công việc


- Ngồi thiền, tập yoga, tập thở đều đặn, chậm. Tham gia các lớp dạy chánh niệm (mindfulness), thiền định. Phương pháp chánh niệm quen thuộc với người Việt giúp ý thức về giây phút hiện tại là một phương tiện hữu hiệu giải toả tình trạng lo âu. Phương pháp này (mindfulness) được nhắc đến và thực hành nhiều ở Mỹ (“experiencing the present moment”).


- Hiển thị (visualization), tập thở đều đặn, tưởng tượng như mình ngồi trước một bờ biển, cảnh núi non, tập thở đều đặn và tập trung vào việc thở, hít qua mũi và thở ra miệng từ từ.


- Sinh hoạt tôn giáo, đọc kinh


- Vui với bạn bè, gia đình, nhờ hướng dẫn của người có kinh nghiệm hơn, lớn tuổi hơn.


Chúc quý vị thính giả may mắn.


Bác sĩ Hồ Văn Hiền


Ngày 4 tháng 3 năm 2019


Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com


Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.