Bất lợi chính trị cho Trump nếu thượng đỉnh Trump-Kim 2 khôn
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sắp có mặt tại Hà Nội tham dự cuộc họp thượng đỉnh lần hai với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un giữa những hy vọng đạt được một thỏa thuận dẫn tới việc Bình Nhưỡng từ bỏ võ khí hạt nhân.
"Chúng tôi sẽ có một cuộc họp thượng đỉnh tuyệt vời. Chúng tôi muốn phi hạt nhân hóa, và tôi nghĩ ông ấy sẽ đưa đất nước lập nhiều kỷ lục về tốc độ về mặt kinh tế,” ông Trump phát biểu tại Tòa Bạch Ốc trước khi khởi hành.
Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, hai tháng trước từng tuyên bố cần có thượng đỉnh lần hai vì Triều Tiên chưa thực hiện các cam kết đưa ra hồi tháng 6 năm ngoái ở Singapore.
Thêm một lần nữa thiếu bước đột phá quan trọng sẽ mang lại những hiệu ứng chính trị tiêu cực cho ông Trump.
"Nếu Tổng thống lại có những nhượng bộ đáng kể nữa, tôi nghĩ ông ấy sẽ bị lưỡng đảng chỉ trích gay gắt,” ông James Jay Carafano, Phó Chủ tịch Tổ chức Heritage nghiên cứu chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia, nói.
Tuy nhiên cũng có một số phân tích gia dự đoán rằng ông Trump không mấy bị tổn thất chính trị vì ông có thể chỉ tuyên bố một thắng lợi về chính sách ngoại giao.
"Chỉ cần ông Kim giả vờ giải giới hạt nhân và ông Trump giả vờ tin ông ta,” Phó giáo sư môn khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts, Vipin Narang, nhận định.
Tác giả của quyển “Chiến lược Hạt nhân trong thời hiện đại” nói với VOA rằng "Lợi thế của ông Trump là việc ông Kim tiếp tục bành trướng chương trình hạt nhân chủ yếu một cách âm thầm, hay quá lắm là chỉ xuất hiện trên trang 10 của báo chí địa phương tại Mỹ.”
Giáo sư Peter Kuznick, Giám đốc Viện nghiên cứu hạt nhân tại Đại học Hoa Kỳ, cho rằng “Miễn là căng thẳng không tái bùng phát trên bán đảo Triều Tiên, đa số người Mỹ hài lòng với hiện trạng và xúc tiến trên những vấn đề khác.”
Nếu ông Trump có thể duy trì sự ‘quan tâm’ của lãnh đạo Triều Tiên, các nỗ lực ngoại giao tiếp diễn với chế tài được giữ nguyên, và Bình Nhưỡng tiếp tục ‘gác kiếm’ trong các cuộc thử hạt nhân và phi đạn, thì ông “Trump có thể bỏ túi một chiến thắng về chính sách đối ngoại để bước vào cuộc tranh cử tiếp theo,” theo nhà nghiên cứu cao cấp Rebeccah Heinrichs thuộc Viện nghiên cứu Hudson.
Giữ nguyên trạng thêm ít nhất một năm nữa, Tổng thống Trump có thể yêu cầu các ủng hộ viên tiếp tục sát cánh với ông để ông làm nốt công việc còn lại trong nhiệm kỳ thứ hai,” ông Heinrichs nói với VOA.
Cũng có mối lo rằng ông Trump có thể sẽ lấy sự hiện diện của binh sĩ Mỹ ở vùng Viễn Đông đem ra đánh đổi sự nhượng bộ của ông Kim về võ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo xuyên lục địa. Động thái này vừa đặt các đồng minh Mỹ vào thế báo động, vừa có thể dẫn tới những chỉ trích chính trị gay gắt từ cả hai đảng trên chính trường nội địa.
Giới chuyên gia cho rằng các bước phi hạt nhân hóa cụ thể không có nghĩa là từ bỏ những thứ mà Bình Nhưỡng không cần nữa, mà phải nói đến những chương trình quan trọng, cho dù chỉ là những bước nhỏ. Nếu Mỹ nhượng bộ trước mà không đạt được sự nhượng bộ tương ứng thỏa đáng từ đối phương, như đã từng xảy ra trong thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tại Singapore, thì Hoa Kỳ sẽ nhanh chóng đánh mất đòn bẩy thương lượng để cho Bình Nhưỡng dẫn dắt toàn bộ quá trình.
Một vấn đề chưa giải quyết là đôi bên chưa nhất trí định nghĩa về phi hạt nhân hóa.
Phía Mỹ khăng khăng đòi Triều Tiên bỏ kho võ khí hạt nhân một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng được, và không thể đảo ngược.
Phía Triều Tiên muốn phi hạt nhân hóa phải bao gồm việc Mỹ rút toàn bộ binh sĩ và các tài sản chiến lược ra khỏi khu vực.
Một giới chức cao cấp của Mỹ cho biết đoàn đàm phán Mỹ mưu tìm sự đồng cảm chung về ý nghĩa của từ ‘giải giới hạt nhân’ trong khi chưa rõ ông Kim có quyết định phi hạt nhân hóa hoàn toàn hay không.
Đáp câu hỏi rằng phía Triều Tiên có bao giờ yêu cầu Mỹ rút quân ra khỏi bán đảo Triều Tiên để đổi lấy một hiệp ước hòa bình hay không, giới chức này nói “Tôi chưa từng thảo luận chuyện này trong bất kỳ vòng đàm phán nào với họ.”
Một khả năng khác là thượng đỉnh lần này có thể xoay hướng khỏi điểm nhấn phi hạt nhân hóa. Có đồn đoán cho rằng hai lãnh đạo có thể sẽ loan báo trao đổi giới chức liên lạc, với các đại sứ hiện diện ở thủ đô của đôi bên.
Ông Trump từng ra dấu cho thấy sẽ còn các cuộc gặp ngoại giao tay đôi nữa với ông Kim.
“Tôi không nghĩ đây là cuộc gặp cuối cùng,” ông Trump nói với báo giới tại Phòng Bầu dục hôm thứ tư tuần trước.
Một kết quả như mơ đối với Tổng thống Trump là Giải Nobel Hòa bình mà ông nói Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã đề cử ông.
“Dù ý nghĩ rằng ông Trump trở thành Khôi nguyên Nobel Hòa bình nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng ông ấy rất mong muốn được như thế, và trong quá khứ đã có một vài Khôi nguyên Hòa bình rất ngớ ngẩn, kể cả gần đây,” Giáo sư Peter Kuznick, Giám đốc Viện nghiên cứu hạt nhân tại Đại học Hoa Kỳ, nói. “Cho nên, để xem ông Trump có lôi được con thỏ ra từ cái nón hay từ nơi nào đó và gây ngạc nhiên thế giới hay không.”