Việt Nam: an ninh được siết chặt tối đa để bảo vệ thượng đỉn
Trong khi lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đang băng qua Trung Quốc trên chuyến tàu bọc thép trực chỉ Hà nội, và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chuẩn bị đáp máy bay lên đường sang Việt Nam, thì nước chủ nhà hôm thứ Hai 25/2 ráo riết hoàn tất những chuẩn bị giờ chót, sẵn sàng cho hội nghị thượng đỉnh đang thu hút sự chú ý của thế giới.
Các quan chức ở Hà Nội cho biết họ chỉ có khoảng 10 ngày để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh - so với gần hai tháng mà Singapore đã có để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ lịch sử đầu tiên. Theo AP, mặc dù vậy, Hà Nội cam kết sẽ đảm bảo an ninh tuyệt đối cho hai nhà lãnh đạo.
Tại một cuộc họp báo nói về các nỗ lực của Việt Nam nghênh tiếp hai nhà lãnh đạo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung nói “an ninh sẽ được nâng lên mức tối đa”. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng thì bảo đảm rằng truyền thông quốc tế, gồm khoảng 3.000 nhà báo đến từ 40 quốc gia, có thể “tin cậy vào Bô TTTT như “một thành viên trong gia đình”.
Thế giới sẽ theo sát khi Tổng thống Mỹ và lãnh tụ Triều Tiên đối mặt dể giải quyết một trong những thách thức an ninh lớn nhất tại Châu Á: việc Triều Tiên theo đuổi một chương trình hạt nhân có khả năng đe dọa bất kỳ mục tiêu nào trên hành tinh.
Mặc dù nhiều chuyên gia tỏ ra hoài nghi về triển vọng ông Kim sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân mà ông ta vẫn cho là chiếc chìa khóa bảo đảm cho chế độ cai trị của ông tiếp tục tồn tại, nhưng theo AP, tại Hà Nội vẫn diễn ra một bầu không khí phấn khích tương tự như trong một lễ hội, giữa lúc những chuẩn bị giờ chót đang được xúc tiến.
Tình hình an ninh cực kỳ chặt chẽ sẽ được chính quyền Triều Tiên đánh giá cao, Bình Nhưỡng vốn luôn luôn cảnh giác về sự an toàn của ông Kim Jong Un, thành viên thuộc thế hệ thứ ba của gia đình họ Kim cai trị Bắc Triều Tiên với quyền lực tuyệt đối.
Ông Kim Jong Un đã quyết định đáp chuyến tàu, chứ không đi máy bay, có thể cũng do an ninh được kiểm soát tốt hơn. Trong cuộc họp thượng đỉnh lần đầu khi ông Kim bay tới Singapore, Triều Tiên đã mượn một máy bay của Trung Quốc.
Việt Nam ra lệnh cấm giao thông trên tuyến đường mà ông Kim có thể dùng để tới địa điểm cuộc họp thượng đỉnh. Đây là lệnh cấm giao thông chưa từng được ban hành trước đây. Báo Nhân Dân dẫn lời Tổng Cục Đường bộ cho biết lệnh cấm sẽ được thi hành trên đoạn đường dài 105 km của Quốc lộ 1, từ Đồng Đăng, sát biên giới Trung Quốc, tới Hà Nội.
Hàng trăm binh sĩ bảo vệ khu vực quanh ga Đồng Đăng hôm thứ Hai. Ông Kim có thể xuống tàu ở Đồng Đăng và kết thúc cuộc hành trình tới Hà Nội bằng ô tô.
Có nhiều kỳ vọng cho hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim thứ nhì tại Hà Nội sau khi cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore kết thúc với một tuyên bố mơ hồ, khiến cho nhiều người thất vọng.
Trong cuộc gặp với các trợ lý cao cấp ở Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 25/2 nói rằng cuộc gặp gỡ Trump-Kim sẽ là một cơ hội quan trọng để đạt được hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Ông Moon hồi năm ngoái đã ba lần gặp lãnh tụ Triều Tiên, ông chính là người đã mạnh mẽ vận động để kích hoạt lại các nỗ lực ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân, và ông mong muốn đạt được một bước đột phá để dọn đường cho các kế hoạch hợp tác liên Triều đầy tham vọng và mang về nhiều lợi lộc, kể cả các dự án kinh tế chung đã bị kiềm hãm vì các biện pháp chế tài do Hoa Kỳ áp đặt chống lại miền Bắc.
Thông qua Twitter, Tổng thống Trump đã tìm cách hạ thấp những kỳ vọng quá cao về cuộc gặp thượng đỉnh lần 2. Trước khi lên đường sang Hà Nội, ông dự kiến hội nghị ở Hà nội sẽ “tiếp tục những tiến bộ” đã đạt được ở Singapore, nhưng liên quan tới phi hạt nhân hóa, ông nói ông Kim biết rằng “từ bỏ vũ khí hạt nhân, thì nước ông có thể nhanh chóng trở thành một trong những cường quốc kinh tế trên thế giới.”.
Truyền thông Hàn Quốc nhận định rằng ông Trump và ông Kim có thể đạt được một thỏa thuận nào đó, nhưng không phải là một lộ trình để hoản toàn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, như nhiều người mong đợi.