Đức muốn nối lại quan hệ với Việt Nam sau vụ Trịnh Xuân Than
Ngoại trưởng Đức sẽ nhân cuộc họp với Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh thảo luận chuyện nối lại các mối quan hệ bị rạn nứt sau vụ Berlin tố cáo Hà Nội bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, Ngoại trưởng Heiko Maas cho biết hôm 20/2. Ngoại trưởng Phạm Bình Minh của Việt Nam đang thực hiện chuyến thăm Đức từ ngày 20-21 tháng này.
Ông Maas nói Việt Nam là một đối tác quan trọng của Đức ở Đông Nam Á, đồng thời ca ngợi Hà Nội đã có những tiến bộ đáng kể trong việc mở cửa kinh tế và thi hành các cải cách khác trong những năm gần đây. Đức là bạn hàng số một của Việt Nam ở Châu Âu.
“Thời gian qua có những bất đồng đáng kể giữa Đức với Việt Nam, trên hết là về vụ bắt cóc công dân Việt Nam, Trịnh Xuân Thanh, ở Berlin,” Ngoại trưởng Đức tuyên bố.
“Hôm nay chúng tôi muốn đạt thỏa thuận về chuyện lập lại đối tác chiến lược giữa Việt Nam với Đức và vun đắp bằng chất liệu mới,” ông Maas nói.
Quan hệ đôi bên căng thẳng hồi 2017 sau khi Đức tố cáo Việt Nam vi phạm luật quốc tế qua việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, người đang xin tị nạn Đức, từ lãnh thổ Đức đem về Việt Nam tuyên án tù chung thân.
Một tòa án Đức hồi tháng 7 năm ngoái tuyên phạt một người gốc Việt 3 năm, 10 tháng tù sau khi ông này thú nhận đã tiếp tay với mật vụ Việt Nam bắt cóc ông Thanh.
Trong thông cáo công bố trước cuộc họp với Ngoại trưởng Phạm Bình Minh tại Berlin, Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân quyền và các giá trị chung trong bất kỳ đối tác chiến lược nào. Đôi bên không tổ chức họp báo sau cuộc họp.
“Việt Nam, cũng như Đức, cam kết tự do thương mại và đa phương,” Ngoại trưởng Đức nói.
Ông Maas cũng cho biết thêm rằng Đức ủng hộ thỏa thuận tự do thương mại giữa Liên hiệp Châu Âu với Việt Nam.
Việt-Đức bắt đầu quan hệ ngoại giao vào năm 1975. Đến năm 2011, hai nước nâng mối quan hệ lên thành đối tác chiến lược.