Vì sao Việt Nam ‘đi hàng hai’ trong vụ Venezuela?
Trong số các đối tác chính trị được xem là gần gũi nhất với quan điểm xã hội chủ nghĩa và thân thiện nhất về giao thương kinh tế với chính thể độc đảng ở Việt Nam, Venezuela và Tổng thống Maduro là trường hợp mà Nguyễn Phú Trọng và những đồng sự của ông ta trong bộ chính trị đảng từng không ít lần dùng từ ‘đồng chí’ để giao tiếp.
‘Hồn ai nấy giữ, thân ai nấy lo’
Và nếu xem xét mối quan hệ Việt Nam - Venezuela từ một phương châm của cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ‘Cuba và Việt Nam luân phiên thức canh giữ cho hòa bình thế giới’, cùng hệ quy chiếu của mối liên hệ gần như môi - răng giữa Cuba và Venezuela, bất kỳ sự đe dọa đáng kể nào đối với sinh mạng chính trị của ‘đồng chí’ Maduro đều phải khiến giới chóp bu Việt Nam thật sự lo lắng và bày tỏ phản ứng, nếu không muốn nói là phải có những hành động mạnh mẽ đối với mối đe dọa đó.
Thế nhưng vào mùa xuân năm 2019, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng lại chỉ “Việt Nam luôn quan tâm, theo dõi và mong muốn Venezuela hòa bình, ổn định”, với cánh tay không giang ra phía trước cùng cách phát ngôn ‘đọc bài’ đều đều và buồn ngủ trước số phận có thể chỉ còn tính bằng ngày của Maduro.
Thông thường, những tuyên bố hay bày tỏ quan điểm quan trọng như trên thậm chí không được quyết định bởi bộ trưởng ngoại giao mà phải được thông qua và chấp thuận bởi cấp thường trực ban bí thư và trên nữa là tổng bí thư.
Phải chăng những chóp bu cao nhất của đảng CSVN vào thời điểm này là Nguyễn Phú Trọng và Trần Quốc Vượng không thật sự cảm nhận được mối đe dọa rất hữu hình đối với Maduro, về nguy cơ cứ với đà này thì kịch bản ‘Mùa xuân Ả rập’ rất có thể sẽ xảy ra ở một đất nước đã hội tụ hầu hết các yếu tố khủng hoảng khiến nó phải xảy ra, về sự ra đi gần như tất yếu của một chủ nghĩa xã hội đã thực sự tan vỡ ở Venezuela và kéo theo sự mất mát một ‘đồng minh chiến lược’ của Việt Nam ở phía Tây bán cầu…, hay cái thế giới cộng sản thu nhỏ và chỉ còn trên danh nghĩa ở Việt Nam giờ đây đã càng thu mình lại trước một biến động thời cuộc thế giới có thể sẽ rất ghê gớm và thậm chí sẽ tác động trực tiếp đến đời sống chính trị - xã hội lẫn thế tồn vong của một chính đảng cộng sản chưa bao giờ chấp nhận một khung luật nào quản lý nó ở Việt Nam?
Cuộc khủng hoảng chính trị Venezuela vào mùa xuân năm 2019 hiển nhiên đang tung ra một bài toán vừa hóc búa về thái độ đối nhân xử thế với một bầu bạn ít ỏi còn lại, nhưng cũng vừa bộc lộ cái thế thái nhân tình muôn thuở của giới con buôn ‘hồn ai nấy giữ, thân ai nấy lo’.
Ai mạnh hơn?
Phát ngôn, hoặc tuyên bố không thể chung chung và nước đôi hơn thế của Bộ Ngoại giao Việt Nam về vấn đề Venezuela xảy ra trong tình hình ngày 24/1/2019, ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido tuyên bố trở thành Tổng thống lâm thời Venezuela, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức lên tiếng công nhận ông Guaido và kêu gọi các nước khác làm theo. Ngay sau đó, hàng loạt quốc gia khác bao gồm Canada, Brazil, Colombia, Chile, Peru, Ecuador, Argentina, Paraguay, Costa Rica… cũng tuyên bố ủng hộ ông Guaido làm tổng thống lâm thời Venezuela. Ít giờ đồng hồ sau, chính phủ Đức đã trở thành quốc gia tiên phong ở châu Âu ủng hộ lãnh đạo đối lập ở Venezuela.
Nghĩa là gần như cả khối Mỹ Latinh và sẽ là một phần lớn, nếu không nói là toàn bộ khối Liên minh châu Âu, đang và sẽ ủng hộ kịch bản loại trừ Maduro ngay trong năm 2019 này với những hành động can thiệp của quốc tế vào các nước Bắc Phi như Tunisie, Ai Cập, Libya vào mùa xuân năm 2011. Trong đó, không loại trừ kịch bản can thiệp quân sự.
Về phía đối trọng của khối trên, chỉ có một số ít ỏi những quốc gia mà không khó dự đoán là Cuba, Trung Quốc, Nga và cả Mexico.
Trung Quốc đã đầu tư đến 60 tỷ USD vào Venezuela và nếu Maduro biến mất, đó không chỉ là một mất mát đồng minh chính trị của Bắc Kinh mà còn là một thảm họa cho vốn đầu tư trong bối cảnh Trung Quốc đang lao nhanh vào chu kỳ suy thoái kinh tế - chính trị ắt phải xảy ra đối với chế độ và quốc gia này.
Đó là nguồn cơn dễ hiểu vì sao Trung Quốc là chính thể mạnh miệng nhất trong tuyên bố ‘phản đối can thiệp quân sự’ vào Venezuela. Trong khi đó, Nga cũng nói theo cách này nhưng không mạnh mẽ bằng. Hẳn nhiên, hoạt động đầu tư của Nga ở đất nước thời mồ mả Hugo Chavez - tiền bối của Maduro - không sầm uất như Trung Quốc.
Trong bối cảnh tương quan khá chênh lệch giữa hai lực lượng phản đối và ủng hộ Maduro trên, điểm nhấn lớn nhất trong tuyên bố của Bộ ngoại giao Việt Nam, nếu có thể gọi đó là một tuyên bố, là đã chẳng có bất kỳ từ ngữ hay câu cú nào về ‘phản đối can thiệp quân sự’ - một tinh thần mà lẽ ra chính đảng Cộng sản ở Việt Nam phải nhanh nhạy chia sẻ hoàn cảnh mành chỉ treo chuông với những người đồng chí thân thiết của mình bên kia bán cầu.
Không bằng Trung Quốc, nhưng Việt Nam cũng đã đầu tư vài tỷ USD vào Venezuela. Nhưng khác hẳn với những món đầu tư lời lãi khá lớn của Trung Quốc, toàn bộ số vốn đầu tư của Việt Nam thông qua Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) thời Đinh La Thăng là chủ tịch hội đồng thành viên, đã từ lỗ đến lỗ. Vào tháng 12 năm 2017 khi Ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng bị Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo siết còng vào hai cổ tay, con số lỗ hoặc thực chất đã biến mất của PVN tại Venezuela được cho là hàng tỷ USD.
Còn giờ đây, nghe nói Thăng đã có hẳn một ngôi nhà khang trang trong nhà tù, trong khi số tiền đầu tư sang Venezuela đã ‘một đi không trở lại’. Chẳng còn lý do xác đáng nào để đảng CSVN đòi Venezuela phải bồi hoàn món lỗ thê thảm đó, nhất là vào lúc này ngân hàng của Maduro không còn dính két một đồng ngoại tệ nào.
Nhưng vào lần này, cách tuyên bố nước đôi hoặc ‘đi hàng hai’ của Bộ Ngoại giao Việt Nam về cuộc khủng hoảng chính trị Venezuela không còn giống như cách đu dây của Việt Nam giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến Biển Đông hay những va chạm quốc tế khác. Phản ứng quá sức chung chung và như thể ‘nói cho nó lành’ của Bộ Ngoại giao Việt Nam gần như là một biểu hiện của tâm thế bối rối, hơn thế nữa là hoang mang cao độ của Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị đảng của ông ta.
Về thực chất, từ lâu nay PVN đã không còn gì để khai thác hay kiếm lời ở Venezuela, mà thay vào đó là hoạt động đầu tư khai thác dầu ở Nga.
Bối cảnh xảy ra khủng hoảng Venezuela lại trùng với một thời điểm mà Bộ Chính trị Việt Nam phải có được một quyết định đủ lớn và đủ ‘dũng khí’: chọn Trung Quốc hay chọn Mỹ?
Đây mới là lợi ích của chính thể Việt Nam
Đây mới là bài toán thiết thân nhất cho sự tồn vong có lẽ chỉ còn được tính bằng năm của đảng CSVN: cái đường lưỡi bò ‘chết tiệt’ của Trung Quốc vừa được vẽ lại vào năm 2018 đã liếm qua toàn bộ các mỏ dầu khí đang khai thác và sẽ khai thác của Việt Nam ở Biển Đông, bao gồm mỏ Cá Rồng Đỏ liên doanh với Repsol của Tây Ban Nha, mỏ Lan Đỏ liên doanh với Rosneft của Nga và mỏ Cá Voi Xanh liên doanh với Exxonmobil của Mỹ.
Bỏ qua người đồng chí dầu mỏ đã từng một thời thân thiết là Venezuela, lợi ích sống còn trước mắt của chính thể độc trị ở Việt Nam là những mỏ dầu mà Bắc Kinh - như một kẻ cướp hung hãn - nhảy xổ vào nhà và đòi chia bôi với chủ nhà đến 60% tài sản của cái nhà đó.
Không còn cách nào khác, từ năm 2014 đến nay Việt Nam đã phải tìm cách dựa vào Mỹ. Sự hiện diện lộ thiên của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson ở cảng Đà Nẵng vào mùa xuân năm 2018 là một bằng chứng về thái độ ‘can đảm bám Mỹ’.
Cũng như cái cách mà từ năm 2016 đến nay, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ tuyên bố ‘tàu Mỹ đi qua vô hại’’ và ‘Việt Nam tôn trọng tự do hàng hải’ ở Biển Đông.
Còn việc Mỹ có làm ‘chủ xị’ cho công cuộc can thiệp quốc tế vào Venezuela, kể cả can thiệp quân sự, chỉ là chuyện người mà không phải việc mình.
Chưa kể đến bức tranh tươi hồng của quá nhiều quan chức Việt có tài sản và người thân ở xứ Cờ Hoa…