Đặc sứ hàng đầu về hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã bắt đầu một vòng đàm phán mới với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và cũng có thể gặp Tổng thống Donald Trump ở Nhà Trắng vào ngày 18/1 trong một chuyến thăm nhằm để dọn đường cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai.
Cuộc tiếp xúc ngoại giao với ông Kim Yong Chol, nhà đàm phán hàng đầu của Bắc Triều Tiên với Mỹ, đánh dấu một dấu hiệu hiếm hoi về chuyển động giải trừ hạt nhân vốn đã bị đình trệ kể từ cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên ở Singapore hồi tháng Sáu năm ngoái.
Ông Kim Yong Chol và ông Pompeo đã cùng đứng chụp ảnh chung tại một khách sạn ở Washington trước khi bước vào các cuộc đàm phán vốn sẽ quyết định liệu hai bên có thể đạt được tiến triển hay không. Cũng không có dấu hiệu gì cho thấy sự thu hẹp khác biệt xung quanh yêu cầu của Mỹ rằng Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân hay đòi hỏi của Triều Tiên là Mỹ dỡ bở các lệnh trừng phạt.
Vài giờ trước khi ông Kim Yong Chol đến Washington hôm 17/1, Tổng thống Trump, người từng tuyên bố sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore rằng mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên đã không còn nữa, đã công bố một chiến lược phòng vệ tên lửa tăng cường trong đó chỉ ra Bình Nhưỡng là mối đe dọa ‘tiếp diễn’ và ‘khác thường’.
Sau cuộc gặp với ông Pompeo, ông Kim Yong Chol, một cựu giám đốc tình báo có lập trường cứng rắn, cũng sẽ đến gặp ông Trump ở Nhà Trắng, một người am hiểu nguồn tin cho biết.
Chuyến thăm cấp cao của một quan chức Bắc Triều Tiên có thể đưa đến thông báo về các kế hoạch cho một cuộc gặp thượng đỉnh lần hai mà cả ông Trump và ông Kim đều mong muốn tổ chức.
Cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo đã kết thúc với cam kết mơ hồ của ông Kim là ‘làm việc hướng đến phi hạt nhân hóa’ bán đảo Triều Tiên, nhưng đến nay ông vẫn chưa có những hành động mà Washington xem là bước đi cụ thể theo hướng này.
Ông Pompeo đã có kế hoạch gặp ông Kim Yong Chol hồi tháng 11 năm ngoái để thảo luận về cuộc gặp thượng đỉnh lần hai nhưng cuộc gặp đó đã bị hoãn lại vào phút cuối.
Trước khi bắt đầu cuộc đàm phán hôm 18/1, các quan chức đàm phán của Mỹ và Bắc Triều Tiên đã không trả lời câu hỏi của phóng viên rằng hai bên đã chọn được địa điểm cho cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai chưa.
Việt Nam, vốn có quan hệ tốt với cả Mỹ và Bắc Triều Tiên, được nhìn nhận rộng rãi là có nhiều khả năng sẽ là nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh này.
Trong chuyến thăm lần trước đến Washington, ông Kim Yong Chol đã chuyển cho ông Trump một lá thư của ông Kim Jong-un vốn đã giúp vượt qua những trở ngại trước cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore.
Đài CNN dẫn một nguồn thạo tin về cuộc đàm phán Mỹ-Triều Tiên cho biết ông Kim Yong Chol sẽ chuyển một lá thư mới cho ông Trump.
Các phân tích gia về Bắc Triều Tiên của Mỹ nói rằng Bình Nhưỡng sẽ tìm kiếm câu trả lời rõ ràng từ chính quyền ông Trump về những nhượng bộ nào mà họ sẵn sàng đưa ra.
“Phía Bắc Triều Tiên cần chỉ dấu thật sự về những gì phía Mỹ sẽ sẵn sàng đặt lên bàn đàm phán,” ông Jenny Town, một chuyên gia của 38 độ Bắc, một viện nghiên cứu chuyên về Bắc Triều Tiên ở Washington, nói.
Trước đó, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha nói rằng nếu Bình Nhưỡng có những bước đi cụ thể hướng tới từ bỏ chương trình hạt nhân của họ, Washington có thể chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, cung cấp viện trợ nhân đạo hay thiết lập một kênh đối thoại song phương thường trực.
Ông Victor Cha, người từng là cố vấn cho Nhà Trắng về châu Á dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush cho rằng có thể ông Trump đang quá tuyệt vọng muốn có được thắng lợi với Bình Nhưỡng đến nỗi ông sẽ dễ dàng rơi vào thỏa thuân tồi với Bắc Triều Tiên.
“Tôi lo rằng thời điểm đang có lợi có Bắc Triều Tiên,” ông Cha nói và dẫn ra những áp lực mà ông Trump phải đối mặt như chính phủ Mỹ đóng cửa một phần và cuộc điều tra vào sự can dự của Nga và chiến dịch tranh cử của ông Trump hồi năm 2016.
Hồi đầu tháng, ông Trump đã biện hộ cho sự dậm chân tại chỗ của Bắc Triều Tiên rằng nước này đã dừng thử nghiệm tên lửa và vũ khí hạt nhân và nếu không nhờ công của ông thì nước Mỹ đã bị dính vào một chiến lớn ở châu Á.