Đấu tố Facebook - bằng chứng thất bại của chính quyền VN
Lần đầu tiên trong lịch sử du nhập vào Việt Nam, hãng Facebook bị chính thể độc đảng ở quốc gia này lên án và tổ chức đấu tố một cách quyết liệt và đầy cay cú vào đầu năm 2019.
Cả hệ thống chính trị cùng đấu tố
Nhiều tờ báo nhà nước, trong khi im thin thít về vụ chính quyền TP.HCM dùng ‘luật rừng’ cưỡng chế và phá sạch 200 ngôi nhà ở khu Vườn Rau Lộc Hưng, Tân Bình, thì đồng loạt nhảy xổ vào Facebook và gào thét về những ‘sai phạm’ của hãng này tại Việt Nam như không đóng các tài khoản cá nhân, Fanpage, nhóm, có bài đăng với nội dung vu khống, chống phá chính quyền, bôi nhọ, phỉ báng các cá nhân, tổ chức, cơ quan Nhà nước; cho phép các tài khoản hoạt động quảng cáo, rao bán sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp; trốn thuế; không hợp tác với cơ quan an ninh Việt Nam yêu cầu cung cấp thông tin về các tài khoản mà Việt Nam cho là “lừa đảo, vi phạm pháp luật”…
Chắc chắn là những tờ báo trên đã được bật đèn xanh bởi hành động thông đồng của Ban Tuyên giáo trung ương của Ủy viên bộ chính trị Võ Văn Thưởng và Bộ Thông tin và Truyền thông của tân bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.
Kể từ lúc hé miệng ‘sẽ tổ chức đối thoại với những cá nhân khác biệt quan điểm’ vào tháng 5 năm 2017, từ đó đến nay Võ Văn Thưởng hoàn toàn ngậm miệng về dân chủ, nhường chỗ cho những cuộc lên lớp về chủ nghĩa xã hội theo đúng bài bản của Nguyễn Phú Trọng. Một phần do đức tính cố hữu quá thận trọng và ‘dòm trước dòm sau’, trên thực tế Võ Văn Thưởng đã gần như ‘mất tích’ khỏi chính trường giới quan chức cao cấp Việt. Vinh lộ hay hoạn lộ của ông ta cho tới đại hội 13 của đảng cầm quyền, nếu còn có đại hội này, cũng vì thế vẫn là một dấu hỏi to tướng.
Trong khi đó, tại kỳ họp quốc hội tháng 10 - 11 năm 2018, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng phụ trách Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) của Bộ Quốc phòng đã chính thức nhận được ghế Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, thay cho Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương Trương Minh Tuấn - quan chức mà chỉ thiếu chút nữa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ăn cắp đến hơn 8.000 tỷ đồng trong phi vụ ‘MobiFone mua AVG’, nếu không bị dư luận phát hiện và yêu cầu Bộ Chính trị đảng cầm quyền phải ngăn chặn hành vi tồi tệ này.
Bản tin đấu tố Facebook được đăng tải trên nhiều tờ báo nhà nước lộ hẳn vẻ kẻ cả, trịch thượng và gia trưởng theo đúng khẩu khí và phong cách mà Nguyễn Mạnh Hùng đã thể hiện khi tiếp Phó chủ tịch châu Á - Thái Bình Dương của Facebook Simon Milner vào tháng 9 năm 2018.
Ngay sau tháng Chín ấy, Facebook - một trong những doanh nghiệp mạng xã hội lớn nhất và được xem là uy tín nhất thế giới - đã phải mang một biệt hiệu chẳng hay ho chút nào: ‘Nàng dâu trưởng của nhà chồng Việt Nam’.
Vậy ‘nhà chồng’ muốn gì? Và áp đặt luật ‘làm dâu’ ra sao?
Thỏa hiệp
Những mục tiêu của ‘nhà chồng’ là rất rõ: ngăn chặn thông tin bất đồng chính trị đang từng ngày đe dọa sự tồn vong của chế độ cầm quyền, và bắt Facebook phải đóng thuế trong bối cảnh Việt Nam chỉ còn biết đi vay để đảo nợ nước ngoài nhưng vẫn chẳng thu được đồng nào trong tổng số hàng chục ngàn tỷ đồng mưu tính truy thu từ hoạt động kinh doanh chưa đóng thuế của Facebook tại Việt Nam trong nhiều năm qua.
Trong thực tế, những cố gắng và cả những thủ đoạn không mệt mỏi của chính quyền Việt Nam nhằm gây áp lực lẫn ‘thuyết phục vận động’ Facebook đã phần nào đạt kết quả.
Sau cuộc gặp của Bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông Trương Minh Tuấn với người đứng đầu Quản Trị Chính Sách Toàn Cầu của Facebook là bà Monika Bickert vào tháng Tư năm 2017, Facebook của nhiều người đấu tranh dân chủ và nhân quyền đã bị gỡ nội dung và bị khóa, và hiện tượng này đã trở thành số nhiều và liên tục. Tình trạng bóp nghẹt tự do biểu đạt trên mạng và bỏ tù các nhà hoạt động, cũng như các vụ khóa tài khoản và tháo gỡ nội dung đã gia tăng nghiêm trọng mà không nhận được lời giải thích thỏa đáng từ Facebook ngoài lý do mơ hồ là “vi phạm tiêu chuẩn”.
Khi đó, cao điểm là tháng Tư, 2018, nhiều dư luận đã đặt câu hỏi: Có phải Facebook - một tổ chức mạng có uy tín quốc tế và được tiếng là độc lập với các chính phủ, thỏa hiệp với chính quyền Việt Nam trong việc “xóa tin xấu độc’ - mà thực chất là xóa và gỡ nhiều tin tức, bình luận về dân chủ nhân quyền và bất công xã hội?
Ngày 9/4/2018, 50 tổ chức xã hội dân sự, các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và các tổ chức truyền thông độc lập ở Việt Nam đã gửi một bức thư ngỏ tới nhà sáng lập Facebook - ông Mark Zuckerberg - về tình trạng nội dung thông tin trên Facebook của họ bị tháo gỡ và tài khoản bị khóa tại Việt Nam.
Có thể xem bức thư ngỏ của 50 tổ chức xã hội dân sự gửi tới nhà sáng lập Facebook là giọt nước tràn ly sau một thời gian dài nhiều tài khoản facebook của giới đấu tranh dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam bị Facebook khóa một cách vô lý khi chỉ dựa vào chế độ report” của đội ngũ đông đảo dư luận viên công an và “lực lượng 47” của Bộ Quốc phòng.
Nhưng Facebook còn phải đối mặt với các cuộc điều trần căng như dây đàn tại Quốc hội Hoa Kỳ.
Tháng 9 năm 2018, hơn một tuần trước khi Phó chủ tịch Facebook Simon Milner gặp gỡ Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, một giám đốc phụ trách hoạt động (COO) và là nhân vật quyền lực thứ hai của Facebook - bà Sheryl Sandberg - đã phải trả lời những câu hỏi truy xét gắt gao của Thượng nghị sĩ Marco Rubio, khi ông hỏi về trường hợp khi các chính quyền độc tài yêu cầu Facebook ngăn chặn thông tin những chính quyền này cho là độc hại.
Ai thất bại?
Đã rõ rằng Sheryl Sandberg đã phải có một cam kết trước Quốc hội Hoa Kỳ về các giá trị dân chủ và nhân quyền, đặc biệt là ‘không cung cấp thông tin’ để giải tỏa scandal trước đó về việc Facebook đã làm lộ thông tin của hàng triệu khách hàng trên thế giới.
Ít lâu sau đó, facebook của giới đấu tranh nhân quyền ở Việt Nam có vẻ bớt bị chặn hơn. Đến tháng 12/2018, bất ngờ xuất hiện thông tin về bà Lê Diệp Kiều Trang - người phụ trách của Facebook tại Việt Nam - sẽ thôi việc vào ngày 1/1/2019. Khi đó, thông tin này đã gây sự chú ý và dấu hỏi từ dư luận. Người ta không biết rõ bà Trang tự nguyện nghỉ việc hay bị ban lãnh đạo của Facebook thúc ép phải nghỉ việc.
Nhưng vào những ngày đầu năm 2019 thì sự thể đã rõ hơn nhiều: cái cách phản ứng dữ dằn và cay cú của chính quyền Việt Nam đối với Facebook đã cho thấy trong những tháng qua doanh nghiệp mạng xã hội này đã không làm cho những kẻ muốn bóp nghẹt tự do ngôn luận và tự do Internet hài lòng.
Không loại trừ khả năng Facebook đã bị chính quyền Việt Nam đe dọa theo đúng cái cách của Trung Quốc độc trị đối với Google gần một chục năm về trước, để cuối cùng dàn lãnh đạo Facebook phải phản ứng lại.
Việc bà Lê Diệp Kiều Trang rời Facebook vào ngày 1/1/2019 - đúng vào ngày Luật An ninh mạng của Việt Nam có hiệu lực - có thể là một phản ứng mang hàm ý phản ứng đối với Luật An ninh mạng mà đang tạo ra nguy cơ siết bóp đối với Facebook.
“Chúng tôi có một quy trình rõ ràng để các chính phủ báo cáo nội dung bất hợp pháp và chúng tôi xem xét tất cả các yêu cầu đó, đối chiếu các điều khoản và điều kiện cung cấp dịch vụ của chúng tôi với luật pháp địa phương” - Facebook viết trong một tuyên bố để phản ứng những cáo buộc của chính quyền Việt Nam về việc doanh nghiệp này vu khống, bôi nhọ cá nhân, tổ chức; cho phép quảng cáo bất hợp pháp; và trốn thuế.
Cuộc đấu tố hằn học và cay cú của chính quyền Việt Nam đối với Facebook đã cung cấp một bằng chứng trực tiếp về thất bại của chính quyền này trong việc cố gắng áp đặt Facebook phải tuân theo luật chơi độc trị và bóp nghẹt tự do ngôn luận trên mạng xã hội.
Thất bại của chính quyền lại là một thắng lợi đầu tiên của Facebook ở Việt Nam trong việc duy trì tiêu chí của tổ chức này là bảo đảm các giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền, đồng thời trở thành một tin vui nho nhỏ dành cho giới đấu tranh dân chủ nhân quyền và hàng chục triệu người dùng mạng xã hội ở Việt Nam vào những ngày đầu năm mới 2019.