Metro Bến Thành-Suối Tiên: Một kịch bản hoàn hảo
Hình như ở Việt Nam không một dự án nào lớn mà không bị trục trặc.
Từ những kinh nghiệm nhãn tiền, người dân quen dần với những sự cố xảy ra trong những dự án lớn nhỏ xưa nay nên vụ con đường ngầm tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên sắp nằm đắp chiếu trở thành bình thường mặc dù đây là dự án rất lớn có sự tiếp tay giúp đỡ tài chánh từ nước Nhật cũng như việc thực hiện dự án cũng từ nhà thầu Nhật Bản, vậy mà nó vẫn trục trặc như thường.
Dư luận bắt đầu theo dõi khi đại sứ Nhật Kunio thông báo số tiền chậm thanh toán cho nhà thầu thi công và tư vấn đã lên đến hơn 100 triệu USD. Đại sứ Kunio quan ngại, nếu đến cuối tháng 12 mà vấn đề này không được giải quyết, dự án sẽ buộc phải ngừng thi công do dự án áp lực lên nhà thầu và đơn vị thi công quá nặng.
Kế đến là ông Keiichi Ishii, Bộ trưởng Bộ Đất đai cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật vào tối 25 tháng 12 vừa qua tại Hà Nội cho báo chí biết đã có cuộc hội đàm với với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể để bàn về việc Nhật muốn Việt Nam mau chóng thanh toán số tiền 100 triệu USD cho các nhà thầu của Nhật trong dự án metro Bến Thành-Suối Tiên. Đây là cách mà giới chức Nhật đòi nợ Việt Nam, tuy rất ngoại giao nhưng chứng tỏ rằng sự chịu đựng của các nhà thầu Nhật trong dự án Metro đã quá giới hạn.
Tuy nhiên đây không phải là lỗi của chính quyền thành phố mà như thường lệ, báo chí đã chỉ ra đây là lỗi...hệ thống. Một lần nữa hai chữ “hệ thống” như một lá bùa hộ mạng cho guồng máy chính trị Việt Nam, bởi khi hai chữ “hệ thống” lắp vào đâu thì hình như không ai chịu trách nhiệm cụ thể cho nó cả.
Số tiền dùng để trả cho nhà thầu dĩ nhiên không ai ăn được, do cơ chế quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được nguồn vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), chiếm 88,4% tổng mức đầu tư với hơn 209,1 triệu yên, tương đương 41.833,6 tỷ đồng.
Dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên được khởi công từ năm 2012 do nhà thầu Sumitomo Nhật Bản thực hiện. Ban đầu, Thủ tướng phê duyệt tổng vốn đầu tư là 1.09 tỷ USD (19.000 tỷ Việt Nam), nhưng đến thời điểm hiện tại đã đội vốn lên 2.49 tỷ USD (47.000 tỷ đồng).
Lý do đội vốn được vạch trần là do chính quyền thành phố thực hiện dự án không đúng với dự án. Ban đầu Thành phố dự toán tổng vốn 17.400 tỷ, với mức này chỉ đủ xây vài nhà ga từ Bến Thành đến Suối Tiên, nhưng sau đó do các “ý tưởng” mới phát sinh Thành phố cho xây thêm tới 14 nhà ga để ghé các cao ốc cao cấp mọc sẵn dọc theo tuyến Metro. Kết quả là vốn đội lên 47.300 tỷ đồng.
Chưa biết bản thiết kế được điều chỉnh có “lại quả” từ các đại gia bất động sản hay không nhưng việc thiếu tiền do đội vốn được đưa ra để không xuất 100 triệu USD trả cho nhà thầu Nhật bản bị dư luận lên án gay gắt, bởi dù có ngừng lại do thiếu kinh phí vẫn không nên chai mặt trước một đối tác quan trọng như Nhật Bản. Hơn nữa nó là thể diện quốc gia không thể bán rẻ cho dù lý do gì đi nữa.
Hiện nay, tuyến Metro này phải tạm dừng thi công do không còn tiền trả cho nhà thầu Sumimoto đồng thời phải bồi thường cho nhà thầu.
Một trăm triệu đô la không phải là nhiều tại sao Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư không giải quyết đến nỗi một dự án quan trọng như vậy phải bị đình chỉ, và quan trọng hơn, dưới mắt nhà thầu Nhật Bản thì sự trì trệ này có chủ ý của những viên chức nhà nước cấu kết với những nhóm lợi ích khác mong hất chân họ ra khỏi dự án không phải là việc không thể xảy ra.
Theo nguồn tin của báo Sichuan Daily của Trung Quốc thì Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc, là đơn vị thầu dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã có kế hoạch cướp dự án Metro tp HCM từ tay nhà thầu Sumimoto của Nhật khi nắm chắc thông tin nhà thầu này không được trả tiền thi công đúng thời hạn.
Thông tin từ Sichuan Daily tiết lộ rằng, Tập đoàn cục 6 đường sắt sẽ thanh toán số tiền mà phía Thành phố HCM đang nợ cho nhà thầu Sumimoto rồi sau đó sẽ nhảy vào thay thế vai trò thi công. Kế hoạch này lộ liễu đến nỗi chấp nhận làm chung với Sumimoto nếu lãnh đạo thành phố HCM không chấp nhận nhà thầu Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra: Ai ghim lại số tiền 100 triệu USD không chịu giải ngân mặc dù đã có sẵn khi dự án bắt đầu thực hiện từ 6 năm về trước. Phải chăng hành động âm thầm thắt chặt hầu bao này nhằm buộc thành phố không còn giải pháp nào khác phải cắn răng giao trọn gói còn lại cho nhà thầu Trung Quốc mặc dù nhà thầu này đã mang tai tiếng trong dự án Cát Linh-Hà Đông vẫn còn hiển hiện trước mắt.
Song song với việc ghim tiền không giải ngân là chiến dịch đánh phá những người quản lý dự án, trong đó quan trọng nhất là ông Lê Nguyễn Minh Quang, một Việt kiều đang là Tổng Giám đốc Công ty Bachy Soletanche Việt Nam đã được UBND TPHCM bổ nhiệm giữ chức Trưởng Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP tức là người đứng đầu dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên.
Trong khi thực hiện dự án ông Quang đã thiết kế đoạn tường vây từ đường Pasteur đến đường Nam Kỳ khởi nghĩa có bề dày thay vì 2.0 m xuống còn 1.5 m Theo các chuyên gia độc lập của Nhật và Việt Nam thì đây là một đề xuất hợp lý, tiết kiệm cho công trình gần 4 triệu USD và rút ngắn đáng kể thời gian thi công nhưng không hiểu sao thời gian gần đây một số tờ báo cho rằng đây là hành vi rút ruột công trình và chính quyền thành phố đã ra quyết định: “Tạm đình chỉ chức vụ Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM” đối với ông Lê Nguyễn Minh Quang và cấm đi ra nước ngoài.
Câu chuyện về công ty Trung Quốc quyết tâm thu tóm hợp đồng thi công cộng với việc đấu tố ông Lê Nguyễn Minh Quang cùng với tầng tầng lớp lớp dư luận trái chiều với dự án đã cho người dân thấy được phần nào mặt trái của sự phát triển hạ tầng tại Việt Nam.