Huawei, chú không thể hóa rồng
Bên cạnh châu Âu cháy bỏng với Paris, cả thế giới gần như sửng sốt trước thông tin Hoa Kỳ yêu cầu Canada bắt giữ và dẫn độ nghi can Meng Wanzhou, Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của công ty Huawei (Hoa Vi) khi bà này quá cảnh Canada vào ngày 1 tháng 12 vừa qua.
Lý do mà Canada bắt một nhân vật được Trung Quốc xem là tinh hoa của mình là từ yêu cầu của Washington với lý do bà Chu tiếp tay với tập đoàn Huawei vi phạm lệnh cấm vận Iran do Tổng thống Donald Trump ký có hiệu lực từ ngày 7 tháng 8 năm 2018. Bà Mạnh Vãn Chu bị Mỹ cáo buộc trong cương vị giám đốc tài chính của Huawei đã sử dụng hệ thống ngân hàng quốc tế để lách luật trừng phạt của Mỹ lên Iran.
Thế giới chứng kiến sức mạnh của Mỹ khi thực hiện cuộc bắt giữ này. Trong vai trò là đồng minh và có hiệp ước dẫn độ với Mỹ, một thẩm phán Canada sẽ xác định xem vụ kiện chống lại bà Chu có đủ mạnh để sau đó tùy thuộc vào bộ trưởng tư pháp Canada quyết định có dẫn độ bà ấy sang Mỹ hay không. Canada đã dùng hệ thống luật pháp của mình để thực hiện hiệp ước mà không bị các thể chế dân chủ trên thế giới phản ứng, có chăng là sự kinh ngạc, bất ngờ khi kẻ bị bắt là một ngôi sao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, người sẽ kế nghiệp cha trong nhiệm vụ chỉ đạo Huawei, một công ty hàng đầu của Trung Quốc cả về khả năng đem về cho Đảng tiền bạc lẫn thông tin tình báo và kế hoạch phá hoại đối phương, những nước mà Trung Quốc cần đối phó.
Huawei không còn xa lạ với thế giới như cách đây một thời gian ngắn, nó nổi tiếng vì sự lớn mạnh nhanh chóng và chiếm lĩnh thị trường nhiều nước với tốc độ chóng mặt. Theo website của tập đoàn này thì Huawei cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) hàng đầu thế giới, doanh thu gần 50 tỷ đô la, có mặt ở 170 quốc gia và khu vực, với 180.000 nhân viên. khoảng 76.000 người tham gia vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Nó có 21 viện nghiên cứu và được phát triển tại các quốc gia bao gồm cả Mỹ và Canada cũng như châu Âu.
Lớn mạnh như vậy nhưng Huawei không vượt qua được hàng rào an ninh của Mỹ vì ý đồ thâm nhập tình báo qua các sản phẩm mà nó bán ra cho thị trường thông tin truyền thông trên thế giới, đặc biệt là Mỹ khi các hãng điện thoại lớn của nước này như AT&T, Sprint, T-Mobile đến Verizon đều không tham gia vào các cuộc mua bán với nó do cảnh báo từ các cơ quan tình báo quốc phòng về kế hoạch thâm nhập của Huawei đối với những đối tác quan trọng của nước Mỹ.
Bắt một yếu nhân của Huawei trong lúc này là cơ hội làm cho cuộc chiến thương mại giữa hai nước càng căng thẳng bất kể 3 tháng hưu chiến vừa mới được hai nguyên thủ tán thành.
Lý do bà Mạnh Vãn Chu bị tống giam có liên quan mật thiết đối với chính sách chống lại sự bất bình đẳng của Trung Quốc đối với Mỹ trong kinh tế, ít nhất là chính sách buôn lậu của Bắc Kinh, thủ lợi một cách bất chính trước quyền lợi của nước Mỹ. Khi Huawei làm ăn trong bóng tối với Iran nó gián tiếp gây thiệt hại cho anh ninh và quyền lực của nước Mỹ vì lệnh cấm vận của Mỹ vẫn được xem là bất khả xâm phạm và nó đã chứng tỏ nhiều lần thành công từ trước tới nay.
Trung Quốc gián tiếp hay trực tiếp nhiều lần xác định là nền kinh tế đứng thứ hai sau Mỹ và sức mạnh quân sự của nó cũng không nên xem thường, thế nhưng nó chưa bao giờ có đủ sức mạnh để làm cho một nước khác bắt một công dân bình thường của nước Mỹ huống hồ là một người đang được xem là tinh hoa là ngôi sao kinh doanh như bà Mạnh Vãn Chu. Sự khác biệt này là một đòn đau đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, nó đánh thức lòng kiêu ngạo về sức mạnh Trung Quốc bấy lâu nay trên trường quốc tế.
Mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc liên tục chống đối Canada và Mỹ nhưng dù phùng mang trợn má cách nào họ cũng chỉ nhận được thái độ rất ngoại giao của đại sứ hai nước trước sự kiện này. Báo chí Trung Quốc liên tục kết án Canada vi phạm nhân quyền, Mỹ hành xử côn đồ hay Trump là một Tổng thống trở mặt....mọi nỗ lực tuyệt vọng ấy không thể giúp cho bà Chu thoát khỏi tấm lưới cấm vận mà Mỹ áp đặt.
Mặc dù vậy, các công ty lớn của Mỹ vẫn cảm thấy bất an vì họ biết rõ sự nhỏ mọn của chính quyền Trung Quốc sẽ tìm cách trả thù nước Mỹ. Theo tin từ Reuters, chỉ một ngày sau khi tin bà Mạnh Vãn Chu bị bắt, một nhóm công ty Mỹ gặp nhau tại Singapore bàn về nguy cơ các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc sẽ phải hứng hậu quả và các cuộc bắt bớ yếu nhân các tập đoàn lớn là có thể xảy ra tại Trung Quốc. Cuộc họp do Hội đồng Cố vấn an ninh nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ (OSAC) tổ chức với các đại diện từ các tập đoàn Walt Disney Co, Alphabet Inc’s Google, các công ty Facebook Inc, PayPal Holdings Inc…Các công ty Mỹ đang cân nhắc hạn chế các chuyến đi không cần thiết tới Trung Quốc của các lãnh đạo cấp cao và sẽ ưu tiên tổ chức các cuộc họp ở các địa điểm ngoài nước này.
Không ngoại trừ khả năng túng quá làm càng của Trung Quốc là đóng cửa các công ty Mỹ để trả thù, nhưng việc làm này chỉ làm lợi thêm cho thế giới thứ ba và Mỹ lại thêm cơ hội lấy đó là lý do tấn công Trung Quốc trên nhiều mặt trận khác.
Nếu thật sự Mỹ cần kiếm tiền thì đã không cấm Broadcom trong thương vụ mua lại Qualcomm Inc., với giá khủng là 117 tỷ, vụ sát nhập này được xem là lớn nhất lịch sử trong khu vực công nghệ của thế giới. Lý do khiến Tổng thống Trump ký lệnh ngăn cản thương vụ này là có thế đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ, nó làm suy yếu vị trí của Qualcomm khiến cho Trung Quốc rộng cửa tiến lên chuẩn 5G
Do đầu tư nhiều vào nghiên cứu và thậm chí dùng tình báo kinh tế lẫn ăn cắp công thức của các công ty truyền thông lớn, Huawei có năng lực sản xuất và bí quyết kỹ thuật để cạnh tranh với Qualcomm trong cuộc chạy đua phát triển thiết bị không dây thế hệ thứ 5 (5G). Đây là công nghệ hứa hẹn tạo ra kết nối siêu nhanh phục vụ từ xe tự lái, đến thiết bị y tế điều khiển từ xa và thiết bị công nghiệp.
Trước khi xảy ra vụ của bà Mạnh Vãn Chu thì New Zealand, Úc đã tuyên bố cấm các hãng viễn thông nước họ sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei khi phát triển hạ tầng cho mạng di động 5G của họ. Hãng viễn thông BT của Anh ngày 5-12 cũng nói sẽ không mua trang thiết bị của công ty Trung Quốc để phát triển mạng di động không dây thế hệ mới ở nước này.
Các nước có lý do để lo sợ không phải vì hệ quả kinh tế mà lo rằng 5G của Huawei có thể thực hiện những cuộc tấn công từ chối dịch vụ Dos hay các công tác gián điệp khác đối với chính phủ các nước.
Nếu bà Mạnh Vãn Chu không dính líu tới tình báo Trung Quốc thì làm sao có được tới 7 cuốn hộ chiếu một lúc do Bắc Kinh và Hong Kong cấp trong khi bị bắt và bị phát hiện tại Canada. Câu hỏi này thật khó cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời khi khăng khăng cho rằng bà này không hề liên quan gì tới chính quyền Bắc Kinh.
Có biện luận thế nào thì thế giới cũng dư sức biết cha của bà là Nhậm Chính Phi, một đảng viên Cộng sản Trung Quốc từ năm 1958. Sau khi rời quân ngũ, ông lập ra công ty Huawei vào năm 1987 và năm 2005 ông được Tạp chí Time xếp hạng là một trong 500 người có ảnh hưởng nhất thế giới. Tài năng của một con người trong chế độ cộng sản không thể phát triển nhanh như vậy nếu không có sự đồng hành của Đảng. Thành công của Huawei chính là thành công của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Con rồng Huawei là hiện thân của con rồng Bắc Kinh, không may là nó chưa đủ móng vuốt để đối phó lại với các thế lực đang kéo nó xuống tận mặt đất. Là rồng mà bị kéo xuống là do nó được nuôi nấng bằng sự gian trá, mà gian trá phản lại đức tính cao cả của loài rồng.