Cựu ủy viên T/Ư, các cựu phụ tá thủ tướng đòi rút đề xuất kỷ
Một cựu ủy viên trung ương đảng và một số cựu phụ tá của các đời thủ tướng trước đây vừa công bố các bài viết riêng rẽ yêu cầu một ủy ban của Đảng Cộng sản Việt Nam rút lại đề xuất kỷ luật giáo sư Chu Hảo.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương hôm 25/10 đã đã gây chấn động giới trí thức Việt Nam với việc đề nghị đảng kỷ luật vị giáo sư từng giữ chức thứ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ-Môi trường, với lý do ông “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” khi xuất bản những cuốn sách có nội dung “trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của đảng”.
Một thông cáo của ủy ban, được báo chí nhà nước đăng tải lại, cho biết thêm một lý do khác đằng sau đề xuất kỷ luật giáo sư Chu Hảo là ông còn có “những bài viết, phát ngôn” có nội dung “trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của đảng…”.
Theo tìm hiểu của VOA, ủy ban của đảng cáo buộc ông Chu Hảo khi còn là giám đốc-tổng biên tập của Nhà xuất bản Tri Thức đã cho xuất bản các cuốn sách bị xem là “trái quan điểm” về triết học, chính trị-kinh tế học như “Bàn về tự do” của John Stuart Mill, “Khảo Luận Thứ Hai Về Chính Quyền” của John Locke, hay “Nền Dân Trị Mỹ” của Alexis De Tocqueville, v.v…
GS. Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật vì ‘suy thoái tư tưởng chính trị’; trí thức phản ứng
Trong một bài viết dài trên mạng xã hội Facebook, đăng hôm 29/10 ở chế độ công khai, cựu Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, ông Nguyễn Đình Bin, đưa ra quan điểm rằng “các việc làm và phát biểu của giáo sư Chu Hảo, cũng như của nhiều đảng viên, trí thức tâm huyết, tài năng khác, hoàn toàn không có gì là sai phạm”.
Thậm chí vị cựu thứ trưởng, người từng là một ủy viên trung ương đảng, còn cho rằng các việc làm và phát biểu đó “là có ích cho công cuộc đổi mới tư duy lý luận, cho đảng, cho dân, rất đáng hoan nghênh và khuyến khích”.
Ông Bin đã trích dẫn một bài phát biểu của chính Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng cách đây 2 năm, trong đó ông Trọng kêu gọi rằng “để vượt qua khó khăn, thách thức, đưa đất nước tiến lên, phải đổi mới toàn diện, đồng bộ, đặc biệt là đổi mới tư duy lý luận… phát huy tự do tư tưởng, bảo đảm dân chủ, khuyến khích những tìm tòi sáng tạo”.
Đối chiếu với phát biểu đó, cựu thứ trưởng Bin bày tỏ suy nghĩ rằng “những việc giáo sư Chu Hảo đã làm và phát biểu […] là phổ biến các công trình nghiên cứu, các tư duy, luận thuyết của nhiều học giả nổi tiếng trên thế giới, đưa ra các khuyến nghị” mà theo ông Bin là “xuất phát từ động cơ xây dựng, vì Đảng, vì dân”.
Vẫn theo cách nhìn nhận của vị cựu ủy viên trung ương, việc làm của giáo sư Chu Hảo là “thiết thực phục vụ cho công tác nghiên cứu, đổi mới tư duy lý luận nói trên”.
Nguyên Ngọc, Mạc Văn Trang thoái Đảng, ủng hộ GS Chu Hảo
“Tôi lại rất buồn và lo lắng” về việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề xuất kỷ luật giáo sư Chu Hảo, ông Bin viết.
Chỉ ra thực tế là đề xuất của ủy ban “đang gây nên phản ứng không đồng tình rộng rãi trong dư luận, nhất là trong tầng lớp trí thức”, vị cựu ủy viên trung ương tiên liệu rằng nếu đề xuất được thực hiện, “thay vì góp phần nâng cao uy tín của UBKTTW [Ủy ban Kiểm tra Trung ương] nói riêng và của Đảng nói chung, nó sẽ có tác động ngược lại, không chỉ về đối nội mà cả về đối ngoại nữa”.
Vì vậy, ông Bin viết tiếp: “tôi khẩn thiết đề nghị UBKTTW [Ủy ban Kiểm tra Trung ương] bình tâm và sáng suốt xem xét lại và dũng cảm rút quyết định nói trên đối với GS Chu Hảo”.
VOA cố gắng liên lạc điện thoại với cựu ủy viên trung ương đảng, cựu thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Đình Bin để hỏi xem kiến nghị của ông chỉ đăng trên Facebook hay đã được gửi đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cũng như điều gì đã thúc đẩy ông viết kiến nghị.
Tuy nhiên, sau khi nghe phóng viên VOA giới thiệu danh tính, ông Bin đã giữ im lặng, không nói bất cứ một lời nào.
Trong bài viết trên Facebook được gần 220 người chia sẻ và hơn 630 người thích, ủng hộ, ông Bin nhận định nếu Ủy ban Kiểm tra Trung ương rút lại đề xuất kỷ luật ông Chu Hảo, việc làm đó “sẽ góp phần lấy lại và nâng cao uy tín” của ủy ban nói riêng và của đảng nói chung.
Ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan rất to trong hệ thống cộng sản. Làm sao nó lại nghe một ông như ông Bin. Đảng chưa bao giờ cần trí thức. Họ chỉ đưa một vài người trí thức mà nghe theo họ trong một giai đoạn nào đó để làm cái gọi là trang trí thôi.
Một động thái như vậy “là điều hết sức cần thiết hiện nay”, ông Bin viết, đồng thời khuyên rằng ủy ban “không nên lặp lại những vấp váp đã xẩy ra không ít lần trong lịch sử Đảng”, đó là “phạm sai lầm để rồi sau lại phải sửa”.
Bản kiến nghị của vị cựu ủy viên trung ương đã nhận được hơn 170 lời bình luận từ các cựu cán bộ nhà nước và giới trí thức, với đa số bày tỏ “tán đồng”, “hoan nghênh” về nội dung “chân thành”, “đúng đắn”, “sáng suốt”, “thẳng thắn” của bài viết.
Tuy nhiên, cũng có một số lời bình luận cho rằng dù ý kiến của ông Bin “rất tâm huyết” song như những gì đã xảy ra với các đảng viên và người dân khác, ý kiến của ông “sẽ chỉ như ném đá ao bèo” đối với đảng.
Đánh giá về việc đảng lắng nghe ý kiến từ đảng viên và giới trí thức đến đâu, dịch giả Phạm Nguyên Trường, người nhiệt tình ủng hộ phong trào dân chủ, khai trí, và đã tham gia làm sách với nhà xuất bản của giáo sư Chu Hảo, nói với VOA:
“Ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan rất to trong hệ thống cộng sản. Làm sao nó lại nghe một ông như ông Bin. Đảng chưa bao giờ cần trí thức. Họ chỉ đưa một vài người trí thức mà nghe theo họ trong một giai đoạn nào đó để làm cái gọi là trang trí thôi”.
Trước bài viết của cựu thứ trưởng Bin hai ngày, hôm 27/10, những người sử dụng mạng xã hội đã chia sẻ một thư ngỏ của các cựu phụ tá một số đời thủ tướng trước đây và một số nhà báo nổi tiếng, với nội dung cũng đòi Ủy ban Kiểm tra Trung ương “rút lại kết luận sai trái” về việc xem xét kỷ luật giáo sư Chu Hảo.
Những người ký thư, trong đó có các ông Trần Đức Nguyên, Nguyễn Trung, Nguyễn Quang A, Lê Đăng Doanh, Huỳnh Sơn Phước, các bà Phạm Chi Lan, Vũ Kim Hạnh, nhấn mạnh trong thư ngỏ rằng “sự quy kết” của ủy ban về ông Chu Hảo là “không chính đáng, không đúng sự thật, thể hiện sự trấn áp thô bạo những nỗ lực rất đáng trân trọng của một trí thức hết lòng vì dân vì nước” cũng như “chà đạp những ý kiến chân thật và xây dựng của ông về những vấn đề nóng bỏng của đất nước”.
Chúc mừng ông, Giáo Sư Chu Hảo
Có một số trường hợp trước đây khi có đề nghị kỷ luật thì người ta xin ra khỏi đảng, thì họ [đảng] lại ra cái luật là xóa tên, hay là có cái lệnh là khai trừ đảng. Thí dụ như trường hợp anh Phạm Chí Dũng ở thành phố Hồ Chí Minh trước đây.
Chỉ một ngày sau khi bản kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương được công bố, giáo sư Chu Hảo hôm 25/10 đã tuyên bố thoái đảng. Động thái này dẫn đến một số suy luận từ giới quan sát rằng đảng sẽ lúng túng trong bước đi tiếp theo.
Tuy nhiên, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận nói với VOA rằng việc kỷ luật có thể sẽ vẫn diễn ra:
“Có một số trường hợp trước đây khi có đề nghị kỷ luật thì người ta xin ra khỏi đảng, thì họ [đảng] lại ra cái luật là xóa tên, hay là có cái lệnh là khai trừ đảng. Thí dụ như trường hợp anh Phạm Chí Dũng ở thành phố Hồ Chí Minh trước đây. Xin ra khỏi đảng cũng phải qua một trình tự, thông qua cấp ủy. Trong thời gian đó, Ban Kiểm tra họ cũng có thể làm như đã làm với anh Phạm Chí Dũng”.
Hồi cuối năm 2013, đảng viên bất đồng chính kiến Phạm Chí Dũng, người có nhiều bài viết chỉ trích chính quyền, đã bị một cơ quan đảng cấp địa phương khai trừ, dù ông Dũng đã nộp đơn “xin ra khỏi đảng” trước đó 3 tuần.
Ít nhất 13 trí thức bỏ Đảng sau ‘hiệu ứng Chu Hảo’
Trong vài ngày ngay sau việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định giáo sư Chu Hảo có sai phạm đến mức phải bị kỷ luật, còn bản thân ông Chu Hảo tuyên bố thoái đảng, đã có ít nhất 13 nhà trí thức tuyên bố “bỏ đảng”.
Trong số họ là phó giáo sư tiến sỹ Mạc Văn Trang; nhà văn, đại tá quân đội Nguyên Ngọc; ông Nguyễn Trung, nguyên trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt; tiến sỹ Phạm Gia Minh; trung tá quân đội Trần Nam.
Họ nói với VOA rằng họ “quá bức xúc” vì đảng “không còn phục vụ lợi ích của nhân dân, dân tộc”, đảng “đã chọn sai đường”, và họ dự báo rằng con số thoái đảng “sẽ gia tăng sau hiệu ứng Chu Hảo”.