Tác động từ việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF với Nga

PostMon Oct 22, 2018 5:43 pm

VOA - Arts and Entertainment


Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rằng ông sẽ rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp ước Lực lương hạt nhân Tầm trung (INF) với Nga với lý do mà ông cáo buộc là Moscow ‘vi phạm’ hiệp ước và rằng ông chỉ xem xét tái tham gia hiệp ước nếu như cả Nga và Trung Quốc hạn chế kho vũ khí của họ.


Đây là động thái mới nhất của ông Trump rút ra khỏi một loạt các thỏa thuận đa phương và song phương mà ông cho là bất lợi hay bó buộc đối với Mỹ - phù hợp với quan điểm ‘Nước Mỹ trên hết’ của ông. Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn đến những tác động như thế nào đối với cả Mỹ lẫn các nước đồng minh châu Âu?


Hiệp ước INF được ký kết vào tháng 12 năm 1987 giữa Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev. Hiệp ước này cấm hai nước chế tạo, thử nghiệm và triển khai các tên lửa mặt đất và tên lửa đạn đạo có tầm trung, tức là tầm bắn trong khoảng từ 500 cho đến 5.500 km.


Theo hiệp ước này, Washington và Moscow lần lượt phải tiêu hủy 846 và 1.846 tên lửa của riêng mình. Do tầm bắn tương đối hạn chế, những hệ thống tên lửa này chủ yếu là để chiến đấu trongmột cuộc chiến hạt nhân ở châu Âu. Thời gian bay ngắn và đường bay khó đoán định khiến chúng khó mà bị phát hiện, do đó các nhà chiến lược cho rằng kiểu hỏa tiễn này làm tăng khả năng khủng hoảng và tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân bất chợt. Do đó, các nước châu Âu cho rằng tiêu hủy những hỏa tiễn này là rất có lợi cho an ninh khu vực. Tuy nhiên, hiệp ước chỉ áp dụng đối với các tên lửa được phóng từ mặt đất, do đó hai nước được tự do phóng hỏa tiễn có tầm bắn từ 500 cho đến 5.500 km từ biển hay từ trên không.


Nga có vi phạm hiệp ước hay không?


Trong bài phân tích đăng trên tờ Washington Post, ông James J. Cameron, học giả nghiên cứu hậu tiến sỹ tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh, trường King’s College London, cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ lần đầu tiên tuyên bố Moscow đã vi phạm hiệp ước hồi tháng 7 năm 2014. Kể từ đó, các quan chức Mỹ đã xem tên lửa hành trình 9M729 của Nga là quan ngại chính của họ. Phía Mỹ vẫn chưa công bố đánh giá của mình nhưng tên lửa này được cho là có tầm bắn vào khoảng 2.000 km. Hồi tháng 2 năm 2017, các quan chức Mỹ cho rằng Nga đã đưa loại tên lửa này vào hoạt động. Washington đã theo đuổi đường lối ngày càng quyết liệt, bao gồm cả cấm vận, để áp lực Moscow tuân thủ hiệp ước trở lại.


Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ có vi phạm hiệp ước. Họ đòi bên cáo buộc trưng ra bằng chứng trong khi đáp trả lại với danh sách của họ về những vi phạm của Mỹ. Tuy nhiên, Nga không thể phản bác lại một cách thuyết phục cáo buộc của phía Mỹ. Mỹ cho đến nay cũng không công bố những thông tin tình báo về vi phạm của Nga, do đó khó mà kiểm chứng được cáo buộc của Mỹ.


Tác động quân sự và ngoại giao


Cũng theo Tiến sỹ Cameron thì hậu quả trực tiếp của việc ông Trump rút ra khỏi INF là ‘Nga có thể nhanh chóng tăng cường bố trí binh lực. Cho đến nay, số lượng hỏa tiễn 9M729 có thể hoạt động còn hạn chế, nhưng một khi được giải phóng khỏi sự ràng buộc chính thức theo hiệp ước, Moscow có thể dễ dàng nhanh chóng triển khai thêm tên lửa loại này.


Trong khi đó, hiện chưa rõ loại tên lửa bị cấm nào trong khuôn khổ INF mà Mỹ có thể triển khai đến châu Âu và châu Á trong tương lai gần. Quân đội Mỹ đã không phát triển bất kỳ loại tên lửa mặt đất nào trong phạm vi bị cấm trong hàng chục năm và chỉ mới bắt đầu đổ tiền phát triển một loại tên lửa hành trình mặt đất mới tương đương với 9M729.


Về ngoại giao, ông Cameron cho rằng quyết định rút lui này của ông Trump sẽ khiến chia rẽ trong khối đồng minh NATO ngày càng trầm trọng – nó sẽ khiến cho khối đồng minh này ngày càng chia rẽ tại một thời điểm khó khăn cho quan hệ xuyên Đại Tây Dương.


Nhiều nước NATO ở Tây Âu đã bày tỏ mong muốn giữ lại INF và ủng hộ các nỗ lực trước đây của Washington để kéo Moscow tuân thủ trở lại. Châu Âu không hề muốn có một cuộc chạy đua vũ trang mới trên lục địa của họ và chẳng có mấy nước NATO nào muốn cho Mỹ triển khai bất kỳ hệ thống tên lửa nào mới trên đất của họ.


Ngoại trưởng Đức Heiko Maas gọi quyết định của ông Trump là ‘đáng tiếc’ và kêu gọi Moscow giải quyết vấn đề không tuân thủ của mình. Trong khí đó, Ngoại trưởng Anh Gavin Williamson mặc dù tuyên bố rằng Anh đứng cùng với Mỹ nhưng cũng hy vọng rằng hiệp ước này sẽ ‘tiếp tục’.


Trong cuộc điện đàm với ông Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lặp lại tầm quan trọng của INF. Theo thông cáo Điện Elysee phát đi hôm 22/10 thì hiệp ước này có vai trò quan trọng ‘đặc biệt đối với an ninh châu Âu và sự ổn định chiến lược của chúng tôi’.


Có phải để kiềm chế Trung Quốc?


Trung Quốc không bị ràng buộc bởi Hiệp ước INF và do đó họ đã triển khai một số lượng lớn tên lửa tầm trung. Như ông Harry Harris, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc và cựu tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, đã chỉ ra: kho tên lửa tầm trung ‘chiếm xấp xỉ 95%’ lượng hỏa tiễn của Giải phóng quân Trung Quốc.


Một số nhà quan sát cho rằng Hiệp ước INF tập trung vào an ninh châu Âu và do đó đã lỗi thời. Nó tập trung vào quan hệ quân sự Nga-Mỹ mà không tính đến cán cân quân sự Mỹ-Trung vốn đang ngày càng trở nên quan trọng trong tính toán chiến lược của Washington. Nếu Mỹ không bị ràng buộc bởi INF, họ sẽ dễ dàng triển khai các hệ thống tên lửa mặt đất ở châu Á vì việc đó sẽ ít tốn kém hơn là đặt chúng trên những bệ phóng trên biển và trên không vốn tốn kém hơn rất nhiều.


Tuy nhiên, một thách thức mà Mỹ phải đối mặt là Washington có ít căn cứ ở Thái Bình Dương mà họ có thể đặt hệ thống tên lửa mặt đất có tầm bắn vươn tới Trung Quốc mà không có sự đồng ý của đồng minh. Hiện không rõ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc có chịu để cho Mỹ triển khai những hệ thống tên lửa như thế hay không.


Bài phân tích có tựa đề ‘Trump có thể làm hồi sinh Chiến tranh Lạnh, nhưng Trung Quốc có thể sẽ là yếu tố thay đổi’ của các tác giả David E. Sanger và Steven Erlanger trên tờ New York Times nhận định rằng nhiều khả năng Trung Quốc là lý do khiến ông Trump từ bỏ INF để khởi động một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.


“Trong vòng một vài ngày qua, hình dáng của điều mà nhiều người ở châu Âu và Hoa Kỳ gọi là Chiến tranh Lạnh mới đã bắt đầu xuất hiện – với những lời đe dọa và vũ khí hạt nhân giống như cuộc Chiến tranh Lạnh trước đây – nhưng với những nguyên lý mới, một phần bởi vì sự trỗi dậy của một nước Trung Quốc giàu có, bành trướng và dân tộc chủ nghĩa’.


Bài báo này cho rằng trong khi Mỹ đang tập trung vào những hành vi hung ác của Nga như vi phạm INF và can thiệp bầu cử thì ‘Trung Quốc đang lẩn khuất ở phía sau với tư cách là một thế lực hùng mạnh mà họ chưa từng có trong Chiến tranh Lạnh đầu tiên’.


Bài báo này đồng tình với quan điểm của ông Trump cho rằng hiệp ước được ký vào năm 1987 này đã để cho Trung Quốc tha hồ mà phát triển hệ thống tên lửa quy ước và hạt nhân đủ các tầm bắn của riêng họ.


Tại sao châu Âu lo sợ?


“Trong khi Trung Quốc dường như là lý do khiến cho ông Trump có quyết định rút ra khỏi hiệp ước tên lửa với Nga, hành động này đang gây ra những quan ngại mới cho châu Âu vốn đã mất lòng tin vào ông Trump với các chính sách ngoại giao và thương mại theo phương châm ‘Nước Mỹ trước hết’ của ông,” bài báo trên New York Times nhận định.


Theo đó, quyết định này của ông Trump ‘chắc chắn sẽ đào thêm hố ngăn cách giữa Washington và các đồng minh châu Âu – đúng như là sự chia sẽ bên trong khối NATO mà ông Putin luôn muốn tạo ra’.


Hầu hết các lãnh đạo Tây Âu, nhất là người Đức, ‘không thấy có ích lợi gì khi từ bỏ thỏa thuận’.


Tờ New York Times dẫn lời ông Carl Bildt, cựu Thủ tướng Thụy Điển, nói rằng động thái này là ‘món quà gửi đến người Nga vốn khiến châu Âu dễ bị tổn thương trước những mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng’ bởi vì một khi Hoa Kỳ tiến hành chạy đua vũ trang, Nga ‘có thể nhanh chóng triển khai ồ ạt vũ khí mới’.


Ngoại trưởng Đức Heiko Maas thì lưu ý rằng quyết định của ông Trump ‘đặt ra những câu hỏi khó khăn cho chúng tôi và cho châu Âu’ bởi vì ‘châu Âu, chứ không phải Mỹ, nằm trong tầm bắn của tên lửa Nga’.


Nếu không còn hiệp định ràng buộc hai cường quốc nữa, thì người châu Âu lo ngại rằng nhiều khả năng nó lãnh thổ của họ sẽ trở thành bãi chiến trường giữa hai siêu cường.


Về phần mình, nhà cựu lãnh đạo Liên Xô Gorbachev, người ký hiệp ước INF với Mỹ, lên án hành động của ông Trump là ‘liều lĩnh’. “Ở Washington họ có thật sự hiểu quyết định này sẽ dẫn tới chuyện gì không?” ông nói.


Thêm nữa, cũng theo bài báo này, châu Âu tin rằng cách ông Trump ca ngợi ông Putin trong khi chính quyền của ông thì tăng sức ép lên Moscow chỉ càng làm cho ông Putin càng không kiêng dè gì. Châu Âu đã sững sờ khi thấy Nga điều một biệt đội sát thủ đến Anh để tìm cách thủ tiêu một cựu điệp viên Nga và họ vẫn tiếp tục can thiệp tự do vào chính trị châu Âu mà bằng chứng mới nhất là tìm cách ngăn chặn Macedonia gia nhập vào NATO và Liên minh châu Âu.


“Tôi hết sức lo lắng,” ông Wolfgang Ischinger, cựu đại sứ Đức ở Mỹ, được New York Times dẫn lời nói hôm 21/8. Ông này kêu gọi Washington hãy mở rộng hiệp ước bằng cách mời Trung Quốc tham gia.


Tuy nhiên, hiệp ước hạt nhân không giống như hiệp ước thương mại NAFTA mà ông Trump có thể chỉ trích rồi tái đàm phán các điều khoản như đã làm với Mexico và Canada.


“Ông Putin có ít động lực để đàm phán một hiệp ước INF mới: các tên lửa tầm trung của ông phù hợp với chiến lược gây ngưng trệ. Trung Quốc thậm chí còn có ít động lực hơn để tham gia vào các cuộc đàm phán: đa số các tên lửa của họ, cả hạt nhân và phi hạt nhân, đều nằm trong phạm vi các tầm bắn bị cấm trong hiệp ước. Nếu tham gia hiệp ước, họ sẽ từ bỏ một trong những công cụ chủ đạo của họ để giữ cho Mỹ tránh xa họ ở khu vực Thái Bình Dương,” bài báo trên New York Times nhận định.

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Văn Nghệ Và Điện Ảnh - Arts and Entertainment

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1241 guests

cron