Đức Giáo Hoàng sẽ xem xét nếu Triều Tiên gửi lời mời thăm ch
Đức Giáo Hoàng Phanxicô hôm 19/10 đã nhận được lời mời đến thăm Triều Tiên và nói sẽ xem xét việc thực hiện một chuyến đi lịch sử đến quốc gia vốn khét tiếng hạn chế tôn giáo nghiêm ngặt.
Theo tường thuật của Reuters, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chuyển tiếp lời mời miệng từ lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tới Đức Giáo Hoàng trong một cuộc họp 35 phút tại Vatican.
Nếu được thực hiện, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một Giáo hoàng đến quốc gia cô lập, không cho phép các linh mục đến thường trú. Có rất ít thông tin về con số tín đồ Công giáo ở Triều Tiên hay về việc họ sống đạo như thế nào.
Hiến pháp của Triều Tiên bảo đảm quyền tự do tôn giáo miễn là điều đó không làm suy yếu nhà nước.
Nhưng ngoài một số địa điểm thờ phượng do nhà nước kiểm soát, bao gồm một nhà thờ Công giáo ở thủ đô Bình Nhưỡng, thì quốc gia này không cho phép hoạt động tôn giáo công khai và chính quyền liên tục bỏ tù những người truyền giáo nước ngoài.
Lãnh đạo Kim đã nói với Tổng thống Moon, là một người Công giáo, về mong muốn được gặp Đức Giáo Hoàng trong một cuộc họp hồi tháng trước, và lãnh đạo Hàn Quốc đã thông báo trước chuyến đi rằng ông sẽ chuyển thông điệp này cho Giáo hoàng.
Theo văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ cho những nỗ lực mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Văn phòng của ông Moon dẫn lời Đức Giáo Hoàng nói với ông Moon rằng: “Đừng dừng lại, hãy tiến về phía trước. Đừng sợ”.
Khi được hỏi rằng ông Kim có gửi lời mời chính thức hay không, văn phòng của ông Moon dẫn câu trả lời của Đức Giáo Hoàng cho ông Moon rằng: “Thông điệp của Ngài đã đầy đủ, nhưng sẽ tốt hơn nếu ông ấy gửi đến một lời mời chính thức”.
“Tôi chắc chắn sẽ trả lời nếu tôi nhận được lời mời, và tôi có thể sẽ đi”, văn phòng của tổng thống dẫn lời Giáo hoàng nói.
Hòa giải
Cuộc gặp với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nếu có, sẽ là sự kiện mới nhất trong một chuỗi các cuộc họp ngoại giao lớn của ông Kim Jong Un trong năm nay.
Hai miền Triều Tiên đã tổ chức ba hội nghị thượng đỉnh trong năm nay. Ông Kim cũng đã họp thượng đỉnh chưa từng có với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore vào tháng Sáu, nơi hai nhà lãnh đạo hứa sẽ làm việc hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Dự kiến, Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm Nhật Bản vào năm tới và đề xuất về chuyến thăm Triều Tiên được đưa ra khi Trung Quốc đang cải thiện quan hệ với Tòa Thánh.
Một thỏa thuận được ký kết hồi tháng Chín giữa Vatican và Trung Quốc đã cho phép Vatican thỏa ước nguyện lâu nay trong việc bổ nhiệm giám mục ở Trung Quốc. Lần đầu tiên, Bắc Kinh đã cho phép hai giám mục tham dự cuộc họp ở Vatican, và tại đây họ đã mời Đức Giáo Hoàng đến thăm Trung Quốc.
Tuyên bố của Vatican không đề cập đến lời mời miệng từ lãnh đạo Triều Tiên. Tuyên bố chỉ nói về “việc thúc đẩy đối thoại và hòa giải giữa hai miền Triều Tiên” và “cam kết chung trong việc ủng hộ tất cả các sáng kiến hữu ích để vượt qua những căng thẳng vẫn đang tồn tại ở bán đảo Triều Tiên, nhằm mở ra một mùa hòa bình và phát triển mới”.
Theo Reuters, bất kỳ chuyến đi nào đến miền Bắc, dù rất ngắn, có thể gây tranh cãi cho Đức Giáo Hoàng, dựa trên việc Liên Hiệp Quốc tuyên bố Triều Tiên có cả một hồ sơ về vi phạm nhân quyền dã man và có hệ thống.
Các trợ lý thân cận Giáo hoàng cho biết ông cởi mở trong việc thực hiện những bước đầu tiên tại nơi mà Giáo Hội đã bị bức hại, với hy vọng rằng tình hình có thể cải thiện.
Các giới chức Giáo hội ước tính Triều Tiên có một cộng đồng Công giáo khoảng 55.000 người vào thời điểm ngay trước Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Các cơ quan tôn giáo đã ước tính con số còn lại hiện nay chỉ từ vài trăm đến khoảng 4.000 người.
Các linh mục từ miền Nam thỉnh thoảng có đến thăm, và thường đi kèm với việc cung cấp viện trợ hoặc các dự án nhân đạo.