Tiền Tàu, ‘trade war’ Mỹ - Trung, và chính sách nên có của V
TS Phạm Đỗ Chí (*)
Đồng Nhân dân tệ (Yuan) của Trung Hoa đã chính thức được lưu hành kể từ ngày 12/10/2018, trên nguyên tắc chỉ giới hạn tại 7 Tỉnh Việt nam tại biên giới Việt-Trung, nhằm tạo dễ dàng mua bán và trao đổi hàng hóa cho nhân dân hai nước. Tuy nhiên, bài viết sau đây sẽ vạch ra những sai sót quan trọng và viễn ảnh không tốt đẹp cho tương lai đồng bạc Việt Nam, và nhất là hiểm họa lệ thuộc sâu hơn vào Trung Hoa của nền kinh tế non trẻ Việt Nam.
***
Việt Nam (VN) đã có những tính toán nguy hiểm khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông Tư 19 (TT19) cho phép tiền NDT (nhân dân tệ) của Trung Quốc được sử dụng tại 7 tỉnh biên giới Việt-Trung , có hiệu lực từngày 12/10/2018, gồm : Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang và Quảng Ninh.
QUY ĐỊNH CHUNG
Theo Điều 1 của TT19 thì:
1. Thông tư này quy định các nội dung liên quan đến quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc, bao gồm:
a) Thanh toán trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ qua biên giới của thương nhân;
b) Thanh toán trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ của cư dân biên giới;
c) Thanh toán trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ tại chợ biên giới;
d) Các hoạt động ngoại hối khác quy định tại Chương IV Thông tư này.
2. Việc mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam (VND) tiền mặt và Nhân dân tệ (CNY) tiền mặt của cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam về mang ngoại tệ tiền mặt, VND tiền mặt khi xuất cảnh, nhập cảnh.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Thương nhân Việt Nam, thương nhân Trung Quốc có hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
2. Cư dân biên giới Việt Nam, cư dân biên giới Trung Quốc có hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
3. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối tại Việt Nam (sau đây gọi là ngân hàng được phép).
4. Chi nhánh của ngân hàng được phép đặt tại vùng biên giới, khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc (sau đây gọi là chi nhánh ngân hàng biên giới).
5. Tổ chức kinh doanh hàng miễn thuế, tổ chức cung ứng dịch vụ ở khu cách ly tại các cửa khẩu quốc tế, tổ chức kinh doanh kho ngoại quan tại vùng biên giới, khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc.
6. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động thanh toán trong thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
LẠC QUAN VÀ BI QUAN
Phía Việt Nam nêu ra hai cái lợi ngắn hạn trước mắt được dẫn chứng qua thông tin “đại chúng” hay trong vài tài liệu dẫn đến TT 19 là:sẽ “giúp thương nhân VN sản xuất và buôn bán dễ dàng hơn ở các tỉnh biên giới” ; và hy vọng “giúp giới sản xuất và đầu tư TQ di chuyển một số hãng xưởng sản xuất và dự án đầu tư sang VN”.
Quan điểm lạc quanvề TT 19, cho rằng “nhờ có các văn bản bảo đảm chặt chẽ phạm vi áp dụng và cơ chế giám sát việc lưu hành đồng Nhân dân tệ” mà những lo ngạivề viễn ảnh dùng lan tràn tiền TQ trên toàn lãnh thổ VN và hiểm họa Trung hóa cả tiền tệ và nền kinh tế trong tương lai đã được phòng ngừa.
Nhưng nếu suy nghĩ kỹ thì hy vọng được nêu ra về “cố gắng giới hạn phạm vi áp dụng” và “cơ chế giám sát chính sách chặt chẽ để bảo đảm việc tuân thủ luật pháp” là nhữngviệc khó thành công không lạ gì ở Việt Nam.
Vì vậy, nếu phân tích kỹ hơn các yếu tố cả trong ngắn hạn và dài hạn thìbài tham luận này muốn nêu lên các mối hại lớn hơn đang rình rập guồng máy sản xuất của VN và cả nền kinh tế VN trong 2-3 năm tới.Khi việc này xẩy ra thì VN sẽ lệ thuộc TQ về kinh tế và chính trị nhiều hơn.Trong ngắn hạn, TT 19 sẽ tác động tai hại lên chính sách tiền tệ độc lập của VN và sẽ làm suy yếu đồng bạc Việt Nam với các biến động tiền tệ và tâm lý khó lường trong vòng từ 3-6 tháng.Chuyển động này sẽ dễ dẫn đến nguy cơ đầu cơ tiền tệ, và có thể làm tan biến nhanh chóng khối dự trữ ngoại tệ khoảng 65-70 tỷ đô la của NHNN, nếu muốn bảo vệ tỷ giá như đã tuyên bố chính thức từ nhiều năm.
Hậu quả của chính sách này được liệt kê như sau :
1.Vấn đề vi hiến và vi phạm luật NHNN hiện hữu:
- Khoản 3 của Điều 53 Hiến pháp đã quy định :” Đơn vị tiền tệ quốc gia là Đồng Việt Nam. Nhà nước bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền quốc gia.”
Do đó, chủ quyền tiền tệ và chủ quyền kinh tế là những cấu thành đặc biệt của chủ quyền chính trị, chủ quyền quốc gia; mất chủ quyền tiền tệ là mất chủ quyền quốc gia.
-Ngoài khía cạnh vi hiến, TT 19 còn vi phạm trầm trọng Luật Quản Lý Ngoại Hối của chính NHNN.
-TT 19 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép đồng NDT được lưu hành tại bảy tỉnh biên giới TQ-VN, nhưng liệu có bảo đảm chắc chắn đồng NDT sẽ không sử dụng ở những nơi khác, theo nguyên tắc Bình Thông nhau, để mặc nhiên NDT trở thành một loại tiền tệ chính thức (legal tender) ở VN?
2 .Có sự hiểu nhầm hay cố ý không hiểu (như một giáo sư kinh tế ở Pháp viết mới đây?) khác biệt giữa chấp nhận NDT trong giỏ tiền tệ của IMF và dùng NDT như một loại tiền tệ của quốc gia:
-Giỏ tiền tệ chỉ dùng làm mốc cho việc xác định tỷ giá của tiền trong nước và không có liên quan gì đến việc dùng tiền tệ của một quốc gia. Một số đông người có thể hiểu lầm rằng NDT có trong giỏ tiền SDR (Special Drawing Rights)của IMF (một sự thực) là coi như NDT là đồng tiền chuyển đổi tự do, là có thể được các nước chấp nhận làm đồng tiền thanh toán trong giao dịch quốc tế.
-Thông tư 19 mặc dù không công nhận NDT là đồng tiền chính thức của Việt nam nhưng việc NHNN chophép lưu hành trên lãnh thổ VN tức là công nhận NDT là đồng tiền chính thức thứ hai (dual currency), lưu hành song song với VND.
3. Tác động quan trọng nhất là đối với tỷ giá VND và chính sách tiền tệ độc lập của NHNN ở VN:
- Thông tư 19 của NHNN cho phép 95 triệu dân ở Vân Nam và Quảng Tây cùng với vài triệu dân VN, hay gần 100 triệu người tức hơn toàn bộ dân số VN hiện nay, được dùng NDT cho chi thu thương mại và đầu cơ tiền tệ ở trên lãnh thổ VN.
- Tùy số tiền NDT của TQ được nới rộng hay thu hẹp ở VN, NHNN sẽ không kiểm soát được khối tiền tệ lưu hành ở VN, và ngay cả không có số đo chính xác về khối tiền đó trong nước, như từ trước đến nay. Quan trọng nhất, NHNN mất cả khả năng ấn định chính sách tín dụng rộng hay thắt chặt một cách độc lập.
VN ĐANG “KẸT” GIỮA CUỘC THƯƠNG CHIẾN MỸ-TRUNG QUỐC
- Ngoài ra, tỷ giá VND sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi tỷ giá NDT. Đây là vấn đề rất quan trọng hiện nay, vì trong cuộc thương chiến Mỹ-TQ hiện tại, tiền NDT đã mất giá 9% từ tháng 4, trong khi VND chỉ mới mất giá 4-5 % so với USD.
- Sự lan truyền mạnh của NDT ở VN sang 2 trung tâm tiền tệ lớn là Hà nội và Saigon sẽ có thể làm VND mất giá thêm 4-5% trong thời gian ngắn do đầu cơ tiền tệ, ngay cả lúc chưa có tác động nào khác của các yếu tố thương mại giữa tay ba Mỹ-TQ-VN.
- Tương lai cuộc thương chiến Mỹ-TQ đang có đà sẽ bộc phát mạnh mẽ hơn để “thị uy” nhằm mục đích chiến tranh tâm lý trước khi thương nghị chính thức trở lại giữa hai quốc gia Mỹ-TQ và với các đối tác khác (G-20 Meeting, vào cuối tháng 11/2018).
-Sang tháng 12/18, gần như có thể là Mỹ sẽ tuyên bố áp thêm thuế 25%, tăng từ 10%, lên 200 tỷ đô hàng nhập từ TQ. Để trả đũa, TQ chỉ có thể áp lên cùng thuế này trên số hàng nhập còn lại từ Mỹ trị giá 80 tỷ đô (tổng số hàng nhập từ Mỹ là 130 tỷ năm 2017). Điểm yếu huyết mạch của TQ là chỗ này. Dân chúng và giới thương gia TQ nhất định sẽ phải “phòng thủ” bằng cách trốn khỏi tiền NDT qua dự trữ USD, tiền yen, Euro, và có thể là Vàng (nơi ẩn trú tiền để dành quan trọng của dân Á đông).
- Nếu tiền NDT xuống quá mức 7,0-7,2 ăn 1 USD (từ 6,9 hiện nay; hay ngay cả xuống thêm 10%), hệ thống tiền tệ TQ sẽ rối loạn toàn bộ. Theo tin báo chí mới nhất, do các đe dọa tăng gia của TT Trump, các “ông lớn TQ” đang tháo chạy, chuồn ra khỏi tiền yuan và bắt đầu nhảy sang cả mua vàng! Và tất nhiên, ảnh hưởng lên tỷ giá VND do một mình yếu tố đầu cơ tiền tệ này thôi sẽ có thể dễ dàng đẩy tỷ giá VND tới mức 24.000-25.000/ 1 USD.
4. Tác động gia tăng của thương chiến Mỹ-TQ lên kinh tế và tỷ giá VND:
- Nếu như đồng NDT với số lượng hàng hóa ở đằng sau và với việc họ phá giá tiền của họ, giá thành của hàng TQ rẻ đi, sẽ tạo ra một ưu thế rất lớn với hàng hóa của Việt Nam. Nhiều kỹ nghệ của VN sẽ bị bóp nghẹt.
- Việc ai cũng e ngại là TQ sẽ tuồn hàng sang VN để xuất khẩu sang Mỹ nhằm tránh áp thuế cao. Mỹ đã sẵn sàng với việc này và có thể sẽ áp thuế 25% lên hàng nhập từ VN và ngay cả ngăn chặn hàng VN có “gốc TQ” được nhận biết khá dễ dàng qua hệ thống tin tức thương mại của Mỹ.
NÓI XA HƠN: Liên hệ đến các vấn đề thương chiến Mỹ-Trung có thể đang tăng đà và NHNN lại bắt đầu cho lưu hành tiền NDT ở 7 tỉnh biên giới, VN cần chọn cách đi ra sao cho khôn ngoan?
Đây là một đề tài lớn và quan trọng cần đề cập trong một bài bình luận riêng biệt. Nhưng một cách tóm tắt, VN có thể hưởng lợi lớn trong cuộc thương chiến Mỹ-TQ hiện tại bằng cách thu hút nhiều đầu tư FDI ngoài TQ thêm nữa, và sản xuất thay thế cho nhiều hàng nhập từ TQ vào Mỹ.
Nhưng nói thế, không có nghĩa là VN nên để các hãng TQ tràn vào VN để thay “mác TQ” bằng “mác VN giả” hầu xuất sang Mỹ. Qua các tiếp xúc, tôi có thể khẳng định là các giới chức Mỹ rất cảnh tỉnh với “âm mưu” này của TQ, và giống như trường hợp thép nhập từ VN, họ có thể sẵn sàng áp thuế rất cao đến 25% -30% với các mặt hàng VN, hay ngay cả chặn hẳn hàng ‘mác giả VN thay mác Tàu” lúc vào cửa khẩu Mỹ.
Trong tinh thần này, Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước từ ngày 12/10/18 cho phép tiền CNY (NDT) vào 7 tỉnh biên giới (và sau này có thể lan tràn khắp VN), là một quyết định chính sách sai lầm cần rút lại ngay, trước khi có tác động làm hàng TQ tràn thêm ồ ạt vào VN, và làm lũng đoạn chính sách tiền tệ, ngoài vấn đề nghiêm trọng là vi hiến và xâm phạm chủ quyền quốc gia.
Con đường rõ ràng để đi là cải cách thể chế, tăng cường tính thị trường của nền kinh tế, khuyến khích khu vực tư nhân trong sản xuất và lập các thương hiệu, chuỗi sản xuất mới và riêng biệt.
Nhìn xa hơn, với chính sách mới của Mỹ khuyến khích phát triển khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương (thay vì khẩu hiệu suông “chuyển trục sang châu Á” của thời TT Obama), VN có thể hưởng lợi lớn về cả chính trị và kinh tế thương mại bằng cách tham gia một lên minh mới với vài nước chính ở Đông Nam Á (không nhất thiết phải là ASEAN-- vì khối này có Lào và Căm bốt đã nghiêng hẳn về TQ), Ấn độ, Úc và Tân Tây Lan, để phát triển ngoại giao và thương mại khu vực, đặt thế đứng vững chãi hầu tăng cường thương mại bền vững với Mỹ.
Không loại trừ trường hợp Mỹ có thể đề nghị tái lập TPP với vài điều kiện mới, để cô lập TQ ngoài vòng mua bán bùng nổ của châu Á với Bắc Mỹ và khối EU!
Trong việc cần tạo thế cân bằng chính trị giữa hai sức mạnh khổng lồ Trung-Mỹ, hay nôm na thường gọi là thế “đu dây” của Việt Nam, sẽ là một lỗi lầm nghiêm trọng nếu VN ngả về TQ vì mối “sợ Tàu” truyền thống hay do nhu cầu ngắn hạn, tình huống trong nội bộ.
Đó có thể là thế “Chẳng Đặng Đừng” duy nhất của VN mà đa số dân chúng đang có vẻ ủng hộ mạnh mẽ, mong muốn đất nước tiến tới, cho một tương lai độc lập phú cường!
TS Phạm Đỗ Chí
(*) Tác giả cảm ơn sự đóng góp ý kiến của một số chuyên gia