Page 1 of 1

Trung Quốc yêu cầu không quốc tế hóa vấn đề Rohingya

PostPosted: Fri Sep 28, 2018 6:06 pm
by NewsReporter
VOA - Arts and Entertainment



Vấn đề Rohingya không nên bị phức tạp hóa, mở rộng hay ‘quốc tế hóa’, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc nói trong lúc Liên Hiệp Quốc chuẩn bị thành lập một cơ quan thu thập bằng chứng về các vi phạm nhân quyền ở Myanmar.


Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 27/9 đã bỏ phiếu thành lập cơ quan này vốn cũng có nhiệm vụ tìm hiểu về khả năng diệt chủng tại bang Rakhine ở miền tây Myanmar.


Trung Quốc, Philippines và Burundi là ba nước bỏ phiếu chống động thái này trong khi có hơn 100 nước ủng hộ.


Trong vòng một năm qua, hơn 700.000 người Rohingya đã bỏ chạy khỏi Myanmar đến nước láng giềng Bangladesh sau khi quân đội Myanmar mở chiến dịch trả đũa những cuộc tấn công của quân nổi dậy Rohingya vào các đồn an ninh.


Liên Hiệp Quốc đã gọi hành động của Myanmar là ‘thanh lọc sắc tộc’ – một cáo buộc mà Myanmar bác bỏ và ngược lại cáo buộc ‘những kẻ khủng bố’ Rohingya gây ra phần lớn các tội ác.


Phát biểu với Ngoại trưởng Bangladesh Abul Hasan Mahmood Ali và Bộ trưởng Văn phòng Cố vấn Nhà nước Myanmar Kyaw Tint Swe ở New York hôm 27/9, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Vương Nghị nói rằng vấn đề Rakhine là một vấn đề phức tạp do lịch sử để lại.


“Vấn đề ở bang Rakhine về bản chất là vấn đề giữa Myanmar và Bangladesh. Trung Quốc không tán thành phức tạp hóa, mở rộng hay quốc tế hóa,” ông Vương nói, theo thông cáo Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra hôm 28/9.


Trung Quốc có quan hệ gần gũi với Myanmar và ủng hộ điều mà giới chức Myanmar gọi là chiến dịch chính đáng chống nổi dậy ở Rakhine. Bắc Kinh đã chặn một nghị quyết về cuộc khủng hoảng này tại Hội đồng Bảo an.


Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã kêu gọi Chính phủ Myanmar có những bước đi cụ thể để điều tra các vi phạm nhân quyền đối với người Rohingya và quy trách nhiệm một số thành viên của lực lượng an ninh của họ trong những vi phạm nhân quyền này.


Ông Pompeo đã có lời kêu gọi này trong cuộc gặp với Bộ trưởng Kyaw Tint Swe hôm 27/9 tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.