Lệnh cấm bán và ăn thịt chó liệu có khả thi?
Hà Nội sẽ ra lệnh cấm bán thịt chó tại trung tâm thành phố trong lúc có nhiều luồng ý kiến trái chiều từ công chúng sau khi lãnh đạo thành phố kêu gọi người dân ngừng ăn thịt loại thú cưng này để hình ảnh thủ đô thêm “văn minh.”
Người đứng đầu Chi cục Thú y Hà Nội, Nguyễn Ngọc Sơn, hôm 13/9 đề xuất cấm bán thịt chó trong các quận nội thành Hà Nội vào khoảng năm 2021, theo truyền thông trong nước.
Các quận nội thành Hà Nội – như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng – là những nơi có nhiều khách du lịch quốc tế do đó, theo giải thích của ông Sơn, đây sẽ là những nơi lệnh cấm cần được ban hành trước tiên.
Trước đó vào ngày 10/9, Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội ban hành một văn bản kêu gọi người dân ngừng ăn thịt chó để không làm ảnh hưởng đến “hình ảnh của thủ đô văn minh, hiện đại.”
Ngoài lý do giết mổ động vật có thể lan truyền bệnh dại, lãnh đạo TP Hà Nội còn cho rằng các hoạt động giết mổ và tiêu thụ thịt chó gây ra “phản cảm đối với khách tham quan du lịch, khách quốc tế sinh sống, làm việc tại Hà Nội.”
Thú ẩm thực
Theo nhà xã hội học Lê Bạch Dương, thịt chó là một thú ẩm thực của người Việt và sẽ không dễ để người dân bỏ được thói quen này. Ông Dương cho biết có những làng ở Hà Nội nơi thịt chó là món được phục vụ trong tất cả các tiệc cưới và đám giỗ.
Cùng chung ý kiến này, nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến nói với báo Lao Động rằng sẽ không bao giờ hết người ăn chó bởi vì với nhiều người thịt chó vẫn là món ăn khoái khẩu.
Các khảo sát gần đây cho thấy nhiều người đã thay đổi nhận thức và từ bỏ thói quen ăn thịt chó.
Do đó đang có hai luồng ý kiến trái chiều nhau về việc này. Tuy nhiên Tiến sỹ Dương của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho rằng luồng ý kiến theo hướng không nên ăn thịt chó nữa thì càng ngày càng chiếm xu thế khi ngày càng có nhiều người, nhất là giới trẻ thành thị, không ăn thịt chó.
Các khảo sát gần đây cho thấy nhiều người đã thay đổi nhận thức và từ bỏ thói quen ăn thịt chó, theo người đứng đầu Chi cục Thú y Hà Nội.
“Nếu vấn đề này được nói đến khoảng 10 năm về trước thì chắc chắn sẽ không có sự đồng thuận cao. Nhưng vài năm trở lại đây, nhiều người đã thay đổi nhận thức và từ bỏ thói quen nên việc thực hiện sẽ có cơ sở,” ông Sơn nói với Người Lao Động.
Nhà nghiên cứu Tiến cho rằng đề xuất này có khả năng thành công vì theo quan sát của ông, “người Hà Nội đã ít ăn thịt chó hơn trước rất nhiều, đặc biệt là giới trẻ do được tiếp xúc với văn minh phương Tây từ rất sớm.”
TS Dương cho biết trước đây ông từng ăn thịt chó nhưng giờ đây ông đã bỏ một phần vì những người thân và bạn bè không ăn nữa và một phần vì ông được thấy những hình ảnh giết mổ chó dã man. Chính điều đó đã làm ông thay đổi nhận thức về thói quen ăn thịt chó.
Cấm theo lộ trình
Tuy cho rằng việc thay đổi nhận thức của người dân không dễ nhưng TS Dương nhận định xu hướng này sẽ dẫn tới thay đổi và ông ủng hộ đề xuất cấm bán và ăn thịt chó.
Nếu mình chờ đến khi toàn bộ xã hội thay đổi thì rất là lâu và muốn có sự thay đổi triệt để thì chỉ có cách là cấm. Cấm theo lộ trình.
“Nếu mình chờ đến khi toàn bộ xã hội thay đổi thì rất là lâu và muốn có sự thay đổi triệt để thì chỉ có cách là cấm. Cấm theo lộ trình giống như đề ra từ nay đến năm 2021 và trong thời gian đấy sẽ phải vận động tuyên truyền v.v. Theo tôi cách hiệu quả nhất là cấm tiệt. Ai mà ăn sẽ bị phạt giống như ở các nước (nơi) mà làm thịt chó là đi tù.”
Theo nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến nói với Lao Động, việc cấm buôn bán và ăn thịt chó đã từng được người Pháp áp dụng ở Hà Nội những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Theo lệnh cấm này, tất cả những ai ăn, bán thịt chó nếu bị bắt sẽ bị xử nghiêm theo luật của nước Pháp.
Trên thế giới có nhiều quốc gia đã ban hành lệnh cấm tương tự.
Gần đây nhất, chính phủ Mỹ hôm 12/9 đã thông qua dự luật cấm giết mổ chó và mèo để ăn thịt. Một dự luật thứ hai cũng hy vọng được Hạ viện thông qua ngày 13/9 nhằm thúc đẩy Trung Quốc, Hàn Quốc, và những nước khác đặt ra ngoài vòng pháp luật và thi hành luật hiện có chống lại việc mua bán thịt chó và thịt mèo.
Theo VNExpress, thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 5 triệu con chó mỗi năm, chỉ đứng thứ 2 sau Trung Quốc nơi hàng năm tiêu thụ gần 20 triệu con chó.