Hà Nội: Ăn thịt chó “ảnh hưởng đến hình ảnh Thủ đô”
Lãnh đạo thành phố Hà Nội kêu gọi người dân ngừng ăn thịt chó vì cho rằng nó ảnh hưởng đến “hình ảnh của một thủ đô văn minh, hiện đại” và rằng việc giết mổ động vật có thể lan truyền bệnh dại.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đưa ra một văn bản đề ngày 10/9 trong đó cho rằng “việc kinh doanh, giết mổ và sử dụng thịt chó, mèo đã tạo ra những phản cảm đối với khách tham quan du lịch, khách quốc tế sinh sống, làm việc tại Hà Nội.”
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu trong một thông điệp đăng trên trang web của ủy ban yêu cầu các ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ mắc bệnh dại khi sử dụng thịt chó và mèo làm thực phẩm.
Đây là một phần trong chương trình loại bỏ bệnh dại trước năm 2021.
Hiện có hơn 1.000 điểm kinh doanh chó, mèo thương phẩm và giết mổ chó mèo trên toàn thành phố Hà Nội, theo trang web của UBND TPHN.
Báo Người Lao Động Online còn kêu gọi “cấm hẳn việc kinh doanh và ăn thịt chó, mèo!”
Nguyễn Thị Minh, chủ nhân một nhà hàng kinh doanh thịt chó ở Hà Nội trong hơn 20 năm qua, nói với AP rằng nhà hàng của bà chọn những con chó khỏe mạnh và thịt được nấu chín nên không có nguy cơ mắc bệnh dại.
“Mọi người ăn thịt chó và chẳng có vấn đề gì cả,” bà Minh nói và cho AP biết rằng khách hàng đến ăn thịt chó ở nhà hàng của bà đến từ Hàn Quốc, Mỹ và nhiều nước khác.
Thịt chó là một trong những món ăn phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người trên mạng xã hội bày tỏ ý kiến ủng hộ đối với lời kêu gọi này của UBND thành phố nhưng cũng có người cho rằng đây là một thói quen khó bỏ của người dân thủ đô Hà Nội.
Nhằm phản bác một trong những lý do mà TP Hà Nội đưa ra để kêu gọi người dân dừng ăn thịt chó, Linh mục Đinh Hữu Thoại viết trên trang Facebook cá nhân rằng ông cho rằng việc ăn thịt chó “không làm xấu hình ảnh Việt Nam” và nêu lên ví dụ rằng “Hàn Quốc ăn thịt chó nhiều nhưng hình ảnh đất nước họ có bị xấu đâu!”
Theo UBND TP Hà Nội, hiện có khoảng 493.000 con chó, mèo trong đó hơn 10% được nuôi cho các mục đích thương mại như làm cảnh, kinh doanh và làm thực phẩm.