Page 1 of 1

Vì sao chính quyền Trump khó ‘hạ gục’ sách của Woodward?

PostPosted: Thu Sep 06, 2018 5:58 pm
by NewsReporter
VOA - Arts and Entertainment


Uy tín của Bod Woodward như là ‘nhà báo được tin tưởng nhất nước Mỹ’ sẽ khiến bộ máy của ông Trump khó lòng hạ nhục cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề: ‘Nỗi sợ: Trump trong Tòa Bạch ốc’, các nhà phân tích cho biết.


Bên cạnh đó, bức tranh Nhà Trắng của ông Trump mà Woodward mô tả trong cuốn sách lại hoàn toàn giống những gì đã được đề cập trong các cuốn sách trước đây của Michael Wolff hồi tháng Giêng (Lửa và Thịnh nộ) và trong hồi ký một năm làm việc trong Nhà Trắng của cô Omarosa Manigault-Newman. Nó cũng hoàn toàn lặp lại những câu chuyện mà các phóng viên của các báo đài như New York Times, Washington Post, Wall Street Journal và CNN cũng như gần tất cả các báo đài chính thống khác đã tường thuật.


Tổng thống Mỹ Donald Trump và các đồng minh của ông đang tiến hành phản công lại cuốn sách mới nhất về chính quyền của ông của nhà báo kỳ cựu Bob Woodward – nhưng có điều Woodward không phải là Omarosa.


Trong ‘quả bom’ mới nhất này ném về phía Nhà Trắng có tựa đề: ‘Nỗi sợ: Trump trong Nhà Trắng’, Tổng thống Trump được mô tả là một kẻ ngu ngốc, dốt nát, dối trá và là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ đến nỗi các phụ tá của ông đều tìm cách bất tuân mệnh lệnh của ông.


Danh tiếng lớn


Tuy nhiên, nỗ lực công kích tác giả Woodward sẽ không có tác dụng hoặc phản tác dụng vì danh tiếng và uy tín của Woodward, người từng góp phần phanh phui vụ tai tiếng Watergate dẫn đến việc Tổng thống Richard Nixon phải từ chức.


Là một nhà báo từng hai lần đạt giải Pulitzer danh giá và đã viết những cuốn sách về các tổng thống Mỹ, kể cả Dân chủ lẫn Cộng hòa, từ thời Nixon, không thể đơn giản mà phủ nhận Woodward như là một cây bút xoàng xĩnh hay là người muốn áp đặt quan điểm của mình lên công chúng, ông Howard Kurtz, một nhà phân tích và người dẫn chương trình của kênh Fox News, nhận định trong bài viết có tựa đề: ‘Trump công kích Woodward, nhưng phủ nhận cuốn sách của ông sẽ không có tác dụng’.


Để viết được cuốn sách về chính quyền của Tổng thống Donald Trump, ông Woodward đã bỏ ra hàng trăm giờ phỏng vấn có thu âm với các quan chức trong Nhà Trắng cũng như các nguồn tin khác bên cạnh các tài liệu nội bộ.


Ngay sau khi có tin về cuốn sách, ông Trump đã phản pháo trên tờ Daily Caller. Ông nói: “Đây chỉ là một cuốn sách tệ hại nữa. Ông ấy có rất nhiều vấn đề về uy tín.” Ông còn nói với các phóng viên rằng “cuốn sách này chả nghĩa lý gì cả. Đó là tác phẩm hư cấu… Ông ta cũng gặp vấn đề tương tự với các tổng thống khác.”


Các quan chức được dẫn lời trong cuốn sách đã phủ nhận là họ đã có những lời nói miệt thị như vậy về ông Trump.


Trên Twitter, ông Trump viết: “Cuốn sách của Woodward đã bị Tướng James Mattis [Bộ trưởng Quốc phòng] và Tướng John Kelly [Chánh văn phòng Nhà Trắng] phản bác và hạ uy tín. Những câu trích dẫn từ miệng hai người họ là gian dối – sự lường gạt công chúng. Những câu chuyện và những lời trích dẫn khác cũng vậy. Woodward là điệp viên của Đảng Dân chủ? Để ý thời gian ra sách xem?”


Tuy nhiên, theo ông Howard Kurtz, chụp mũ cho Bob Woodward là tay chân của Đảng Dân chủ đơn giản là không có sức thuyết phục. Ông ấy từng viết một cuốn sách gay gắt về chính quyền của Tổng thống Bill Clinton và hé lộ nhiều điều ít biết về cách bộ máy của Tổng thống Barack Obama xử lý các xung đột quân sự.


Ngoài ra, ông Trump còn nói ‘ông không hiểu tại sao các chính trị gia ở Washington không sửa đổi luật vu khống’. Tuy nhiên, theo tiền lệ ở Tối cao Pháp viện, một nhân vật tai to mặt lớn phải chứng minh được rằng bài báo của nhà báo không chỉ là sai sự thật mà còn nhà báo đó có ác ý hay không thèm quan tâm tới việc nó có đúng hay không. Vậy thì ‘ông Trump có thể sửa đổi lại như thế nào?’, ông Kurtz đặt vấn đề.


“Woodward không phải là người hoàn hảo. Những tác phẩm của ông lúc nào cũng gây tranh cãi. Lâu nay ông cũng bị chỉ trích là những người hợp tác với ông thường được mô tả một cách có thiện cảm hơn là những người không chịu hợp tác,” cây bút phân tích của Fox News viết.


Mặc dù ông John Kelly đã bác bỏ việc ông đã nói ông Trump là ‘tự tung tự tác’ và Nhà Trắng dưới sự lãnh đạo của ông là ‘Phố Điên’, mặc dù James Mattis, người được dẫn lời trong sách nói Trump chỉ có hiểu biết của học sinh lớp 5 hay lớp 6, đã gọi cuốn sách là ‘hư cấu’, và mặc dù cựu luật sư riêng của ông Trump, John Dowd, phủ nhận rằng ông đã khuyên ông Trump đừng ra khai chứng với ông Bob Mueller nếu không sẽ ‘mặc áo tù nhân màu cam’, Bob Woodward không phải là người ăn không nói có, theo Kurtz.


“Tôi đã quan sát Woodward rất gần và ông ấy không phịa chuyện. Các nguồn tin cho ông ấy có thể sai lệch, hoặc trí nhớ có thể thiếu sót, hoặc có mục đích chính trị gì đấy, nhưng ông ấy không viết chuyện hư cấu,” Howard Kurtz nhận định và cho biết việc các quan chức và cố vấn hàng đầu của ông Trump tìm cách ngăn cản ông đưa ra những quyết định mà họ cho là sai lầm hay việc họ kiềm chế ông Trump công kích cá nhân hay dọn dẹp đống lộn xộn sau khi ông Trump gây ra với những dòng tweet bốc đồng của mình ‘đã được kể lại trong vô số những bài báo’.


Không thù địch Trump


Điều đáng lưu ý nữa là ông Woodward không phải người thù địch với ông Trump. Ông đã từng lên tiếng rằng nhiều bản tin trên báo chí là không công bằng với Trump. Ông xuất hiện thường xuyên trên Đài Fox cũng như các kênh truyền hình khác để biện hộ cho ông. Ngay trong cuốn sách này, ông còn thuật lại lời của ông Kelly nói trong một cuộc họp rằng: “Báo chí đang chĩa mũi dùi vào ông ấy [Trump]. Họ muốn hủy hoại ông ấy, và tôi quyết tâm đứng mũi chịu sào, chịu lãnh đạn bắn và tên bay.”


Ngay cả chính ông Trump cũng từng viết trên Twitter năm năm trước: “Chỉ có Nhà Trắng của Obama mới thoát được sau khi công kích Bob Woodward.”


Trong khi đó, ông Nick Bryant, phóng viên thường trú New York của hãng truyền thông Anh BBC, nhận định rằng ông Woodward là ‘người có uy tín và chuẩn mực báo chí rất cao’ trong bài viết có tựa đề: “Làm sao mà tác động của vụ Woodward sẽ hủy hoại Trump?”


“Bob Woodward là người đặt chuẩn mực báo chí rất cao. Những bài tường thuật đi khắp nơi hỏi các nguồn tin của ông sau vụ đột nhập vào trụ sở của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ ở khu phức hợp Watergate hồi tháng 6 năm 1972 là một nguyên nhân chính khiến Tổng thống Richard Nixon bị rớt đài,” ông Bryant viết.


Theo lời nhà báo của BBC thì mặc dù những tác phẩm của Woodward thường gây sốt, ông hoàn toàn trái ngược với kiểu người giật gân câu khách. Ông làm việc rất chăm chỉ, khắt khe và rất khó tính với những thông tin ông tiếp nhận và là người rất có đạo đức nghề nghiệp. Những tác phẩm của ông không chỉ có những thông tin gây sốc mà còn những công việc nghiêm túc của chính quyền. “Một trong những nguyên nhân khiến ông được coi trọng như vậy là vì ông viết về những chủ đề nghiêm túc,” Bryant cho biết.


“Hãy thử xem có thắng được Bob Woodard, một trong những nhà báo được tin tưởng nhất nước Mỹ, về mức độ tín nhiệm hay không?”


“Những nghiên cứu của ông ấy chi tiết và có nguồn tin cẩn thận đến nỗi chúng đã trở thành một phần của hồ sơ lưu trữ lịch sử,” ông viết. “Rất lâu trước khi các thư viện tổng thống thực hiện những dự án lịch sử phỏng vấn miệng để ghi lại những hồi tưởng, những uất ức và đau buồn của những cựu quan chức chính quyền, những nhân vật chủ chốt thường tìm đến Bob Woodward để chia sẻ cảm tưởng.”


Truy tìm người hợp tác


Hiện giờ, Tổng thống Trump đang đích thân chỉ đạo chiến lược đáp trả lại cuốn sách của Woodward với sự tham vấn với các quan chức truyền thông như Bill Shine và các trợ lý khác, theo tường thuật của CNN.


Vào lúc này, không có khả năng ông Trump sẽ sa thải bất kỳ ai đó do có liên quan đến cuốn sách bởi vì hành động đó sẽ càng chứng minh cho độ tin tưởng cho cuốn sách mà ông đang tìm cách hạ uy tín.


Thay vào đó, chiến lược của Nhà Trắng hiện giờ là truy tìm những quan chức nào bị nghi ngờ là chia sẻ tài liệu và nói chuyện với ông Woodward, CNN dẫn một vài nguồn tin nắm rõ vấn đề cho biết.


“Anh không thể nào hạ uy tín của Bob Woodward. Anh chỉ có thể đánh vào động cơ của những người cung cấp thông tin,” một quan chức Nhà Trắng nói với CNN.


Theo đó, ông Trump đang cố gắng xác định xem những ai là người đã nói chuyện và không hợp tác với Woodward. Ông đang ghi nhận lại những ai đã công khai lên tiếng bác bỏ đã nói cung cấp thông tin cho Woodward, như Kelly, Mattis và Pompeo, cũng như những quan chức cấp cao nào cho đến nay vẫn im lặng.


Không giống như Kelly và Mattis vốn đã bác bỏ họ gọi Tổng thống là ‘tên ngốc’ và ‘hiểu biết như học sinh lớp 5, lớp 6’, cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson chưa bao giờ phủ nhận ông đã gọi ông Trump là ‘tên khờ dại’. Một cựu quan chức cấp cao của Nhà Trắng nói rằng ‘ông Trump không bao giờ tha thứ cho Tillerson’.


Việc Nhà Trắng đang truy tìm kẻ rò rỉ thông tin bên trong chính quyền trái ngược với tuyên bố của phát ngôn nhân Nhà Trắng Huckabee Sarah Sanders rằng cuốn sách được dựng nên từ câu chuyện của những kẻ bất mãn.


“Làm sao mà tất cả - tôi muốn nhấn mạnh tất cả - những bài tường thuật về Nhà Trắng lại có cùng kết luận giống nhau đến kinh ngạc như vậy? Chân dung của Trump do Wolff, Omarosa và Woodward phác họa đều giống nhau đến lạ kỳ,” nhà báo Chris Cillizza, biên tập viên của CNN, nhận định trong bài viết có tựa đề ‘Nguyên nhân thật sự cuốn sách của Bob Woodward thật sự tai hại cho ông Trump’.


“Sự nhất quán của những câu chuyện này hoàn toàn không thể giải thích bằng bất cứ cách nào ngoại trừ lập luận rằng: nó là chính xác,” Cillizza viết. “Để không tin điều đó, anh cần phải tự thuyết phục mình rằng không chỉ toàn bộ truyền thông nước Mỹ mà còn những tác giả như là Wolff và Woodward đã ngồi lại cùng với nhau để thống nhất cách viết về Trump như thế nào qua những dòng tweet, những bài tường thuật và những cuốn sách.”


(Theo Fox News/CNN/BBC)