Việt Nam khởi tố kỹ sư nuôi tôm vì kêu gọi biểu tình
Một kỹ sư, nông dân nuôi tôm ở Bình Đại, tỉnh Bến Tre, vừa bị khởi tố để điều tra về tội tuyên truyền chống phá nhà nước sau khi bị bắt khẩn cấp vài ngày trước, báo Thanh Niên dẫn lời phát ngôn viên Công an tỉnh Bến Tre cho biết ngày 4/9.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh, 38 tuổi, bị cáo buộc đã đăng tải và chia sẻ thông tin, các clip livestream có nội dung tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam và nói xấu đảng Cộng sản trên hai tài khoản Facebook cá nhân, làm cho người khác hiểu sai về chính sách của nhà nước, gây tâm lý nghi ngờ, hoang mang, lo lắng trong nhân dân nhằm gây “chiến tranh tâm lý”, tờ báo Pháp Luật nói.
Người nông dân này cũng bị cáo buộc đã thực hiện hành động “rất nguy hiểm” cho xã hội là “kêu gọi, kích động, xúi giục người dân biểu tình” hồi tháng 6 và dịp 2/9.
Trước đó vào ngày 1/9, ông Nguyễn Ngọc Ánh đã bị công an đến khám xét nhà và bắt khẩn cấp.
Ông Ánh là một trong số ít nhất 4 người đã bị bắt trong tuần qua, giữa bối cảnh Việt Nam tăng cường trấn áp, ngăn chặn biểu tình vào dịp Quốc khánh 2/9.
Trước đó, giới hữu trách Việt Nam cảnh báo sẽ mạnh tay đối với những cuộc “tụ tập đông người”, kêu gọi hay tham gia biểu tình vào dịp này.
Cũng trong ngày 1/9, công an Việt Nam cũng bắt hai người đàn ông ở Cần Thơ vì kêu gọi biểu tình.
Ông Đoàn Khánh Vinh Quang, 42 tuổi, và ông Bùi Mạnh Đồng, 40 tuổi, bị bắt vì “đăng những hình ảnh, bài viết nói xấu, bôi nhọ Đảng, Nhà nước và lãnh đạo”, phạm vào tội “Đưa trái phép thông tin máy tính, mạng viễn thông”, theo Điều 288 của Bộ Luật Hình sự 2015.
Đáng chú ý nhất là vụ bắt ông Lê Quốc Bình, 44 tuổi, cư dân Bình Định vào ngày 30/8. Công an Việt Nam nói ông Bình đã bị bắt khi ông này từ Campuchia trở về Việt Nam, mang theo 2 súng quân dụng, 7 súng hơi và hơn 500 viên đạn, 1 xe mô tô phân khối lớn.
Việt Nam cáo buộc ông Bình là thành viên của đảng Việt Tân, một tổ chức có trụ sở ở Hoa Kỳ. Nhưng trong thông cáo chính thức, đảng Việt Tân nói đây là một vụ “dàn dựng” và “bịa đặt trắng trợn” nhằm hù dọa người dân tránh xa các tổ chức dân chủ.
Theo AFP, tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã kết án ít nhất 28 blogger và người bất đồng chính kiến và tuyên phạt những án tù nặng nề. Gần đây nhất là ông Lê Đình Lượng, một nhà hoạt động về môi trường, đã bị kết án đến 20 năm tù giam, mức án cao nhất từ trước đến nay cho người bất đồng chính kiến. Ông Lượng được biết đến với các hoạt động đấu tranh đòi công lý cho người dân trong vụ ô nhiễm môi trường Formosa, ký thỉnh nguyện thư yêu cầu ngưng dự án bauxite Tây Nguyên, tham gia biểu tình chống Trung Quốc…