Việt Nam kêu gọi công ty Mỹ đền bù nạn nhân chất độc da cam
Việt Nam ủng hộ phán quyết gần đây của một tòa án Mỹ buộc công ty Monsanto phải trả hàng trăm triệu đô la cho một nạn nhân ung thư và kêu gọi công ty hóa chất của Mỹ bồi thường cho các nạn nhân Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao (BNG) Lê Thị Phương Trà hôm 23/8 nói như trên khi trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam đối với phán quyết chống lại công ty Monsanto tại một buổi họp báo thường niên ở Hà Nội.
Tòa án San Francisco hôm 10/8 ra phán quyết buộc công ty hóa chất Monsanto, thuộc tập đoàn Bayer AG của Mỹ, phải bồi thường 289 triệu USD cho một công dân Mỹ, Dewaynes Johsnson, vì thuốc diệt cỏ gây ung thư mà công ty này dùng nhưng không ghi trên bao bì về tác hại mà nó có thể gây ra, theo San Francisco Chronicle. Ông Johnson, một chuyên viên chăm sóc cỏ của một trường học ở California, từng sử dụng hai loại thuốc diệt cỏ của Monsanto trước khi bị chẩn đoán mắc chứng ung thư bạch huyết vào năm 2014.
Bà Phương Trà nói Bộ Ngoại giao Việt Nam “ủng hộ phán quyết ngày 10/8/2018 của Tòa án San Francisco, ra lệnh cho công ty Monsanto bồi thường 289 triệu đô la Mỹ cho một công dân Mỹ do tác hại về sức khỏe của sản phẩm thuốc diệt cỏ do công ty này sản xuất.”
“Đây là án lệ bác luận điểm trước đây cho rằng chất diệt cỏ mà Monsanto và các công ty hóa chất khác của Mỹ cung cấp cho quân đội Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam không có hại cho con người,” theo phó phát ngôn viên BNG.
“Việt Nam phải chịu hậu quả chiến tranh rất nặng nề, trong đó có tác động lâu dài và nghiêm trọng của chất độc màu da cam,” bà Trà nói.
Monsanto còn sản xuất ra chất làm rụng lá cây, thường được gọi là “chất da cam”, mà quân đội Mỹ đã rải xuống Việt Nam trong chiến tranh. Theo trang web chính thức của Monsanto, từ năm 1965 đến 1969, công ty này là một trong chín nhà thầu cung cấp cho chính phủ Mỹ chất da cam để dùng trong thời gian chiến tranh.
Theo truyền thông trong nước, hàng triệu người Việt Nam đã bị ảnh hưởng từ chất dioxin trong chất da cam,. Năm 2004, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam kiện Monsanto, Dow Chemical và hơn 30 công ty đã sản xuất chất độc da cam lên tòa án tại New York.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng Monsanto phải có trách nhiệm khắc phục những hậu quả chất độc da cam/dioxin đã gây ra tại Việt Nam.
Ông Chuck Searcy, một cựu binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam, được ZingNews trích lời nói: "Monsanto chưa từng thừa nhận mức độ tàn độc của chất độc da cam trong cuộc chiến. Cho đến nay, họ cũng không đề xuất bất cứ hình thức nào để hỗ trợ hàng triệu nạn nhân ở Việt Nam".
Theo New York Times, chính phủ Mỹ đã chi hơn 100 triệu để làm sạch sân bay Đà Nẵng, một trong 28 “điểm nóng” trong chương trình xử lý môi trường ô nhiễm dioxin.
Theo sứ quán Mỹ, Hoa Kỳ từ lâu nay vẫn cam kết hợp tác với Việt Nam để giải quyết các vấn đề tồn đọng sau chiến tranh, trong khi cùng lúc tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế, văn hóa và an ninh giữa hai nước.