Page 1 of 1

Mỹ lo ngại Trung Quốc sẽ lập căn cứ ở El Salvador

PostPosted: Wed Aug 22, 2018 6:19 pm
by NewsReporter
VOA - Arts and Entertainment


Đại sứ Mỹ ở El Salvador đã cảnh báo về ý định của Bắc Kinh muốn lập căn cứ tại cảng La Union trước khi quốc gia Trung Mỹ này từ bỏ Đài Loan sang thiết lập quan hệ với Trung Quốc.


El Salvador có thể chỉ là một quốc gia nhỏ, nhưng Washington lo ngại rằng họ còn có thể đem đến cho Bắc Kinh nhiều lợi ích hơn là công nhận ngoại giao: một hải cảng có thể sử dụng cho các mục đích quân sự.


Quốc gia Trung Mỹ này đã chính thức cắt đứt với Đài Bắc và thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh hôm thứ Ba ngày 21/8, khiến Đài Loan chỉ còn được 17 quốc gia trên thế giới công nhận.


Mặc dù Đài Bắc cáo buộc Bắc Kinh dụ dỗ đồng minh của họ bằng những khoản hứa hẹn viện trợ hào phóng, Washington xem sự thay đổi mới nhất không chỉ là việc Bắc Kinh gia tăng sức ép lên Đài Loan mà còn là một động thái để củng cố việc hoạch định an ninh và chiến lược của Trung Quốc trong khu vực.


Bà Jean Manes, Đại sứ Mỹ ở El Salvador, hôm 20/8 đã viết trên Twitter rằng Mỹ quan ngại về quyết định của nước này cắt đứt quan hệ với Đài Loan.


“Không nghi ngờ gì nữa, điều này sẽ ảnh hưởng quan hệ của chính tôi với chính phủ El Salvador. Chúng tôi tiếp tục ủng hộ nhân dân El Salvador,” bà viết.


Hồi tháng trước, bà Manes đã cảnh báo về ý định của Trung Quốc muốn biến hải cảng thương mại La Union ở miền đông El Salvador thành căn cứ quân sự, trang tin MintPress News có trụ sở ở Mỹ cho biết.


“Đó là một vấn đề chiến lược, và tất cả chúng ta phải mở to mắt cảnh giác trước những gì đang xảy ra,” bài nói.


Nhìn ra Thái Bình Dương, El Salvador có diện tích chỉ bằng một nửa Đài Loan và là nước Trung Mỹ nhỏ nhất. Nền kinh tế của nước này dựa xuất khẩu cà phê, đường, dệt may và quần áo cũng như lắp ráp sản phẩm trung gian. Một phần ba dân số nước này hiện giờ sống dưới mức nghèo khổ.


Hải cảng La Union cho đến nay gần như vẫn bị bỏ hoang kể từ khi nó được hoàn thành vào năm 2008 bởi vì ít tàu bè qua lại khiến nó khó tìm được nhà đầu tư vào quản lý.


Ông Nelson Vanegas, chủ tịch của Ủy ban Cảng tự trị ở El Salvador, hồi tháng Bảy nói rằng có ít nhất ba công ty đến từ châu Á, châu Âu và châu Mỹ bày tỏ quan tâm đến việc điều hành hải cảng này, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) có trụ sở ở Hong Kong cho biết.


Một quá trình gọi thầu mới để tìm công ty điều hành dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 9.


Hôm 21/8, Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp cho biết Đài Bắc đã bác bỏ yêu cầu của El Salvador về việc cấp vốn phát triển bến cảng mà không nói rõ là cảng La Union do lo ngại hải cảng này sẽ không bền vững.


Nhưng hồi tháng trước, Bộ trưởng Kinh tế El Salvador Luz Estrella Rodriguez nói rằng Bắc Kinh quan tâm đến việc hồi sinh bến cảng bên cạnh mong muốn đầu tư vào những khu vực khác của nước này.


Bà Rodriguez cho biết các công ty Trung Quốc như tập đoàn nhà nước Citic đã có các cuộc gặp với các quan chức El Salvador trong vài năm qua về cơ hội làm ăn không chỉ tại bến cảng mà còn ở phi trường quốc tế và hệ thống đường sắt nữa.


“Hoàn toàn tự nhiên thôi nếu Trung Quốc quan tâm đến việc có một hải cảng ở El Salvador – nó nằm ngay trung tâm của vùng Trung Mỹ và có thể trở thành một đầu mối giao thông và giao thương kết nối Bắc và Nam Mỹ,” ông Từ Thế Trừng, một học giả tại Viện Nghiên cứu Mỹ Latin của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, được SCMP dẫn lời nói.


“Phía Mỹ muốn nói rằng hải cảng đó có thể được sử dụng cho mục đích quân sự bởi vì có sự hiện diện quân sự lớn ở khu vực nhưng thực ra Trung Quốc không có sự hiện diện quân sự nào trong khu vực,” ông Từ nói.


Bắc Kinh mở căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên ở Djibouti thuộc vùng Sừng của châu Phi hồi năm ngoái và có khả năng sẽ xây dựng căn cứ ở Cảng Gwadar ở Pakistan. Tuy nhiên, các nhà quan sát nói rằng không có khả năng Trung Quốc hoạch định một hải cảng quân sự ở El Salvador.


Ông Collin Koh, một chuyên gia về các vấn đề trên biển thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore, nói rằng sẽ là quá lời nếu nói rằng Bắc Kinh nhìn nhận các hải cảng như là ‘các căn cứ tiềm năng’, nhưng rõ ràng là Trung Quốc đang muốn sở hữu hay giúp phát triển những hải cảng ở hải ngoại ở những vị trí chiến lược vốn có thể phục vụ cho những lợi ích lâu dài của họ.


“Xây dựng một căn cứ ở khu vực này sẽ có nguy cơ khiến cho Mỹ đáp trả mạnh mẽ, ngay cả khi chúng ta vẫn có thể nghĩ rằng có khả năng Hải quân của Giải phóng quân Trung Quốc thường lui tới bến cảng này,” ông Koh nhận định.


Tuy nhiên, ông Charles Morrison, một chuyên gia về các vấn đề an ninh Mỹ-châu Á tại Trung tâm Đông-Tây ở Hawaii, bày tỏ nghi ngờ liệu Đài Bắc hay Bắc Kinh có quan tâm sâu sắc đến El Salvador hay không ngoại trừ ý nghĩa biểu tượng của việc nước này chuyển đổi quan hệ ngoại giao sang Bắc Kinh và chấp nhận chính sách ‘Một Trung Quốc’.


“Mặc dù Đài Loan cố gắng giữ mối quan hệ này, họ không sẵn sàng trả bất cứ giá nào,” ông nói với SCMP với ngụ ý nhắc đến việc Đài Bắc bác bỏ đòi hỏi cấp vốn của El Salvador.