Việt Nam có còn cửa ‘đi đêm’ với Slovakia?

PostWed Aug 15, 2018 10:46 am

VOA - Arts and Entertainment


Gần như tái hiện lại những ngày đầu của cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt Nam vào tháng Tám năm 2017, khủng hoảng ngoại giao Slovakia - Việt Nam mở màn tròn một năm sau vào tháng Tám năm 2018 đầy kịch tính và diễn biến sôi động theo từng tuần lễ.


‘Kẻ đổ vỏ vĩ đại’


Ngày 14/8/2018, ông Bela Bugar - Phó Chủ tịch Quốc Hội Slovakia và cũng là Chủ tịch Đảng Most-Hid trong liên minh cầm quyền - lên tiếng chính thức ‘Slovakia nên trục xuất đại sứ Việt Nam tại Bratislava về nước nếu vụ bắt cóc cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh được xác nhận và Slovakia bị lợi dụng trong vụ việc này’, được thông tấn xã TASR loan đi cùng ngày.


Đại sứ Việt Nam tại Slovakia là ai?


Chỉ mới cách đây vài tháng, vào tháng Năm năm 2018, Đại sứ Dương Trọng Minh đã trả lời bằng văn bản cho Bộ Ngoại giao Slovakia theo cách không thể ngắn gọn và đánh đố hơn ‘Trịnh Xuân Thanh chưa từng có mặt ở Slovakia’. Nhưng đúng một tháng sau, cảnh sát Slovakia và tờ báo độc lập Dennik N của nước này lẫn báo chí Đức đã có hơn cả bằng chứng về ‘Trịnh Xuân Thanh lảo đảo được hai mật vụ Việt Nam ‘dìu’ lên máy bay tại sân bay Bratislava vào ngày 26/7/2018’.


Thói dối trá đã lộ ra giữa ban ngày ban mặt.


Còn Bộ Ngoại giao Việt Nam thì sao?


Trái ngược với danh vị ‘Người đốt lò vĩ đại’ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cứ mỗi lần bùng nổ khủng hoảng ngoại giao với một quốc gia châu Âu, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh của chính thể độc đảng độc trị ở Việt Nam lại bị biến thành ‘Kẻ đổ vỏ vĩ đại’.


Đổ vỏ cho những tác giả của vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức.


Cũng đổ vỏ luôn cho cơn di chấn động đất từ Đức lan rộng và lan mạnh sang Slovakia, Czech và cả Pháp, Nga, Ba Lan… Trong dó có ít nhất 5 quốc gia thuộc khối Liên minh châu Âu (EU).


Cũng có nghĩa là ‘năm thắng lợi ngoại giao chưa từng có’ mà Phạm Bình Minh nói ra không một chút sượng sùng vào cuối năm 2017 đã trở thành một tiền đề chưa từng thấy dẫn đến cơn địa chấn khủng hoảng toàn diện giữa Việt Nam với một phần lớn hoặc toàn khối EU trong năm 2018.


Ngay trước mắt là cơn khủng hoảng ngoại giao Slovakia - Việt Nam.


Kinh nghiệm ‘đi đêm’


Vào đầu tháng Tám năm 2018, chỉ 4 ngày sau loại bài điều tra của tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức và tờ Dennik N của Slovakia về ‘cựu Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Robert Kaliňák đã giúp Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia’, Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajcak đã tuyên bố sẽ không bổ nhiệm đại sứ mới của nước này tại Hà Nội cho đến khi Slovakia kết thúc cuộc điều tra chuyên án trên - được đích thân Tổng thống Andrej Kiska và Thủ tướng Peter Pellegrini chỉ thị tiến hành. Không còn hoài nghi hay phải chờ đợi thêm nữa, cuộc khủng hoảng ngoại giao Slovakia - Việt Nam đã chính thức bùng nổ với động thái hạn chế ngoại giao ấy, trước khi có thể dẫn đến những động thái tiếp theo mang tính hạ cấp quan hệ ngoại giao còn trầm trọng hơn thế nhiều.


Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu ngay bây giờ hoặc sắp tới Phạm Bình Minh bay sang Bratislava để ‘đàm phán’ với Bộ Ngoại giao Slovakia, cho dù rất có thể điều kiện đầu tiên của phía Việt Nam, nếu còn có thể ra điều kiện, là một cuộc làm việc hoàn toàn mang tính ‘riêng tư’ mà không có có sự tham dự của báo chí và không công khai kết quả làm việc với báo chí và công luận.


Tình trạng khẩn cấp của Việt Nam vào chính lúc này là phải đôn đáo bở hơi tai dập tắt đống lửa Slovakia đang chực chờ bùng cháy dữ dội hơn. Cũng đồng thời phải lái những trận gió tốc mái của báo chí và dư luận quốc tế vào đống lửa đó sang hướng khác.


Từ thâm niên nhiều năm đàm phán với Hoa Kỳ về ‘đổi nhân quyền lấy thương mại’ đến cuộc đàm phán ngầm gần đây nhất với Bộ Ngoại giao Đức về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, giới chóp bu Việt Nam đã biến thành một trong những chế độ chính trị có bề dày trả treo, mặc cả và nhiều kinh nghiệm ‘đi đêm’ nhất trên thế giới.


Với tư cách là một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nhưng bị chính người dân Việt xem là ‘có vô số luật nhưng chỉ tồn tại Luật Rừng’, chính thể Việt Nam đã chưa hề công khai hóa bất kỳ chi tiết nào về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ tháng Bảy năm 2017 - khi Thanh bị bắt cóc tại Berlin - cho tới nay. Toàn bộ thông tin về vụ bắt cóc này được truyền đến dư luận và công luận chỉ từ phía các cơ quan cảnh sát, công tố và tòa án của Đức.


Vào thời gian trên, người ta lại nhận ra sự trống vắng khá kỳ lạ của Phạm Bình Minh. Tại Hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền vào tháng Mười năm 2017, quan chức bộ trưởng ngoại giao này hiện ra không phải với báo cáo chuyên đề về thành tích đối ngoại mà là chuyên đề về… dân số.


Cũng không thấy Phạm Bình Minh hé ra bất kỳ phát ngôn nào về vụ Trịnh Xuân Thanh. Chỉ khi nào bị báo chí truy vấn quá rát mới thấy Người phát ngôn bộ ngoại giao Việt Nam hiện ra như hình ảnh một con vẹt mào đỏ kêu không mệt mỏi: ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’.


Câm lặng !


Điều kỳ lạ không kém là Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chẳng hề có bất kỳ phản ứng nào, dù là nhẹ nhất, sau chuỗi sự kiện Bộ Ngoại giao Đức liên tiếp trục xuất vài ba quan chức ngoại giao trong Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin vào năm 2017.


Trong khi Ngoại trưởng Phạm Bình Minh có quá ít chuyến công du nước ngoài vào thời gian trên, kể cả việc để mặc cho người đồng chức bộ chính trị là Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và cả một quan chức bên đảng nhưng thấp cấp hơn là Trưởng ban đối ngoại trung ương đảng Hoàng Bình Quân chiếm lĩnh trận địa ‘vận động quốc tế linh hoạt sớm thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu’ (EVFTA), có những dấu hiệu cho thấy Phạm Bình Minh và Bộ Ngoại giao của ông ta đã quá ‘oải’ với vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, từ nhiều tháng qua không còn muốn dây vào vụ này và thực chất không muốn bị biến thành kẻ đổ vỏ cho nhóm bắt cóc, bất chấp việc hai cái tên Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư và Tô Lâm - Bộ trưởng công an - đã bị Tòa Thượng thẩm Berlin bêu tên trong phiên xử kéo dài đến 3 tháng trời vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.


Chỉ đến tháng Sáu năm 2018, trong lúc tham dự một diễn đàn với Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Berlin ở Đức, một quan chức ngoại giao là Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức Nguyễn Hữu Tráng mới ‘vô tình’ tiết lộ việc giữa Việt Nam và Đức đã có những thỏa thuận từ tháng Mười Một năm 2017, nhưng toàn bộ nội dung này không được công khai.


Tiết lộ trên phù hợp với thông tin từ báo chí Đức - đặc biệt là tờ Taz’ - rằng sau khi bị Bộ Ngoại giao Đức phản ứng bằng một tuyên bố giáng trả vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, đồng thời phía Đức tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam và còn cắt luôn quy chế miễn visa cho quan chức Việt sang Đức, phía Việt Nam đã liên tục cử đoàn qua Berlin để đàm phán và trả treo. Nhưng chỉ là trả treo, kể cả một lần nữa mặc cả ‘đổi nhân quyền lấy đối tác chiến lược’ như vụ Tổng cục ‘nhà tù’ của Bộ Công an Việt Nam phải trả tự do và tống xuất sang Đức đối với luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài vào tháng Sáu năm 2018, trong khi cho tới nay Hà Nội vẫn tuyệt đối không có một lời xin lỗi Đức và ‘cam kết sẽ không tái phạm’ theo một yêu cầu có vẻ khá nhẹ nhàng của Đức.


Còn bây giờ, Phạm Bình Minh sẽ làm gì?


Hết cửa ‘đi đêm’!


Sẽ không thể có chuyện Phạm Bình Minh dám bỏ mặc cái đống lửa Slovakia đang chực chờ phát cháy dữ dội, sau đống lửa Đức đã thiêu đốt nhóm bắt cóc từ Việt Nam, với nhiệt lượng không kém thua gì hơi nóng từ ‘lò’ của Nguyễn Phú Trọng.


Nhưng làm thế nào để dập lửa, và bức thiết hơn cả là không cho bức tường lửa từ Đức lan sang Slovakia và lan ra cả châu Âu mà sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực cho EVFTA, trong khi vẫn bảo toàn được ‘uy tín’ của bộ Ngoại giao Việt Nam và thể diện cá nhân của Ủy viên bộ chính trị Phạm Bình Minh?


Cho đến lúc này, khả năng ‘đi đêm’ của giới ngoại giao Việt Nam với Chính phủ Slovakia - phải nói một cách thành thực và không kém đau đớn - là gần như không có.


Sau vụ phát hiện dường như đã có một thỏa thuận ngầm giữa Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Robert Kaliňák với Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm để ‘vận chuyển Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia’, từ tổng thống đến thủ tướng và bộ trưởng nội vụ mới của Slovakia đều thi hành những biện pháp quyết liệt trong xử lý nội bộ và dựng cao hàng rào an ninh đối với Việt Nam, cho thấy giới ngoại giao Việt Nam không còn ‘cửa sau’ nào để ‘đi đêm’.


Tuy thế, phản ứng nghiêm khắc của Slovakia lại có thể là một lối thoát cho Phạm Bình Minh. Sẽ không diễn ra những cuộc đàm phán ngầm, hoặc dù có thì cũng không thể đạt được một thỏa thuận bắt tay bí mật nào đó. Sẽ chỉ cần báo cáo cho Tổng bí thư Trọng về việc phía Slovakia đã không còn dễ dàng chấp nhận điều kiện này điều kiện kia, càng không quan tâm đến điều kiện ‘đổi nhân quyền lấy ổn định ngoại giao’. Và cho dù bị Nguyễn Phú Trọng thúc bách, Ngoại trưởng Minh cũng chỉ làm vài việc cho có và trở về nước với một kết quả mang một chút hứa hẹn nhưng lại chẳng thể khiến ông Trọng ngủ ngon.


Lẽ nào trong tình thế nước sôi lửa bỏng hiện thời, Tổng bí thư Trọng phải kiêm luôn chức bộ trưởng ngoại giao Việt Nam - phỏng theo cái cách mà ông Trọng đã ‘tự cơ cấu’ vào Thường vụ đảng ủy công an trung ương vào tháng Mười năm 2016 - để trực tiếp ‘đàm phán’ với Slovakia - địa chỉ mà Việt Nam vẫn tự hào là ‘đối tác thân thiện’?


Với chính thể Việt Nam, mọi chuyện hầu như đã trở nên bất khả kháng cự.

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Văn Nghệ Và Điện Ảnh - Arts and Entertainment

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1247 guests

cron