Vì sao Nguyễn Hải Long kháng cáo?
Truyền thông Đức hôm 1/8 cho hay nhân vật đầu tiên bị kết án trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Hải Long, vừa đệ đơn kháng án và yêu cầu đổi luật sư biện hộ.
Diễn tiến bất ngờ này xảy ra vào lúc thời hạn chót dành cho việc kháng án sắp kết thúc, làm dấy lên nghi ngờ cho rằng có sự nhúng tay của chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên theo phán đoán của luật sư bào chữa cho ông Long tại tòa án Đức, diễn tiến mới chỉ có thể “có lợi cho một số cá nhân” có liên quan đến vụ án.
Theo xác nhận của một phát ngôn viên Tòa án với báo TAZ của Đức, ông Nguyễn Hải Long đã nộp đơn kháng án vào ngày 31/7, chỉ một ngày trước khi hết hạn kháng án. Quyết định này không những gây bất ngờ cho những người theo dõi vụ án, mà ngay cả với luật sư bào chữa cho ông Long.
Luật sư Alexander Sättele nói với VOA rằng ông “rất ngạc nhiên” về quyết định kháng án của ông Long và đã hủy bỏ ủy nhiệm bào chữa cho ông Long sau khi nhận được tin này.
Trước đó vào ngày 25/7, Tòa thượng thẩm Berlin tuyên án 3 năm 10 tháng tù giam đối với bị cáo Nguyễn Hải Long, 47 tuổi, người bị cáo buộc tiếp tay cho Việt Nam trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin và đưa về Việt Nam.
Sau khi thừa nhận đã tiếp tay cho mật vụ Việt Nam, Nguyễn Hải Long bị tòa án Đức kết tội “Hoạt động gián điệp chống lại Nhà nước Đức” và “hỗ trợ cưỡng đoạt tự do” của Trịnh Xuân Thanh và người ở cùng ông Thanh lúc đó là bà Đỗ Thị Minh Phương.
Mức án của ông Long được đưa ra sau luật sư bào chữa cho ông Long khuyên ông nhận tội để được miễn giảm án tù.
Nhận định với VOA về diễn tiến mới liên quan đến vụ bắt cóc thân chủ của mình, Luật sư người Đức của Trịnh Xuân Thanh, bà Petra Schlagenhauf, cho rằng việc ông Long thú tội rõ ràng là “chịu áp lực” để đạt được một thỏa thuận với “các bên”, trong đó có thể có “những kẻ đào tẩu khác”. Bản thân ông Long cũng nói tại phiên xét xử rằng ông muốn “nhanh chóng kết thúc phiên tòa”.
“Theo quan điểm của tôi, việc kháng cáo sẽ không thành công vì kháng cáo chỉ là để kiểm tra lại những sơ suất về tư pháp, chứ không phải thông tin sự thật trong bản án”, Luật sư Petra Schlagenhauf trả lời với VOA.
Cả Luật sư Sättele và Luật sư Schlagenhauf đều cho rằng tòa án có thể kết tội Nguyễn Hải Long mà không cần đến lời thú tội của ông vì các chứng cứ mà cảnh sát Đức điều tra ra đã đủ để đưa ra bản án. Nhưng diễn tiến bất ngờ kháng cáo của Nguyễn Hải Long đang làm dấy lên nghi ngờ về sự can thiệp của chính phủ Việt Nam trong vụ này, nhất là sau khi tờ TAZ dẫn nguồn tin thân cận với Đại sứ quán Đức cho hay sau khi bị cáo Long thú tội trước tòa, chính phủ Việt Nam đã mời đại diện của sứ quán Đức ở Hà Nội lên nói chuyện về phiên tòa.
Luật sư Sättele nhận định với VOA về suy đoán này:
“Tôi không nghĩ việc kéo dài thời gian xét xử mang lại lợi ích tốt nhất cho Việt Nam và mối quan hệ căng thẳng với chính phủ Đức”, LS. Sättele nói. “Vì dù sao cũng đã có đủ bằng chứng và việc can dự của các quan chức Việt Nam”.
Tuy nhiên LS. Sättele cho rằng việc kháng cáo có thể có dính dáng đến lợi ích của “những cá nhân liên quan” trong vụ án.
Ông Nguyễn Hải Long là người đầu tiên bị kết án trong vụ bắt cóc gây chấn động dư luận quốc tế và tạo ra cuộc “khủng hoảng ngoại giao” giữa Việt Nam với Đức. Cho đến nay, Hà Nội vẫn khẳng định ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), đã tự ra đầu thú sau hơn một năm trốn truy nã sang Đức.
Ông Thanh đã bị tuyên hai án tù chung thân về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản.