Page 1 of 1

Nghĩa vụ Bắc… Âu, quyền lợi Bắc… Hàn

PostPosted: Tue Jun 05, 2018 12:29 pm
by NewsReporter
VOA - Arts and Entertainment


Dư luận đã tạm lắng sau khi nhiều Đại biểu của Quốc hội Việt Nam không đồng tình với đề nghị của ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo: Khi thông qua Dự luật sửa đổi Luật Giáo dục đại học, cho phép hệ thống giáo dục đại học đổi “thu học phí” thành “thu giá dịch vụ đào tạo”.


Có một điểm ít người để ý là cho dù “thu giá dịch vụ đào tạo” đã bị khai tử khi chưa chào đời nhưng tinh thần của Dự luật sửa đổi Luật Giáo dục đại học vẫn thế: Hệ thống giáo dục đại học công lập sẽ được phép “tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo, đúng quy định của Luật về Giá”.


Nói cách khác, công chúng chỉ thắng trong tranh biện về sử dụng từ ngữ, bảo tồn được khái niệm “thu học phí” trong Dự luật sửa đổi Luật Giáo dục đại học.


“Lõi” của Dự luật sửa đổi Luật Giáo dục đại học – yếu tố quan trọng nhất - vẫn còn nguyên. Đa số Đại biểu của Quốc hội Việt Nam “tán thành quy định cho phép cơ sở giáo dục đại học được tự chủ trong việc quyết định mức giá dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước” và “đề nghị quy định rõ nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo để có căn cứ xây dựng khung giá, mức giá cụ thể đối với các khoản dịch vụ đào tạo”, từ “các dịch vụ do nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện” tới “phần phải thu thêm”.


Xét một cách tổng quát thì ai thắng, ai thua? Ai sẽ cười và ai phải khóc? Nhóm nào đông hơn? Nhóm nào “tài” hơn?


***


Chẳng riêng học phí đã tăng và dẫu không bị thay tên, đổi họ thành “giá dịch vụ đào tạo” thì học phí vẫn tiếp tục… tăng, viện phí (chi phí bảo vệ, chăm sóc sức khỏe) cũng sẽ tăng vào tháng tới vì chính phủ đã đồng ý cho Bộ Y tế tính tiền các loại thiết bị, vật tư y tế, các loại thuốc “đúng với giá trị thật”.


Từ 1 tháng 7, giá của một số dịch vụ y tế sẽ tăng, sau đó, tới lượt giá khám bệnh, giá chữa bệnh cùng tăng. Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt “lộ trình tăng viện phí giai đoạn 2018 – 2020” và đến năm 2021 là lúc ngành y tế sẽ “tính đủ chi phí” kể cả khấu hao và tích lũy để phát triển các loại dịch vụ.


Giống như tất cả các ngành khác, Bộ Y tế cũng mang viện phí tại Việt Nam ra so với một số nước khác để biện bạch cho đề nghị nâng viện phí lên chừng 8% so với hiện nay.


Ngày xưa, khi đề nghị gia tăng thuế, phí hoặc biện bạch cho chuyện giá cả quá cao, các viên chức trong hệ thống công quyền Việt Nam thường đem thuế, phí hoặc giá cả ở Việt Nam ra so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, rồi các quốc gia trong khu vực châu Á.


Gần đây, không chỉ các viên chức chính phủ mà đại biểu của dân chúng ở Việt Nam tại Quốc hội có khuynh hướng đem thuế, phí hoặc giá cả ở Việt Nam ra so với các quốc gia châu Âu, đặc biệt là Bắc Âu (Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan) – khu vực mà thuế, phí vốn cao hơn nhiều so với cả Đông Nam Á lẫn châu Á.


Tháng 8 năm ngoái, sau khi giới thiệu kế hoạch tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) dự trù sẽ thực hiện từ đầu năm 2019 (nâng tỉ lệ của các sản phẩm, dịch vụ đang chịu thuế VAT từ 5% lên 6%, thu 12% đối với các mặt hàng đang chịu thuế VAT là 10%), các viên chức lãnh đạo Bộ Tài chính Việt Nam đã dẫn các quốc gia trong cộng đồng châu Âu (EU) như bằng chứng để biện minh rằng, việc nâng tỉ lệ VAT ở Việt Nam thêm từ 1% đến 2% thì vẫn chưa thấm vào đâu so với EU, tại EU người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ phải trả VAT tới 19%.


Theo khuynh hướng này, lúc dân chúng rên xiết vì giá xăng quá cao, đẩy giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ khác vọt lên, sau khi đối chiếu, một số chuyên gia và báo giới nhận xét, giá xăng ở Việt Nam cao hơn mức trung bình của thị trường xăng dầu thế giới khoảng 20%, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam đã tạt vào mặt mọi người một gáo nước lạnh: Giá xăng ở các quốc gia Bắc Âu còn đắt hơn Việt Nam nhiều! Ông Kiên đòi công chúng phải nhìn nhận rằng, việc điều hành giá cả trên thị trường xăng dầu của Việt Nam là một thành công.


***


Bên cạnh yếu tố thuế, phí được xem là cao nhất thế giới, các quốc gia Bắc Âu có chính sách an sinh xã hội được xem là ưu việt nhất thế giới, hơn hẳn và vượt xa cả Hoa Kỳ.


Dân chúng Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan được hưởng chế độ giáo dục hoàn toàn miễn phí từ mẫu giáo cho đến sau đại học. Chẳng riêng học phí mà ngay cả viện phí cũng không có trong số từ vựng mà họ cần phải dùng tới.


Trẻ con được chăm sóc cẩn thận ngay từ lúc hoài thai. Khi một đứa trẻ chào đời, cha mẹ của chúng bị buộc phải nghỉ làm việc để chăm sóc đứa trẻ, tùy quốc gia, thời gian nghỉ làm việc mà vẫn hưởng lương của cả cha lẫn mẹ để chăm sóc đứa con sơ sinh dao động trong vòng từ hai đến sáu tháng. Tùy quốc gia, cha mẹ mỗi đứa trẻ sơ sinh sẽ được nhận trợ cấp hàng tháng cho tới khi đứa trẻ hai tuổi như Na Uy, hoặc 16 tuổi như Thụy Điển, Phần Lan, hoặc 18 tuổi như Đan Mạch.


Ở Bắc Âu, bởi đã từng nộp thuế, phí, người thất nghiệp hoặc sự nghiệp không may gặp rủi ro sẽ được trợ cấp cả về y tế, nhà ở lẫn sinh hoạt phí, đủ để họ có thể trang trải mọi thứ chi phí. Trợ cấp còn có khoản hỗ trợ chi tiêu cho… du lịch hàng năm vì đi đó, đi đây được xem là một thứ nhu cầu cần được thỏa mãn và hệ thống công quyền quan niệm, không nên để những công dân không may mắn phải thua thiệt chỉ vì không đủ khả năng tài chính.


Ở Bắc Âu, sau cả đời nộp thuế, phí ở mức cao nhất thế giới, nghỉ hưu là giai đoạn tận hưởng cuộc sống. Người già không chỉ được chăm sóc y tế mà còn được chăm sóc tận tình cả về vật chất lẫn tinh thần. Chỗ nào ở Bắc Âu cũng có những trung tâm cho người lớn tuổi tề tựu để trò chuyện, đàn hát, khiêu vũ, đánh cờ, tập thể dục, kể cả học thêm những kỹ năng mà họ thích nhưng chưa rèn luyện vì thời trẻ họ không có điều kiện về thời gian…


***


Khi so sánh Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, châu Á, châu Âu, thậm chí Bắc Âu, các viên chức trong hệ thống công quyền Việt Nam chỉ đối chiếu giá cả, tỉ lệ thuế, phí ở những quốc gia đó, khu vực đó để không ngừng thúc đẩy nghĩa vụ đóng góp của công dân lên mức càng ngày càng cao, tất cả đều lờ tịt về quyền lợi mà lẽ ra, sau khi đóng góp, mỗi công dân Việt Nam có quyền thụ hưởng như thiên hạ.


Không chỉ ép dân chúng thắt lưng, buộc bụng để chi tiêu cho những… chủ trương lớn của đảng cầm quyền, hệ thống công quyền Việt Nam còn muốn buộc dân chúng câm miệng. Dự Luật An ninh mạng là bằng chứng mới nhất. Tiếng là bảo vệ an ninh hạ tầng kỹ thuật thông tin nhưng dự luật này chỉ nhắm vào một chuyện, đặt tất cả những công dân dám thắc mắc về quyền lợi của chính mình, của đồng bào mình ra ngoài vòng pháp luật.


Infonet, tờ báo điện tử của Bộ Thông tin – Truyền thông Việt Nam vừa công bố một thư ngỏ do các ông: Đặng Hữu (cựu Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ), Chu Hảo (cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ), ông Mai Liêm Trực (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, cựu Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông), Nguyễn Khánh Toàn (Thượng tướng, cựu Thứ trưởng Bộ Công an) gửi các Đại biểu Quốc hội và Thủ tướng Việt Nam, đề nghị loại bỏ năm điều: 24, 26, 38, 39, 40 ra khỏi Dự Luật An ninh mạng vì theo họ, an ninh mạng là cuộc chiến kỹ thuật, những điều đó không những không thể giải quyết được những vấn đề liên quan đến kỹ thuật, giúp bảo vệ an toàn Internet của Việt Nam, mà còn “kéo lùi sự phát triển của Internet, của kinh tế số và xã hội thông tin Việt Nam”.


Ông Hữu, ông Hảo, ông Trực, ông Toàn vốn được xem là những “nguyên lão” của ngành ICT Việt Nam (tham gia thẩm định, chuẩn bị để đưa Internet vào Việt Nam hồi thập niên 1990) nhưng Infonet chỉ có thể bày “Các ‘nguyên lão’ ngành ICT đề nghị bỏ 5 điều trong Dự án Luật An ninh mạng” trong vòng năm tiếng rồi “tự ý đục bỏ”. Các “nguyên lão” mà còn bị “túm đầu, bịt miệng” như thế thì rõ ràng trong mắt hệ thống công quyền Việt Nam, 96 triệu công dân chẳng là gì cả. “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc” kiểu ấy có khác gì Bắc… Hàn?