Luật sư: ‘Có đủ căn cứ pháp lý để đặc xá Trần Huỳnh Duy Thức
Một luật sư cho hay ông và gia đình ông Trần Huỳnh Duy Thức mới đây nộp đơn đề nghị Chủ tịch nước Việt Nam cứu xét việc đặc xá cho tù nhân lương tâm này chiểu theo các điều khoản của luật hình sự mới.
Ông Thức, năm nay 52 tuổi, là một kỹ sư, doanh nhân, đồng thời là blogger có nhiều bài viết chỉ trích chính quyền. Đến tháng 5 năm nay là tròn 9 năm kể từ ngày ông bị công an Việt Nam bắt vì tội “trộm cước viễn thông” và “tuyên truyền chống nhà nước”.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao hồi cuối tháng 11/2009 nêu ra những gì được xem là bằng chứng để kết tội ông Thức, nổi bật là việc ông lập “Nhóm nghiên cứu Chấn” có 5 người tham gia, kể cả bản thân ông.
Viện kiểm sát lập luận rằng trong vai trò là người thành lập nhóm nghiên cứu, ông Thức đã “đề ra đường lối, kế hoạch hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân của tổ chức này”.
Những hành vi của ông Thức và những người tham gia nhóm bị viện kiểm sát xem là “phạm tội” gồm: lập một trang web để “tuyên truyền hoạt động” của nhóm; tiếp cận, mở rộng quan hệ nhằm “tác động” hoặc “gây mất đoàn kết” trong số các lãnh đạo cấp cao; lôi kéo tầng lớp trí thức; kêu gọi chính phủ các nước và tổ chức phi chính phủ có tư tưởng thù địch chống Việt Nam ủng hộ hoạt động của Nhóm nghiên cứu Chấn; và làm ra tài liệu “tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền”, phao tin bịa đặt.
Sau các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm lần lượt vào tháng 1 và tháng 5/2010, cuối cùng ông Thức nhận bản án 16 năm tù giam và 5 năm quản chế vì tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Bản án dành cho cá nhân ông Thức được tuyên căn cứ vào điều 79 của Bộ luật hình sự năm 1999 quy định hình phạt dành cho “hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền”.
Điều luật này chỉ có hai khoản ngắn gọn viết rằng “Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình” và “Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm”.
Hoa Kỳ, Anh, Úc cùng nhiều nước và các tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên án hoặc bày tỏ quan ngại về những bản án nặng dành cho ông Thức và một số người liên quan.
Kể từ đó đến nay đã có nhiều lời kêu gọi trả tự do cho tù nhân lương tâm này xuất phát từ gia đình ông, các chính phủ nước ngoài và các tổ chức quốc tế khác nhau.
Gần đây nhất, cuối tháng 4/2018, gia đình ông đã gửi thư đề nghị “đặc xá, trả tự do” cho ông Thức đến chủ tịch nước, thủ tướng Việt Nam và một số nhà chức trách liên quan.
Luật sư Ngô Ngọc Trai, người tư vấn pháp lý cho gia đình ông Thức, cho VOA biết nỗ lực mới nhất này dựa trên sự thay đổi về luật pháp được xem là “có lợi” cho ông Thức.
Bộ luật hình sự mới của Việt Nam, có hiệu lực từ ngày đầu năm 2018, có điểm thay đổi trong điều luật về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Luật sư Trai chỉ ra rằng điều luật có một khoản bổ sung nói về “chuẩn bị phạm tội” với mức hình phạt 1 đến 5 năm tù, nhẹ hơn rất nhiều so với hành vi phạm tội.
Ông Trai so sánh việc làm của ông Thức với luật mới:
“Toàn bộ các hành vi của ông Thức chỉ là hành vi chuẩn bị phạm tội xét theo khuôn khổ pháp lý hiện hành. Ông Thức không tham gia tổ chức nào cả. Nhóm nghiên cứu Chấn không hẳn là tổ chức chính trị để lật đổ chính quyền. Nó có dáng dấp là tiền thân của một tổ chức trong tương lai mà thôi”.
Luật sư cho hay thư đề nghị đặc xá dài 15 trang khẳng định những việc làm của ông Thức “không phải là thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và bản án nặng hồi năm 2010 dành cho ông “rất cần được xem xét lại”.
Một cơ sơ pháp lý nữa để gia đình kêu gọi nhà chức trách tha tù cho ông Thức là căn cứ vào Luật đặc xá, theo luật sư Ngô Ngọc Trai.
Vị cố vấn pháp lý cho hay bức thư đề cập đến thực tế là đến tháng 5 năm nay, ông Thức đã thụ án là tròn 9 năm trong tổng số 16 năm của bản án “quá khắc nghiệt”, trong khi bản chất các việc làm của ông “chỉ là những hành vi chuẩn bị nhắm tới tác động vào nhận thức con người”. Vì vậy, gia đình mong muốn nhà chức trách áp dụng các điều luật về đặc xá trong trường hợp đặc biệt “để đáp ứng yêu cầu về đối nội, đối ngoại của nhà nước”.
Cũng nhắc đến việc nhiều nước có tầm ảnh hưởng lớn và các tổ chức quốc tế lâu nay vẫn quan tâm và thúc giục Việt Nam ân xá cho ông Thức nói riêng và các tù nhân lương tâm khác nói chung, bức thư viết rằng nhà chức trách “rất cần cân nhắc” trả tự do cho ông Thức, vì việc đó vừa “có đầy đủ cơ sở pháp lý và căn cứ thực tiễn để thực hiện” cũng như vừa “đem lại lợi ích cho đất nước”.
Luật sư Trai nói thêm với VOA:
“Dưới con mắt của quốc tế, nó không hẳn là hành vi phạm tội, mà chỉ là sự biểu đạt ôn hòa các quan điểm, tự do ngôn luận mà thôi. Để gỡ thế bí cho các cơ quan [chính quyền], trong luật đặc xá có hẳn một chương quy định đặc xá trong trường hợp đặc biệt. Tù nhân lương tâm như ông Thức được rất nhiều cơ quan, tổ chức, đài báo quốc tế quan tâm. Nhà nước Việt Nam cần thiết xem xét khoan hồng, và nương nhẹ cũng như đặc xá dựa vào các yếu tố đối nội, đối ngoại”.
Sau 3 tuần gửi thư đề nghị, vẫn chưa có hồi đáp từ phía nhà chức trách, luật sư Trai cho hay. Ông nhận định rằng các cơ quan liên quan như tòa án, viện kiểm sát, bộ công an sẽ dành nhiều thời nghiên cứu các lập luận nêu trong thư trước khi trả lời hoặc trình lên chủ tịch nước, người có thẩm quyền đặc xá, để nhà lãnh đạo này đưa ra quyết định.