Nữ lực sĩ gốc Việt vận động cho quyền của LGBTQ tại Olympics
Nữ lực sĩ gốc Việt, Amazin Lê Thi, là một trong 4 vận động viên gốc Á đang vận động cho một chiến dịch diễn ra song song với kỳ Thế vận hội Mùa đông ở Hàn Quốc nhằm lên tiếng bảo vệ cho quyền của LGBTQ (người đồng giới, lưỡng giới và chuyển giới) trước nạn phân biệt đối xử và bắt nạt.
Chiến dịch mang tên “Thế vận hội Mùa đông 2018 và tình trạng về quyền của LGBTQ” do Hội đồng tính châu Á Thái Bình Dương thực hiện, với sự tham gia của các vận động viên đồng tính nổi tiếng thế giới như Julie Chu, nữ vận động viên hockey người Mỹ gốc Trung Quốc từng 4 lần đoạt giải trong các kỳ Olympics; Esera Tavai Tuaolo, tuyển thủ bóng bầu dục quốc gia Mỹ gốc Á; Schuyler Bailar, nam vận động viên bơi lội chuyển giới gốc Á đầu tiên của đội tuyển trường đại học Harvard; và Amazin Lê Thi, nữ vận động viên thể hình gốc Việt từng đoạt quán quân giải thể hình quốc tế.
Chia sẻ lý do tham gia chiến dịch, Amazin cho biết:
“Nếu một vận động viên nổi tiếng đồng hành với cộng đồng LGBTQ hoặc công khai mình là đồng tính, điều này có ý nghĩa rất lớn đối với những bạn trẻ châu Á đang dằn vặt hay bối rối về giới tính của mình vì đó là cách công nhận họ”.
Hàn Quốc được xem là một xã hội khá bảo thủ ở châu Á khi không chấp nhận hôn nhân hay quan hệ đồng tính.
Chiến dịch vận động cho quyền của LGBTQ tại Olympics kỳ này được đưa ra nhằm lên tiếng bảo vệ cho quyền lợi của người đồng tính, đặc biệt là các vận động viên châu Á.
Ngoài ra, chiến dịch cũng nhắm tới việc giới thiệu cho giới trẻ LGBTQ ở châu lục được xem là “đấu trường thể thao lớn của thế giới” những hình mẫu, vốn là những người giống như họ và đã thành công rực rỡ trong các cuộc tranh tài quốc tế.
“Giới tính hay sở thích tính dục của bạn chẳng liên quan gì tới khả năng thể thao của bạn. Và chẳng có gì nguy hiểm khi bạn công khai giới tính trong thể thao cả”, Amazin khẳng định.
Theo lời của nữ lực sĩ sáng lập tổ chức Amazin LeThi, chuyên làm từ thiện và vận động cho quyền lợi của LGBTQ và người bị nhiễm HIV/AIDS, Thế vận hội Mùa đông năm nay có một số vận động viên thuộc cộng đồng này, nhưng tất cả đều là người da trắng.
“Khi một bạn trẻ đồng tính người châu Á nhìn vào Thế vận hội và chỉ thấy vận động viên LGBTQ người da trắng, họ sẽ nghĩ rằng trở thành một vận động viên LGBTQ là điều không dành cho họ, và họ cũng không thấy có một vận động viên Olympics nào ủng hộ cho LGBTQ”.
Amazin cho rằng đây là một vấn đề cần được quan tâm vì từ kinh nghiệm bản thân, cô cho biết các vận động viên đồng tính, chuyển giới châu Á là những người bị bắt nạt nhiều nhất.
Suốt những năm tháng niên thiếu và trở thành vận động viên, Amazin đã là nạn nhân của nạn bắt nạt vì giới tính của mình. Được sinh ra tại Sài Gòn, bị bỏ trong viện mồ côi và sau đó được một gia đình Mỹ nhận nuôi và đem sang Úc, Amazin cho biết cuộc đời cô đã nếm đủ mùi khổ sở, từ cảnh cơ nhỡ, nghèo đói, đến trầm cảm dẫn đến ý định tự tử… nên “tôi hiểu bị gạt ra bên lề xã hội là như thế nào và những gì mà một bạn trẻ đồng tính phải trải qua”.
Cô chia sẻ với VOA qua email:
“Tôi không muốn bất cứ bạn trẻ nào phải trải qua những gì mà tôi từng trải. Nếu có thể là một hình mẫu tích cực ho bất kỳ bạn trẻ châu Á đồng tính nào, thì đây là điều tuyệt diệu mà hội đồng tính đã trao cho tôi khi chọn tôi là một trong những đại sứ toàn cầu của họ”.
Theo nhận định của nữ vận động viên thể hình gốc Việt, số lượng những người công khai mình thuộc “giới tính thứ ba” tại Việt Nam đang ngày càng tăng lên nhờ sự tiến bộ của xã hội và kết quả của những hoạt động và phong trào LGTBQ khá mạnh tại Việt Nam.
Tháng 11 vừa qua, Amazin là một trong 5 thành viên của hội đồng Liên hoan phim LGBT toàn cầu do Hội đồng Anh tổ chức.