Ông Trọng ‘lo’ vì vụ Nguyễn Xuân Anh
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 7/2 tiết lộ rằng lãnh đạo đảng đã “lo” vì vụ xử lý bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh tháng 11 năm ngoái.
Phát biểu trước các trí thức và các văn nghệ sĩ trước Tết, theo báo chí trong nước, ông Trọng đề cập tới nỗi lo vì vụ đó trước khi Việt Nam đăng cai hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Đà Nẵng.
Khi đó chúng tôi cũng lo lắm, khi sự kiện 12.000 người tham dự, toàn nguyên thủ quốc gia các nước hàng đầu thế giới tới dự mà bão thì rập rình, mà chúng ta thì vừa xử lý đến cả Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư Thành uỷ đương nhiệm của thành phố...
“Khi đó chúng tôi cũng lo lắm, khi sự kiện 12.000 người tham dự, toàn nguyên thủ quốc gia các nước hàng đầu thế giới tới dự mà bão thì rập rình, mà chúng ta thì vừa xử lý đến cả Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư Thành uỷ đương nhiệm của thành phố”, ông Trọng nói, theo trang Dân Trí.
Một tháng trước khi diễn ra sự kiện với sự tham dự của nhiều nguyên thủ các nước như Mỹ, Trung Quốc và Nga, ông Anh bị kỷ luật đảng và mất chức Bí thư thành ủy Đà Nẵng và Ủy viên Trung ương Đảng vì các vi phạm cá nhân bị coi là “nghiêm trọng” cũng như những khuyết điểm của thành ủy Đà Nẵng.
Khi nói về vụ này, một số cơ quan báo chí nước ngoài gọi ông Anh là “bí thư thành phố tổ chức APEC”.
Vụ Nguyễn Xuân Anh: ‘Hàng trăm người chức quyền từng học ở SCUPS’
Ngoài vụ ông Nguyễn Xuân Anh, Tổng bí thư Trọng còn nhắc tới cuộc chiến chống tham nhũng, chống điều ông gọi là “giặc nội xâm”, mà ông nói là Việt Nam đã làm “rất quyết liệt”, theo VietNamNet.
Người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không quên nói tới án tù chung thân thứ hai đối với ông Trịnh Xuân Thanh, nhân vật từng gọi ông Trọng là “bác” và xưng “cháu” khi nói lời “xin lỗi” trước tòa.
Về phiên xử các quan chức Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong đó có ông Đinh La Thăng, vì vụ góp vốn vào OceanBank “gây thiệt hại” 800 tỷ đồng, ông Trọng nói “để sau Tết, để không khí không nặng nề dịp vui xuân”.
“Sự nhân văn trong cuộc đấu tranh cũng là thế”, Tổng bí thư Trọng, người còn nắm cơ quan chống tham nhũng của Việt Nam, được trích lời nói.
Việt Nam đã liên tiếp đưa nhiều cựu quan chức ra xét xử trong chiến dịch rầm rộ, khiến nhiều người có ý kiến cho rằng Hà Nội đang áp dụng các bài học từ chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Trung Quốc.
Một số nhà phân tích chính trường Việt Nam từng nói với VOA Việt Ngữ rằng họ sẽ “ngạc nhiên” nếu các lãnh đạo Việt Nam "không học hỏi chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình".