Việt Nam khiếu nại với WTO về thuế của Mỹ đánh vào cá nhập k
Việt Nam đã khiếu nại các biện pháp chống bán phá giá của Mỹ đối với cá filet xuất khẩu của Việt Nam, theo một hồ sơ đệ trình được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố.
Việt Nam nói Mỹ đã vi phạm các quy định của WTO trong cách nước này áp đặt thuế quan lên cá của Việt Nam mà họ cho là đang được "bán phá giá, hoặc bán với giá rẻ một cách không công bằng, trên thị trường Mỹ."
Kim ngạch nhập khẩu cá filet từ Việt Nam của Mỹ đã tăng từ 100 triệu đôla vào năm 2007 lên hơn 520 triệu đôla vào năm 2016. Sự phát triển này đã đưa Việt Nam trở thành nhà cung cấp lớn thứ ba của Mỹ sau Chile và Trung Quốc và Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng đầu cho cá của Việt Nam.
Mỹ có 60 ngày để dàn xếp khiếu nại của Việt Nam, hoặc Việt Nam có thể yêu cầu WTO phân xử.
Washington hiện đang đối mặt với hàng loạt vụ tranh chấp thương mại về việc sử dụng thuế chống bán phá giá trong hai thập kỷ qua, và đã thua nhiều vụ trong số này sau khi các phương pháp tính toán của Mỹ được xét thấy không phù hợp với các quy định của WTO.
Đầu tuần này, WTO đã công bố một khiếu nại thương mại rộng lớn của Canada, đệ trình trong tháng 12 chống lại việc Mỹ sử dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ giá.
Mỹ gọi đó là một "cuộc tấn công rộng lớn và không hợp lý" có thể khiến "hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác ồ ạt tràn vào."
Đơn khiếu nại của Việt Nam là tranh chấp thứ tư do Việt Nam khởi xướng kể từ khi gia nhập WTO vào năm 2007.
Hai khiếu nại trước đó nhắm vào các biện pháp chống bán phá giá của Mỹ đối với tôm xuất khẩu của Việt Nam. Cuộc chiến kéo dài nhiều năm này kết thúc vào năm 2016 khi Mỹ đồng ý loại bỏ thuế đối với một công ty xuất khẩu tôm của Việt Nam và hoàn trả các khoản tiền đặt cọc thuế hải quan mà công ty này đã trả.
Vào thời điểm đó, hai nước là đối tác trong các cuộc đàm phán thương mại cho thỏa thuận Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. Nhưng dưới thời tổng thống Donald Trump, Mỹ đã rút khỏi các cuộc đàm phán đó.