Page 1 of 1

Tư tưởng Tập Cận Bình là gì?

PostPosted: Thu Oct 19, 2017 12:01 pm
by NewsReporter
VOA - Arts and Entertainment


Thông qua việc thực hiện “Bốn toàn diện” (Tứ Toàn) để đạt mục đích tối hậu là sự phục hưng vĩ đại của đất nước Trung Hoa (Trung Quốc Mộng) bằng con đường đi đến hai mục tiêu trăm năm (Bách niên Mục tiêu) và xây dựng quân đội hùng mạnh trong khi không dung thứ hành động ly khai – đó chính một số điểm chính của Tư tưởng Tập Cận Bình theo một học giả chuyên về Đảng của Trung Quốc.


Đây là học thuyết chính trị mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc được Chủ tịch Tập Cận Bình đúc kết sau năm năm cầm quyền. Dự kiến học thuyết này sẽ được đưa vào Điều lệ Đảng tại Đại hội 19 đang diễn ra ở Bắc Kinh để làm kim chỉ nam cho hành động của Đảng – ngang hàng với Tư tưởng Mao Trạch Đông và Lý luận Đặng Tiểu Bình.


Những từ ngữ trên được ông Tập lặp đi lặp lại trong Báo cáo Chính trị dài hơn ba tiếng rưỡi đồng hồ mà ông trình bày trước phiên khai mạc Đại hội hôm 18/10. Báo cáo này cung cấp một cái nhìn rõ nét về nền tảng lý luận trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập.


Trên Nhân dân Nhật báo hôm thứ Năm ngày 19/10, Giáo sư Hàn Khánh Tường thuộc Trường Đảng Trung ương đã có bài viết làm rõ nội hàm của Tư tưởng Tập Cận Bình. Học thuyết này đã được các cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc gọi là: “Tư tưởng về Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc trong thời đại mới” (nguyên văn chữ Hán: Tân thời đại Trung Quốc đặc sắc Chủ nghĩa xã hội Tư tưởng).


Kể từ khi lên cầm quyền vào năm 2012, ông Tập đã đề ra khái niệm “Trung Quốc Mộng” để thực hiện sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Để thực hiện điều đó, ông Tập và Ban lãnh đạo Đảng đã đặt ra hai mục tiêu trăm năm. Một là xây dựng một xã hội khá giả vừa phải vào năm 2020, tức là một năm trước kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hai là đưa Trung Quốc trở thành “siêu cường xã hội chủ nghĩa” vào năm 2049, tức đúng dịp tròn 100 năm nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời.


Con đường để thực hiện hai mục tiêu này là thông qua nguyên tắc “Bốn Toàn diện”: xây dựng xã hội khá giả toàn diện, cải cách kinh tế-xã hội sâu sắc toàn diện, xây dựng một nền pháp trị toàn diện và quản lý Đảng bằng kỷ luật một cách toàn diện.


Theo kiến giải của Giáo sư Hàn thì xây dựng một xã hội khá giả toàn diện để làm nền tảng cho công cuộc hiện đại hóa và phục hưng Trung Quốc; cải cách sâu sắc toàn diện là để tạo lực đẩy đi tới; nền pháp trị toàn diện để đảm bảo quản trị Nhà nước một cách hiệu quả; Thi hành kỷ luật Đảng toàn diện là để đảm bảo cho khả năng lãnh đạo của Đảng.


Một nội dung quan trọng khác của học thuyết này là xây dựng quân đội Trung Quốc hùng mạnh để đối phó với “sự chống đối của các cường quốc khác trước sự trỗi dậy của Trung Quốc” mặc dù, theo ông Hàn, triết lý ngoại giao của Trung Quốc vẫn trung thành với nguyên tắc tạo môi trường hòa bình để phát triển.


“Mặc dù Trung Quốc muốn duy trì hòa bình và thực hiện chính sách phòng vệ nhưng vẫn cần phải có một quân đội hùng mạnh để bảo vệ mình trước những thách thức phức tạp. Đó là lý do tại sao quân đội hùng mạnh là một nội dung cần thiết của Giấc mộng Trung Hoa,” ông Hàn Khánh Tường viết.


Ông Hàn cũng nói rõ rằng “Trung Quốc Mộng” là cho cả tất cả mọi người dân Trung Quốc bao gồm những người ở Hong Kong, Macao và Đài Loan.


Trong khi đó, trong một dấu hiệu cho thấy tư tưởng của ông Tập sẽ được Đại hội Đảng tôn vinh, Tân Hoa Xã đã dẫn lời những lãnh đạo cao cấp Trung Quốc ca ngợi học thuyết này.


“Tư tưởng này chính là điểm nhấn quan trọng nhất của Đại hội Đảng lần thứ 19 và là đóng góp lịch sử vào sự phát triển của Đảng,” ông Trương Đức Giang, Chủ tịch Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc, nhân vật số ba trong bộ máy lãnh đạo Trung Quốc, được dẫn lời nói tại một phiên thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Khu tự trị Nội Mông bên lề Đại hội.


Về phần mình, ông Du Chính Thanh, Chủ tịch Chính hiệp, nhân vật lãnh đạo xếp hàng thứ tư, nói rằng Tư tưởng Tập là “thành tựu mới nhất trong quá trình áp dụng chủ nghĩa Mác vào hoàn cảnh Trung Quốc và nó là một cấu phần quan trọng trong hệ thống học thuyết về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.”


Còn ông Lưu Vân Sơn, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và là nhân vật số năm trong Đảng, nói rằng việc đưa Tư tưởng Tập vào Điều lệ Đảng có “ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, lý luận và thực tiễn” và kêu gọi toàn Đảng “nghiêm túc học tập”.