Nghiêm minh đến thế là… cùng!
Ủy ban Kiểm tra của Tỉnh uỷ Sóc Trăng vừa công bố quyết định “cảnh cáo” đảng viên Thái Văn Đợi, đại tá, Phó Giám đốc kiêm Thủ trưởng Cơ quan Điều tra của công an tỉnh này vì “có nhiều sai phạm trong công tác”.
Hiện chưa rõ đại tá Đợi có bị ngành công an kỷ luật hay không vì Bộ Công an chưa lên tiếng. Ba năm vừa qua, Bộ Công an chưa đụng tới đại tá Đợi.
Dẫu đại tá Đợi đã được xác định là một trong những nhân vật chính gây ra ít nhất ba oan án, khiến hàng chục công dân bị tống giam, bị tra tấn tàn bạo tới mức không làm gì cũng vẫn “cúi đầu thừa nhận” đã “giết người” nhưng chuyện Tỉnh ủy Sóc Trăng mất tới ba năm “nâng lên, đặt xuống” trường hợp của Đại tá Đợi là… bình thường. Kỷ luật những đảng viên như ông Đợi lúc nào cũng phải… “thận trọng, khách quan”.
***
Tháng 4 năm 2014, Viện Kiểm sát tỉnh Sóc Trăng trả tự do cho: Trần Hol, Trần Cua, Trần Văn Đỡ, Thạch Sô Phách, Thạch Mươl, Khâu Sóc và Nguyễn Thị Bé Diễm.
Hol, Cua, Đỡ, Phách, Mươl, Sóc bị bắt vì nghi ngờ giết ông Lý Văn Dũng - một người chạy xe ôm, ngụ tại xã Đại Ân, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng hồi tháng 7 năm 2013. Sau đó cả sáu cùng… thú nhận đã tổ chức giết ông Dũng vì giữa Hol và ông Dũng có hiềm khích cá nhân. Trong quá trình điều tra vụ ông Dũng bị giết, Cơ quan Điều tra của Công an tỉnh Sóc Trăng còn bắt Nguyễn Thị Bé Diễm – bạn gái của Đỡ vì “không tố giác tội phạm”.
Sau khi nhóm điều tra vụ án Trần Hol và đồng phạm “giết người” hoàn tất “Kết luận điều tra”, họ được lãnh đạo Công an tỉnh Sóc Trăng tặng bằng khen và trong khi cả nhóm đang chờ nhận hiện kim là tiền thưởng “thành tích phá án” thì vụ án bị lộn ngược…
Tháng 12 năm 2013, cô Lê Thị Mỹ Duyên, ngụ tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, đến Công an phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, Sài Gòn, đầu thú vì đã tham gia giết ông Dũng. Theo lời cô Duyên, cô đã cùng cô Nguyễn Kim Xuyến, ngụ tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, giết ông Dũng để cướp tài sản nhưng vụ cướp bất thành, cả hai rời Sóc Trăng lên Sài Gòn. Tại Sài Gòn, cô Xuyến có quan hệ tình cảm với người khác. Cô Duyên ra đầu thú với hy vọng cả hai có thể ở bên nhau đến trọn đời trong… tù.
Trước tình tiết bất ngờ này, hệ thống tư pháp Việt Nam buộc phải xem lại toàn bộ vụ án mạng mà ông Dũng là nạn nhân. Cuối cùng, hệ thống tư pháp Việt Nam thừa nhận, cô Xuyến và cô Duyên đúng là thủ phạm. Cả Hol, Cua, Đỡ, Phách, Mươl, Sóc, lẫn Diễm… bị bắt oan. Đến lúc đó, công chúng mới thắc mắc: Tại sao không “giết người” mà cả bảy lại “cúi đầu nhận tội”? Sau khi được trả tự do, chỉ có ba trong bảy nạn nhân dám kể với báo giới, rằng lúc đầu họ một mực kêu oan nhưng vì các điều tra viên dùng còng treo họ lên cửa sổ, rồi dùng tay, dùi cui, đánh họ, thậm chí còn dùng khăn bàn, bọc nước đá vào hạ bộ các nạn nhân,… không chịu nổi đau đớn và sợ sớm uổng mạng, họ đành… khai theo hướng dẫn của các điều tra viên!
Cũng theo báo chí Việt Nam, cả bảy nạn nhân không chỉ bị mất tự do trong sáu tháng. Nhiều người trong số họ còn phải ôm những nỗi đau khác cho đến hết đời. Một trong các nạn nhân - Thạch Sô Phách kể rằng, chỉ ít ngày trước khi anh được trả tự do, vợ anh đã bỏ con lại cho mẹ anh nuôi và đi theo người khác – “giết người” với hàng loạt tình tiết tăng nặng “có tổ chức”, “động cơ đê hèn” không tử hình, chung thân thì cũng bị phạt hàng chục năm tù, vợ Phách không đủ nhẫn nại nuôi con chờ chồng. Trần Văn Đỡ thì ngậm ngùi cho mối tình giữa anh với Nguyễn Thị Bé Diễm – cô không tha thứ khi anh nghe lời các điều tra viên, khai rằng cô biết “kế hoạch giết người” mà không tố cáo, htmlhttp://tuoitre.vn/tro-ve-sau-hon-7- ... 596388.htm" target="_blank">khiến cô vướng vòng lao lý một cách oan uổng…
Có thể vì không hiểu rằng, tìm được một người “không tố giác tội phạm” sẽ khiến cáo buộc “giết người” trở thành vững như bàn thạch nên Bé Diễm không thông cảm cho Đỡ. Cơ quan Điều tra của Công an tỉnh Sóc Trăng hơn hẳn Bé Diễm, vụ “giết người” nào mà họ điều tra cũng có người bị đề nghị truy tố vì “không tố giác tội phạm”!
Hồi tháng 8 năm 2012, ông Lâm Tài Mấu ngụ tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng bị chết do có người đánh vào đầu. Cơ quan Điều tra của Công an tỉnh Sóc Trăng bắt ông Phạm Văn Lé, xác định ông là thủ phạm vụ án mạng này. Ngoài ông Lé, Cơ quan Điều tra của Công an tỉnh Sóc Trăng còn bắt vợ ông Lé là bà Thạch Thị Xem và em ông Lé là ông Phạm Văn Lến (một người bị bệnh tâm thần) vì “không tố giác tội phạm”. Không may cho Cơ quan Điều tra của Công an tỉnh Sóc Trăng là khi Tòa đưa cả ba ra xử, các “nhân chứng” cùng khẳng định, họ bị các điều tra viên dọa sẽ khởi tố vì “không tố giác tội phạm” nên họ buộc phải làm chứng gian chứ họ không hề chứng kiến sự việc. Ông Lé thì liên tục kêu oan, giải thích sở dĩ ông nhận tội là do bị tra tấn. Các luật sư bào chữa cho ông Lé và bảo vệ quyền lợi cho ông Mấu (người bị đánh chết) đều cùng cho rằng, Kết luận điều tra của Công an Sóc Trăng, Cáo trạng của Viện Kiểm sát Sóc Trăng có nhiều điểm phi lý, mâu thuẫn.
Tòa án tỉnh Sóc Trăng đã đưa vụ ông Lé “giết người” ra xử ba lần nhưng cả ba lần đều hoãn xử nửa chừng vì những điểm phi lý và mâu thuẫn đó. Năm 2013, Công an Sóc Trăng và Viện Kiểm sát Sóc Trăng lần lượt ban hành các quyết định tạm đình chỉ vụ án, hủy bỏ quyết định tạm giam rồi “tạm tha” ông Lé, ông Lến...
***
Trước sự phẫn nộ của công chúng đối với vụ bảy thanh niên không giết người vẫn cúi đầu nhận tội, hồi tháng 6 năm 2014, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng đã quyết định cách chức, giáng cấp năm sĩ quan cấp tá, ba sĩ quan cấp úy. Đại tá Đợi phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm, dù ở Sóc Trăng không chỉ có hai oan án như vừa kể. Chừng đó dẫu đã đủ chứng tỏ sự nghiêm minh của hệ thống bảo vệ pháp luật nhưng lại có nhiều người không ưng. Thư tố cáo đại tá Đợi như bươm bướm bay lượn nhiều nơi. Cực chẳng đã, Ủy ban Kiểm tra của Tỉnh ủy Sóc Trăng phải nhập cuộc. Ngoài việc xác định đảng viên Thái Văn Đợi liên đới trách nhiệm về các oan án mà thuộc cấp của ông đã gây ra, trong quyết định “cảnh cáo” đảng viên Thái Văn Đợi, Ủy ban Kiểm tra của Tỉnh uỷ Sóc Trăng giải thích thêm rằng, họ quyết định như thế còn vì ông Đợi đã “mượn đất” của Công ty Chế biến thực phẩm Phương Nam.
Công ty Chế biến thực phẩm Phương Nam - một trong những doanh nghiệp từng dẫn đầu lĩnh vực xuất cảng thủy sản ở Việt Nam đột nhiên vỡ nợ năm 2013. Tuy nhiên khoản nợ 1.600 tỉ của công ty này đã có năm ngân hàng chia nhau gánh vác, bởi gia đình ông Lâm Ngọc Khuân – chủ Công ty Chế biến thực phẩm Phương Nam - đột nhiên mất tích. Năm 2015, hai thuộc cấp của ông Khuân và 25 viên chức ngân hàng dắt nhau vào tù, thay ông Khuân gánh hậu quả của vụ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ủy ban Kiểm tra của Tỉnh uỷ Sóc Trăng không cho biết đại tá Đợi “mượn đất” của Công ty Chế biến thực phẩm Phương Nam vào thời điểm nào? Chuyện “mượn đất” của một Phó Giám đốc kiêm Thủ trưởng Cơ quan Điều tra Công an một tỉnh đó có ảnh hưởng gì đến việc phát giác - ngăn chặn một trong mười vụ mà Ban Chỉ đạo Phòng – CHống tham nhũng của Việt Nam xác định là “đại án tham nhũng” hay không? Thế nhưng nâng hình thức kỷ luật từ “kiểm điểm, rút kinh nghiệm” thành “cảnh cáo” rõ ràng là… nghiêm minh hơn rồi.
Cũng vì vậy, theo Ủy ban Kiểm tra của Tỉnh uỷ Sóc Trăng, đại tá Đợi cho biết sẽ khiếu nại vì “cảnh cáo” là… quá nặng!