Công an Hà Nội gửi thư kêu gọi người dân Đồng Tâm ‘tự thú và
Công an thành phố Hà Nội đã gửi thư kêu gọi người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức “tự thú và đầu thú” về điều được mô tả là hành vi hủy hoại tài sản và bắt giữ người trái pháp luật diễn ra vào tháng 4, khơi lên phản ứng mạnh mẽ từ người dân địa phương liên quan tới vụ tranh chấp đất đai thu hút nhiều sự chú ý.
Báo Công an Nhân dân đưa tin bức thư được cơ quan cảnh sát điều tra công bố vào ngày 13 tháng 10 và báo Tuổi Trẻ dẫn lời một phó trưởng thôn Hoành cho biết nội dung thư trên đã được đọc trên loa phát thanh của xã Đồng Tâm từ ngày 11 tháng 10.
“Trong cuộc sống, đôi khi vì sai lầm trong nhận thức, hành động có thể làm cho cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật thậm chí phạm tội,” bức thư nói trong lời mở đầu.
“Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội và Viện kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội viết Thư này, đề nghị các cá nhân đã tham gia vào việc hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, bắt, giam hoặc giữ người trái pháp luật trên địa bàn thôn Hoành, xã Đồng Tâm, TP Hà Nội, từ ngày 15 đến ngày 22 tháng 4 không bỏ lỡ cơ hội để được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, hãy dũng cảm, đối mặt với sự thật, nhanh chóng đến Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, Viện kiểm sát Nhân dân TPP Hà Nội… hoặc chính quyền, cơ quan Công an nơi gần nhất để tự thú, đầu thú, khai báo, góp phần khắc phục hậu quả đã gây ra.”
Bức thư cũng cảnh báo “người che giấu, cản trở người có hành vi vi phạm pháp luật tự thú, đầu thú sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật” và kết thúc với lời nhắc nhở người dân “cần bày tỏ thái độ ứng xử trên tinh thần thượng tôn pháp luật” nếu có bất đồng để tránh những vụ việc “đáng tiếc” như đã xảy ra.
Phản ứng về bức thứ này, ông Lê Đình Kình, 82 tuổi, một trong những gương mặt tiêu biểu nhất cho tiếng nói phản kháng của người dân Đồng Tâm, khẳng định trong một cuộc phỏng vấn với VTC hôm thứ Bảy và được một người dân phát trực tuyến qua Facebook rằng người dân Đồng Tâm không có tội và đất nông nghiệp của họ đã bị chiếm đoạt để giao cho tập đoàn viễn thông quân đội Viettel.
“Quan điểm của tôi là dân Đồng Tâm không sợ, chúng tôi sẵn sàng hy sinh để bảo vệ quyền lợi của mình,” ông Kình nói. “Chính là thành phố Hà Nội, chính là huyện Mỹ Đức, chính là ông chủ tịch xã Đồng Tâm gây nên cái bức xúc đó, đẩy người ta đến đường cùng.”
Hồi giữa tháng 4, khi chính quyền Hà Nội tìm cách thu hồi đất ở xã Đồng Tâm, người dân đã chống trả, giữ lại 20 nhân viên cảnh sát, và “đóng cửa” làng trong nhiều ngày. Sau một tuần, người dân xã đã thả số người bị cầm giữ khi chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết bằng văn bản không truy tố người dân.
Tuy nhiên, đầu tháng 6, công an thành phố đã khởi tố vụ án hình sự về việc dân Đồng Tâm giữ người nhà nước. Ông Chung bị nhiều người lên án “phá vỡ cam kết.”
Vào tháng 8, công an Hà Nội đã gửi giấy triệu tập hơn 70 người dân xã Đồng Tâm, trong đó có ông Kình, để làm rõ về vụ “bắt người trái phép” và “gây rối trật tự công cộng” xảy ra ở xã hồi giữa tháng 4.
Ông Bùi Văn Kỷ, một người dân Đồng Tâm được VTC phỏng vấn hôm 14 tháng 10 nói rằng “nguyện vọng tha thiết” của người dân là được giải quyết tranh chấp về mặt hành chính và họ sẵn sàng làm việc với tất cả các cấp chính quyền để đạt được điều này.
“Chúng tôi không muốn cán bộ nào làm sai phải bị kỷ luật cả, không muốn truy tố bất cứ ai, chỉ mong muốn thiết tha rằng cái đất 59 hecta này của chúng tôi cứ trả lại cho chúng tôi canh tác để lấy bát cơm mà ăn thôi,” ông nói.