Vì sao Việt Nam chịu tác động lớn nhất trong xung đột Triều

PostWed Oct 04, 2017 8:27 pm

VOA - Arts and Entertainment


Moody’s dự báo nếu xảy ra xung đột quân sự ở bán đảo Triều Tiên, tác động của nó sẽ rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam, thông qua tương tác với nền kinh tế Hàn Quốc.


Trong báo cáo vừa công bố hôm 3/10, tổ chức đánh giá tín nhiệm nổi tiếng Moody's nói Việt Nam và Nhật Bản sẽ là những quốc gia bên ngoài chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về tín nhiệm quốc gia nếu xảy ra xung đột. Nguy cơ này đang ngày càng tăng cao cùng với những lời lẽ đe dọa gay gắt từ các bên liên quan trong xung đột.


Theo báo cáo, cứ 10% sụt giảm GDP của Hàn Quốc sẽ kéo theo khoảng 0.7%-1.0% sụt giảm GDP của Việt Nam.


Chuyên gia Anushka Shah của Trung tâm Dịch vụ Đầu tư Moody’s tại Singapore cho VOA biết báo cáo đã xem xét đến nhiều yếu tố để đưa ra kết luận trên, bao gồm trong 3 khía cạnh quan trọng: Sức mạnh kinh tế, sức mạnh tài chính và độ nhạy cảm đối với rủi ro.


Giảm xuất khẩu


Cụ thể, lĩnh vực đầu tiên bị ảnh hưởng bởi xung đột là xuất khẩu của Việt Nam. Bà Anushka Shah nói: “Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu phi hàng hóa nhiều nhất vào Hàn Quốc, chiếm tới gần 6% GDP. Đây rõ ràng là yếu tố trực tiếp có thể làm giảm tiêu thụ nội địa cũng như đầu tư”.


Báo cáo của Moody’s cũng chỉ ra rằng trang thiết bị, máy móc điện tử chiếm tới hơn 1/3 xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc, kế đó là quần áo và các vật liệu cho quần áo (chiếm 14%).


“Khi chúng tôi xem xét về xuất khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam, lĩnh vực máy móc điện tử, trang thiết bị là rất quan trọng. Tiếp đến là quần áo và các mặt hàng trung gian như các sản phẩm công nghệ thông tin là những lĩnh vực chính sẽ chịu tác động nặng”, theo bà Anushka Shah.


Một yếu tố khác, kinh tế Việt Nam tương tác với nhiều quốc gia có liên quan trong xung đột như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, dẫn đến nguy cơ chịu tác động bất lợi từ những tổn thất kinh tế của các nước này. Theo báo cáo, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ chiếm khoảng 19% GDP của Việt Nam, vào Trung Quốc chiếm khoảng 11% và vào Nhật chiếm khoảng 7% GDP.


Gián đoạn cung ứng


Việc gián đoạn cung ứng của Hàn Quốc sẽ có tác động xấu lên kinh tế Việt Nam. Báo cáo của Moody’s nói Việt Nam là quốc gia “dễ tổn thương nhất” đối với bất kỳ sự gián đoạn cung ứng toàn cầu nào từ Hàn Quốc.


Có đến 20% sản phẩm trung gian của Việt Nam được nhập từ Hàn Quốc. Báo cáo dẫn nguồn từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết trong nửa đầu năm 2017, sản phẩm công nghệ thông tin và linh kiện là những sản phẩm chủ yếu mà Việt Nam nhập vào từ Hàn Quốc. Nếu bị gián đoạn nguồn cung ứng, Việt Nam có nguy cơ cao chịu tác động thứ cấp đối với thương mại và sản xuất nội địa.


Sụt giảm FDI


Chuyên gia của Moody’s nói nguồn đầu tư nước ngoài (FDI) giảm từ Hàn Quốc cũng sẽ có tác động lớn đến kinh tế Việt Nam, vốn dựa khá nhiều vào nguồn vốn này.


FDI rất quan trọng đối với Việt Nam khi đánh giá về độ tín nhiệm. Cho đến nay, FDI của Việt Nam khá mạnh. Nhưng có đến 25% FDI đến từ Hàn Quốc nên nếu có xung đột xảy ra, chắc chắc đây sẽ là khu vực bị ảnh hưởng nặng”.


Theo bà Anuska Shah, sở dĩ Việt Nam chịu tác động nặng nhất vì giới hạn về “sức mạnh tài chính”. Bà giải thích: “Hồng Kông, Singapore, Đài Loan cũng đều chịu tác động vì họ có nhiều tương tác với các bên. Nhưng họ lại có độ tín nhiệm cao hơn Việt Nam bởi vì họ có được vùng đệm tài chính lớn, điều mà Việt Nam không có. Chẳng hạn về mặt tài chính, Việt Nam gần như không có tốc độ tài chính vì nợ công quá lớn. Vì vậy, tôi cho rằng khả năng về chính sách để có thể đối phó với xung đột là rất giới hạn”.


Năm 2016, tổng nợ của chính phủ Việt Nam chiếm đến 52,6% GDP. Đặc biệt, với mức nợ công chiếm đến 63,5% GDP, báo cáo của Moody’s nói các nhà làm chính sách của Việt Nam sẽ phải đối diện với "những thử thách đáng kể" trong việc hoạch định một kế hoạch “giảm xóc” và đối phó với cú sốc kinh tế khi xảy ra xung đột.

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Văn Nghệ Và Điện Ảnh - Arts and Entertainment

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1050 guests

cron