Việt Nam tiến dần đến nền kinh tế không tiền mặt

PostFri Sep 15, 2017 5:31 pm

VOA - Arts and Entertainment


Các giao dịch ngân hàng ở Việt Nam giờ đang diễn ra trên xe máy.


Đối với những người Việt Nam sống xa những chi nhánh ngân hàng thương mại, ngân hàng VietinBank huy động xe máy để nhân viên của họ có thể gặp khách hàng tại nơi họ sinh sống, cầm theo máy tính bảng.


Đó cũng là chiến lược của Ngân hàng Đông Á. Ngân hàng này điều một xe chở bốn máy rút tiền tự động tới đậu gần các nhà máy để người lao động dễ tiếp cận.


Khắp Việt Nam, mọi người đang chú ý tới lời kêu gọi "tài chính toàn diện" của chính phủ, một thuật ngữ phổ biến khắp toàn cầu để đưa các ngân hàng đến với quần chúng, và còn tốt hơn nữa nếu các giao dịch đều là kỹ thuật số. Hà Nội đã đề ra một số mục tiêu quốc gia cho năm 2020, bao gồm một mục tiêu đầy tham vọng là giảm tỉ lệ giao dịch dựa trên tiền mặt, xuống còn khoảng 10 phần trăm.


Mục tiêu này đi liền với những mục tiêu khác, như tăng số lượng thiết bị POS (điểm bán hàng) lên tới 300.000 và 70 phần trăm các khoản thanh toán điện nước được thực hiện bằng điện tử.


Nhưng hầu hết mọi người dường như nghĩ rằng đó sẽ là một mục tiêu khó đạt được và tiền mặt, đồng Việt Nam, vẫn sẽ thống trị.


"Tiền mặt sẽ không sớm biến mất ở Việt Nam," Lê Anh Dũng, giám đốc Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thừa nhận, ngay cả khi ông đang cổ súy một xã hội không dùng tiền mặt.


Dẫu vậy, Việt Nam đang nhìn thấy rất ít sự thay đổi rất rõ rệt trong việc số hóa nền kinh tế.


Ví dụ, để thanh toán hóa đơn điện nước, người Việt Nam từng chỉ có một lựa chọn là trả tiền mặt. Điều này có nghĩa là ghé qua bưu điện hoặc chờ nhân viên thu tiền tới bấm chuông. Nhưng giờ các cửa hàng tiện lợi từ 7-Eleven cho tới Circle K đã nở rộ khắp thành phố và đi kèm là sự bùng nổ các thiết bị POS chấp nhận thanh toán điện nước.


Nhược điểm của ngân hàng không chi nhánh


Nhưng nỗ lực hướng tới tài chính phức tạp hơn không hẳn là diễn ra suôn sẻ. Khách hàng lo lắng về tài khoản ngân hàng của họ có thể bị xâm nhập, giống như cách mà bọn trộm có thể moi tiền giấu trong những tấm nệm. Các chương trình cho phép nhân viên vay tiền trừ vào tiền lương của họ để mua điện thoại hoặc tủ lạnh có nguy cơ nuôi dưỡng một nền văn hóa mượn nợ và chủ nghĩa tiêu thụ. Và người dân vẫn chậm sử dụng các công cụ ngân hàng không chi nhánh như các loại ví điện tử Moca, MoMo, và Payoo, là những dịch vụ thanh toán của Việt Nam tương tự như PayPal.


"Vào thời điểm này, ví di động thực sự đã cất cánh - về mặt định chế," nhưng vẫn chưa phổ biến lắm với người tiêu dùng, theo lời ông Kalidas Ghose, Giám đốc Điều hành của công ty tài chính tiêu dùng FE Credit, phát biểu tại hội thảo thương mại điện tử Seamless tại thành phố Hồ Chí Minh vào tuần trước.


Tại hội thảo, ông Dũng đã ca ngợi những cải tiến của các thương hiệu toàn cầu như việc sử dụng mã QR của Alibaba, lựa chọn thanh toán kích chuột một lần của Amazon, và các giao dịch "vô hình" của Uber, nghĩa là người dùng không phải động ngón tay, ứng dụng tự tính phí ngay sau mỗi cuốc xe. Điểm chung của cả ba cải tiến này là chúng biến việc thanh toán của khách hàng trở nên gần như chẳng mất công sức.


Dù vậy, Uber là một phản ví dụ cho thấy một doanh nghiệp nước ngoài thích ứng với sự lệ thuộc của người dân địa phương vào tiền mặt ở Việt Nam. Việt Nam là một trong số ít nước mà công ty có trụ sở tại San Francisco này cho phép người đi nhờ xe thanh toán bằng tiền mặt.


Tương tự như vậy, Google cho phép người sử dụng ở một số nơi, kể cả Việt Nam, mua hàng trong Google Play qua tín dụng điện thoại của họ.


Đây là những cách đi đường vòng để giữ chân những khách hàng không có thẻ ghi nợ, và chúng cho thấy sự chuyển tiếp mà các xã hội trải qua trên con tiến tới nền kinh tế không tiền mặt.


Đối với Việt Nam, sự chuyển tiếp diễn ra trên nhiều phương diện.


Sự phát triển tài chính của Việt Nam


Khoảng một thập niên trước, hầu hết các doanh nghiệp trả lương cho nhân viên bằng tiền mặt. Sau đó, các nhà hoạch định chính sách và các ngân hàng vận động để biến quy trình đó thành tiền gửi trực tiếp.


"Chúng tôi gặp phải những thách thức to lớn bởi vì mọi người đều muốn nhận lương bằng tiền mặt và nghĩ rằng xài thẻ thì phiền phức," phó giám đốc điều hành Ngân hàng Đông Á Nguyễn An cho biết. Nhưng ngân hàng đã hợp tác với các chủ lao động và các nhà lãnh đạo công đoàn để thay đổi suy nghĩ của người dân.


Rồi bán lẻ trực tuyến nở rộ. Thị trường thương mại điện tử của Việt Nam có giá trị 400.000 đôla vào năm 2015 nhưng sẽ tăng lên 7.5 tỉ đôla vào năm 2025, theo một báo cáo từ Google và Temasek, quỹ đầu tư quốc gia ở Singapore.


Các quan chức vui mừng khi thấy ngày càng nhiều người làm quen với Internet, nhưng những giao dịch không hoàn toàn có tính kỹ thuật số như mong đợi: 89 phần trăm người mua sắm trực tuyến ở Việt Nam sử dụng tiền mặt lúc giao hàng, theo lời ông Dũng. Ông muốn thêm nhiều người mua sắm thanh toán bằng thẻ hoặc bằng việc chuyển khoản.


Bước tiếp theo trong sự phát triển tài chính của Việt Nam là kế hoạch số hóa các dịch vụ công cộng, để người Việt Nam có thể thanh toán bằng điện tử phí bệnh viện, phí đường bộ, học phí và các khoản phí khác.


Sau đó, dự đoán người dân địa phương sẽ sử dụng nhiều hơn công nghệ blockchain, một hệ thống sổ sách ảo đứng đằng sau bitcoin. Nicole Nguyen, giám đốc tiếp thị tại Infinity Blockchain Labs, hy vọng Việt Nam sẽ tìm thấy những ứng dụng cho nông nghiệp, internet của mọi thứ, và công nghệ tài chính.


"Chúng tôi nghĩ rằng đây là ba lĩnh vực mà công nghệ blockchain có thể phát triển mạnh trong vài năm tới," cô nói.


Hiện tại, các ngân hàng lưu động sẽ tiếp tục rong ruổi khắp các thành phố của Việt Nam, tìm kiếm khách hàng.

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Văn Nghệ Và Điện Ảnh - Arts and Entertainment

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1050 guests

cron