Tự thú tập thể: Tiếp nhận hay không?
Trân Văn
Cuối tuần vừa qua, những từ dùng để thóa mạ như “khốn nạn”, “súc vật”, đột nhiên tăng vọt trên các trang web, diễn đàn điện tử, facebook Việt ngữ. Sở dĩ chỉ chọn “khốn nạn” và “súc vật” để minh họa cho diễn biến này không phải vì chúng được dùng nhiều nhất mà chỉ vì dễ trích dẫn nhất. Những từ có tính chất thóa mạ khác, tuy mức độ có phần nhỉnh hơn nhưng vì quá… bình dân, không thể trưng dẫn do vẫn được xem là… không hợp cách đối với truyền thông.
Lý do thóa mạ bùng lên như bão là vì người ta được xem “Danh sách Golfer tham gia giao lưu golf nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Bộ Tài nguyên – Môi trường”. Ảnh chụp danh sách cho thấy có ít nhất 40 viên chức đương nhiệm hoặc đã nghỉ hưu là lãnh đạo Bộ Tài nguyên – Môi trường, viên chức chủ chốt của các đơn vị trực thuộc bộ này như: Khối Văn phòng, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Đất đai, Tổng cục Địa chất - Khoáng sản, Tổng cục Biển – Hải đảo, Viện Chiến lược, hẹn hò “giao lưu” ở sân Golf Legend Hill (Phù Linh, Sóc Sơn), cách trung tâm Hà Nội khoảng 35 cây số.
Có vài điểm đáng chú ý là khi được bạch hóa, hai trang giấy liên quan đến chuyện “giao lưu golf” cho thấy, chi phí lên tới 293 triệu. Bộ Tài nguyên – Môi trường, cơ quan vừa là tham mưu cho Thủ tướng Việt Nam về những vấn đề có liên quan tới tài nguyên, môi trường, vừa thay mặt chính phủ Việt Nam quản lý hai lĩnh vực này trên toàn Việt Nam, tỏ ra rất “vô tư”, chẳng đắn đo chút nào trong việc ngửa tay nhận 130 triệu “tài trợ” của hai “nơi”. Chưa hết, theo Ban Tổ chức, nếu không còn “nơi” nào “tài trợ” thì “các đơn vị” phải đóng góp. Bởi “các đơn vị” hoạt động bằng ngân sách, tiền đóng góp cho giới lãnh đạo “giao lưu” với nhau tất nhiên sẽ là… công quỹ!
“Danh sách Golfer tham gia giao lưu golf nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Bộ Tài nguyên – Môi trường” được đưa lên Internet đúng vào lúc dân chúng các tỉnh khu vực Tây Bắc lâm vào cảnh màn trời, chiếu đất, trắng tay vì lụt, lũ, sạt lở, số liệu người chết, mất tích, thiệt hại tài sản được cập nhật liên tục, càng ngày càng lớn… Đó là lý do Phan Minh Hùng nhận định, những viên chức trong danh sách là: “Lũ khốn nạn tự nhận làm đầy tớ của dân”. Tjen Văn Văn thì than: “Khốn nạn khi mà dân phải còng lưng đóng thuế cao sưu nặng nuôi đám báo cô này”. Văn Thịnh Hà nhấn mạnh, sự “khốn nạn” đó làm ông “uất hận lũ tham ngu nhâng nhâng lấy tiền dân ăn chơi phè phỡn”. Dung Le góp thêm: “Đó là bọn bất nhân, vô sỉ”, rồi tự hỏi: “Không biết chúng có phải do con người sinh ra hay không?”. Quyen Luu gọi 40 người trong “danh sách golfer” là “quái thai”. Có facebooker như Luu Quoc Thai dùng photoshop, sửa bia trong tấm ảnh chụp một ngôi mộ thành “bia căm thù” những viên chức mà facebooker này gọi là “súc vật”…
Tuy là ngày nghỉ nhưng chiều thứ bảy 5 tháng 8, ông Tăng Thế Cường, Chánh Văn phòng Bộ Tài nguyên – Môi trường, đồng thời cũng là golfer đứng đầu “Khối văn phòng Bộ Tài nguyên – Môi trường” trong “danh sách Golfer tham dự giao lưu golf” vội vàng loan báo với báo giới rằng, cuộc giao lưu đã bị hủy. Rằng, nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Bộ Tài nguyên – Môi trường, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng, vừa “phát động cán bộ trong ngành quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng do mưa lũ” và thu được 160 triệu đồng. Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng đã quyết định “tạm ứng một tỉ đồng để cứu trợ đồng bào bị mưa lũ ở hai tỉnh Sơn La và Yên Bái”.
Rõ ràng công chúng đã buộc “Golfer” Trần Hồng Hà buông gậy golf, bỏ “giao lưu” vội vàng dẫn một đoàn đến Yên Bái...
***
Dẫu các cơ quan truyền thông tại Việt Nam đồng loạt đưa tin Bộ Tài nguyên – Môi trường đã hủy cuộc giao lưu bằng golf, đã vội vàng đến Yên Bái, Sơn La ủy lạo nạn dân song các động tác này không che được bản chất “giải độc dư luận”. Lê Ngọc – một độc giả của tờ Người Lao Động để lại bên dưới tin vừa kể lời than: “Hoãn đánh goft để lo cho nhân dân vùng lũ! Nghe thật nhân văn nhưng cảm thấy chua xót làm sao!”. Tương tự, độc giả Phùng Mạnh của tờ Tuổi Trẻ đặt vấn đề, một tỉ đồng mà Bộ Tài nguyên – Môi trường tạm ứng để cứu trợ “có phải là ngân sách Nhà nước không (?), nếu đúng thì tại sao Bô Tài nguyên – Môi trường có thể tự quyết được”. Theo Phùng Mạnh thì “có gì đó không ổn, nếu gọi là quỹ môi trường thì quỹ đó ở đâu ra?”.
Trên facebook, các facebooker thẳng thắn hơn. Đặng Thúy Loan gọi chuyện hủy giao lưu golf, đi cứu trợ là “làm màu”. Theo cô, khi “cái mặt như đống xỉ thải Nhiệt điện Vĩnh Tân thì làm sao nhìn thấy những điều tốt đẹp được”. Thế Trần nhận định, hành động của Bộ Tài nguyên – Môi trường (hủy giao lưu golf, cứu trợ nạn dân) là “đánh bóng để che cái xấu”, khác xa với “gỗ tốt không cần nước sơn”.
Có một điểm mà cả facebooker lẫn độc giả nhiều tờ báo ở Việt Nam cùng nêu ra nhưng cả Bộ Tài nguyên – Môi trường lẫn các cơ quan hữu trách về phòng chống tham nhũng ở Việt Nam chưa bao giờ thấy cần minh bạch hóa là tiền ở đâu để các viên chức Việt Nam từ trung ương đến địa phương thi nhau chơi golf?
Theo Việt Nam Golf Magazine, tại Việt Nam, nếu chơi golf 6 lần/tháng, mỗi người sẽ phải chi tối thiếu 5.000 Mỹ kim/năm cho quần áo, giày, banh, một số dịch vụ phải dùng khi chơi. Chưa kể chi phí cho việc học chơi golf (khoảng 500.000 đồng/giờ nếu học với huấn luyện viên người Việt, 45 Mỹ kim đến 65 Mỹ kim/giờ nếu học với huấn luyện viên ngoại quốc), chi phí mua bộ gậy đánh golf...
Dân chơi golf dùng “handicap” của một cá nhân để xác định khả năng của người đó trong chuyện đánh golf. “Handicap” của một người chơi golf là chỉ số được tính toán từ kết quả cao nhất của 10/20 trận golf gần nhất mà người đó đã chơi. “Handicap” được chia thành bốn nhóm: Xuất sắc (có “handicap” dưới 0). Khá (có “handicap” dưới 10), Trung bình (có “handicap” từ 10 đến 28). Xoàng (có “handicap” trên 28).
“Danh sách Golfer tham gia giao lưu golf nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Bộ Tài nguyên – Môi trường” cho thấy, chỉ có 16/40 viên chức thuộc loại “xoàng”, 24 viên chức còn lại thuộc loại “trung bình”. Chắc chắn họ đã chơi golf từ rất lâu. Thu nhập chính thức của các viên chức không cao. Thế tiền ở đâu để họ đeo đuổi môn thể thao mà ai cũng biết là chỉ dành cho giới nhà giàu này?
Đó cũng là lý do độc giả Phan Tung Giang của tờ Tuổi Trẻ bình phẩm về tấm ảnh chụp các viên chức Bộ Tài nguyên – Môi trường đang bỏ tiền vào thùng quyên góp cứu trợ nạn dân: “Các bác mà lấy tiền đóng cho sân golf bỏ vào thùng quyên góp thì chắc phải cần thùng to gấp ba”.
Nhiều năm nay, giới lãnh đạo hệ thống chính trị tại Việt Nam liên tục kêu gọi dân chúng tham gia phòng – chống tham nhũng. Xét về nhiều mặt thì “Danh sách Golfer tham gia giao lưu golf nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Bộ Tài nguyên – Môi trường” chính là một hình thức “tự thú trước bình minh”. Theo bạn thì giới lãnh đạo hệ thống chính trị tại Việt Nam có tiếp nhận – xử lý vụ tự thú tập thể này không?