Malaysia thận trọng hơn trong tranh chấp Biển Đông
Trong khi Philippines và Việt Nam lớn tiếng đề cập tới các vụ tranh chấp biển đảo với Trung Quốc trong thời gian qua, Malaysia tỏ ra tự chế hơn khi khẳng định chủ quyền lãnh thổ của mình, cho tới bây giờ.
Trong một bài diễn văn hùng hồn đọc trước quốc hội Malaysia trong tuần này, Ngoại trưởng Anifah Aman tuyên bố Kuala Lumpur không công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong phạm vi “đường chín đoạn’ mà Bắc Kinh vạch ra để đòi chủ quyền trên nhiều vùng lãnh hải rộng lớn trong Biển Đông, với lý do tuyên bố của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Ông Anifah nói:
"Lập trường của Malaysia là không hề có tuyên bố chủ quyền chồng lấn hoặc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên biển Đông. Tất cả các thực thể địa lý trên biển trong phạm vi tài phán của Malaysia đều thuộc về Malaysia."
Ông Anifah nói rằng Malaysia "không thể duy trì vị thế trung lập" trong các vụ tranh chấp theo đó Malaysia đòi chủ quyền của hàng chục đảo, đá thuộc quần đảo Trường Sa trong Biển Đông, cũng như các bãi cạn khác trong khu vực tranh chấp.
Tuyên bố của ông Anifah tương phản với quan điểm của chính phủ Malaysia từ trước tới nay, là dùng những lời lẽ thận trọng về tham vọng của Trung Quốc trong vùng biển có tiềm năng kinh tế cao này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh sắp tới tổng tuyển cử vào tháng 8/2018, tuyên bố của ông Anifah đã khơi lên những đồ đoán cho rằng tuyên bố đó có mục đích xoa dịu giới chỉ trích ở trong nước, vốn tin rằng chính phủ của Thủ tướng Najib Razak đã xích lại quá gần và nhượng bộ Trung Quốc quá nhiều, thay vì là một thay đổi căn bản về mặt chính sách.
Kể từ năm 2009, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại và cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Malaysia. Năm ngoái, thương mại song phương vượt ngưỡng 50 tỷ USD, tăng 4,4% so với năm 2015.
Chính phủ của ông Najib nhận thức rõ rằng đầu tư của Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế đang gặp khó khăn của Malaysia, vốn bị tác động nghiêm trọng vì sự rớt giá dầu trên toàn thế giới cách đây hai năm.
Phần lớn các nước thành viên ASEAN hối thúc việc thực thi một "bộ Quy tắc Ứng xử trên biển năm 2002" cho các quốc gia có tranh chấp trên Biển Đông. Trung Quốc thường đã vận động các đồng minh trong khu vực như Campuchia chống đối kế hoạch này.
Tuy nhiên, Biển Đông không phải là rủi ro an ninh duy nhất mà Malaysia phải đối mặt. Tình hình an ninh phức tạp ở Trung Đông, kể cả ở Iraq và Syria, được cho là có tầm quan trọng chiến lược đối với Malaysia.
Theo các nhà phân tích an ninh, muốn tân trang lực lượng quân đội một cách toàn diện, Malaysia có thể cần tới sự hỗ trợ của Trung Quốc, và bị buộc phải chọn giữa các chuẩn bị đầy đủ để có thể đối phó với nguy cơ khủng bố gia tăng ở trong nước, hoặc là nguy cơ xảy ra xung đột trong tương lai với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Có một lý do khác có thể lý giải cho những tuyên bố chủ quyền yếu ớt của Malaysia tại Biển Đông: các hòn đảo tại đây không có giá trị chiến lược hoặc giá trị kinh tế tức thời đối với chính quyền Malaysia.
Các nước tuyên bố chủ quyền khác có thể muốn khai thác những vùng biển giàu tài nguyên dầu khí quanh các bãi đá và đảo trong vòng tranh chấp, nhưng Malaysia, nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn thứ hai Đông Nam Á và cũng là nước xuất khẩu khí đốt hoá lỏng lớn nhất thế giới hiện nay, nhận thức rằng họ đang đối mặt với một nền kinh tế toàn cầu dư thừa nhiên liệu.
Lối tiếp cận của Malaysia về vấn đề Biển Đông có thể được mô tả là "hãy chờ xem sao". Không muốn tác động tới đầu tư từ Trung Quốc, hoặc gây phẫn nộ cho một quốc gia đang giúp mình giải quyết mối khủng bố đang tăng trong khu vực, Malaysia sẽ phục vụ lợi ích của mình hơn nếu duy trì hoà bình, thay vì khuấy động tình hình tranh chấp hơn nữa.