66% doanh nghiệp ở Việt Nam phải trả chi phí ‘bôi trơn’ cho
Khoảng 66% doanh nghiệp tại Việt Nam phải trả phí bôi trơn cho quan chức địa phương, theo khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 vừa công bố tuần qua.
Ngoài ra, PCI cho biết 66% doanh nghiệp tại Việt Nam phải sử dụng các mối quan hệ để tiếp cận thông tin.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện hàng năm từ năm 2005.
Theo khảo sát năm 2016 của PCI, khoảng 66% doanh nghiệp tại tỉnh trả các chi phí không chính thức, đây là các khoản “bôi trơn” cho các quan chức chính quyền Việt Nam. Chi phí không chính thức của doanh nghiệp giai đoạn 2014-2016 chưa có dấu hiệu cải thiện, thậm chí xu hướng tiêu cực hơn so với giai đoạn 2008-2013.
Theo trang PCI, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI cho biết một môi trường kinh doanh thiếu minh bạch sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho việc nhũng nhiễu, tham nhũng. Kết quả PCI nhiều năm qua khẳng định điều này.
Anh Nhân Lưu, một thành viên của một công ty Hoa Kỳ chuyên tư vấn các dự án Viện trợ Phát triển Chính thức ODA, dự án của Ngân hàng Thế giới, và của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định về nạn bôi trơn:
“
Tôi nghĩ là đó là một thực tế mà không thể nào không xảy ra tại Việt Nam.
”
Khác với ý kiến của anh Nhân Lưu, chị Lương Thị Xuân, giám đốc công ty TNHH TM Thiết bị Công nghệ Gia Khương ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết doanh nghiệp của chị hầu như không phải trả chi phí bôi trơn, tuy nhiên vẫn chi trả các chi phí như ăn uống và quà Tết.
“Xuân là đại diện cho các hãng châu Âu, cho nên việc bôi trơn là không bao giờ xảy ra với Gia Khương. Gia Khương đại diện cho các hãng lớn của châu Âu và Mỹ cho nền mình giữ luật của họ tốt lắm. Riêng mình là như thế, những người khác thì mình không được rõ. Những việc như ăn uống thì bình thường. Mua quà Tết thì cũng bình thường. Ngoài ra, không phải bọi trơn gì cả. Có thể mình chưa làm dự án lớn nên mình chưa biết.”
Anh Nhân Lưu cho biết các tiêu chí khảo sát của PCI có rất nhiều điểm rất phù hợp với tình tình kinh doanh thực tế tại Việt Nam, tuy nhiên còn có một vài điểm nhỏ, PCI đặt câu hỏi chưa rõ về các yếu tố tế nhị trong dự án, “cho nên kết quả không hoàn toàn như mình mong muốn.”
Theo PCI, khoảng 9-11% doanh nghiệp tham gia điều tra từ năm 2014-2016 cho biết các khoản chi cho riêng mục chi phí không chính thức, hay còn gọi là “bôi trơn” chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp, cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn 5 năm trước đó.
Báo cáo viết: “56% doanh nghiệp đồng ý với nhận định rằng các cán bộ nhà nước sử dụng quyền giám sát việc tuân thủ pháp luật ở địa phương để đòi hỏi chi phí không chính thức từ các doanh nghiệp.”
Anh Nhân Lưu nhận đinh về chi phí “bôi trơn” chiếm hơn 10% trong tổng doanh thu của doanh nghiệp như sau:
“Tôi nghĩ 10% này cũng khó xác định, nó còn tùy vào ngành nghề của mỗi doanh nghiệp. Có những ngành nghề thì phí tổn không chính thức rất cao, nhưng có ngành nghề phí tổn không chính thức không cao lắm. Như chúng tôi làm về ODA, thì phí tổn không chính thức là theo thông lệ quốc tế hoặc là theo luật pháp quốc tế. Nói là bôi trơn thì cũng đúng, mà có phần cũng không đúng. Chúng tôi làm thì có tư vấn và chúng tôi thuê tư vấn làm. Nếu nói tư vấn là bôi trơn thì không phù hợp. Mà nói là không bôi trơn thì không chính xác.”
PCI 2016 cho biết có đến 66% doanh nghiệp tại các tỉnh phải sử dụng “các mối quan hệ” để tiếp cận thông tin. Nhưng để tạo lập “mối quan hệ”, 80% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ phải đưa hối lộ: “Doanh nghiệp chọn phương án này coi khoản chi này như một hợp đồng bảo hiểm, theo đó, một món quà nhỏ hôm nay có thể giúp họ giải quyết những vụ việc sinh ra trong tương lai.”
Báo cáo của USAID và VCCI vừa công bố cho thấy, chi phí không chính thức của doanh nghiệp không những không có dấu hiệu cải thiện, mà còn có dấu hậu gia tăng. Theo anh Nhân Lưu, nguyên nhân là do pháp luật lỏng lẽo và nhiều quan chức thì lo thu lợi cá nhân:
“Chính phủ Việt Nam đã làm rất nhiều việc theo khuyến cáo của các tổ chức nước ngoài, trong đó có bọn tôi. Nhưng dù chính phủ có nỗ lực gì đi nữa thì con người vẫn là yếu tố quyết định. Có rất nhiều người ở đây (Việt Nam) không tuân theo luật pháp và họ luôn tìm mọi cách kể lách pháp luật và thu lợi cá nhân.”
Sự phổ biến của hoạt động bôi trơn cho thấy “mức độ nghiệm trọng của nạn tham nhũng ở Việt Nam, minh họa cho mức độ khó khăn của cuộc chiến chống tham nhũng. Hối lộ đã trở nên quá phổ biến tới mức thậm chí hai bên cũng không cần phải thảo luận với nhau,” theo nhận định của PCI.
Ngoài ra, theo khảo sát của PCI,“tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn phổ biến” và đặc biệt “19% doanh nghiệp không sử dụng tòa án khi có tranh chấp vì họ quan ngại về tình trạng ‘chạy án’ trong quá trình giải quyết.”
Một xu hướng đáng quan ngại nữa, theo PCI, đó là tính minh bạch có xu hướng chững lại khi chính quyền “không công khai thông tin cho doanh nghiệp sẽ dẫn tới nhiều hệ quả không mong muốn đối với nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp phải đầu tư về nguồn lực và thời gian để phát triển các mối quan hệ cá nhân với cơ quan chính quyền, thay vì sử dụng các nguồn lực đó để phát triển sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả”.
Theo truyền thông trong nước, Giáo sư Edmund Malesky, Đại học Duke, Mỹ - Trưởng nhóm nghiên cứu PCI, cho biết khi nhóm nghiên cứu nêu câu hỏi tham nhũng có mang tính hệ thống hay không, 45% doanh nghiệp FDI cho biết đã trả chi phí không chính thức. Nhiều doanh nghiệp nói đây là luật bất thành văn, không làm cũng không được. Giáo sư Malesky cũng cho biết dù chi phí gia nhập thị trường và tham nhũng vặt đã giảm bớt, nhưng các quy định hậu đăng ký tại Việt Nam vẫn còn phiền hà, đặc biệt là tình trạng một số doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra quá mức.
Kết quả điều tra từ 1.550 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) do PCI thực hiện, có đến 49% doanh nghiệp FDI đã phải trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục thông quan; 25% thừa nhận đã trả tiền "bôi trơn" để có được giấy phép đầu tư và 13,6% trả hoa hồng khi cạnh tranh giành các hợp đồng của cơ quan Nhà nước; 72% số doanh nghiệp cho biết, sau khi gia nhập thị trường, họ phải mất tới hơn 5% quỹ thời gian trong năm để tìm hiểu và thực hiện các quy định hành chính, đồng nghĩa với việc mất đi lượng thời gian tương ứng để quản lý và phát triển doanh nghiệp.
Báo cáo PCI 2016 dựa trên thông tin phản hồi từ 11.600 doanh nghiệp, trong đó trên 10.000 là doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại 14 tỉnh, thành tại Việt Nam.
Báo cáo PCI năm 2016 dành một chương riêng để đánh giá về cảm nhận của các doanh nghiệp về các vấn đề về môi trường, trong bối cảnh một số sự cố môi trường gây thiệt hại lớn xảy ra trên cả nước. Kết quả điều tra cho thấy, một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp (50% doanh nghiệp FDI và 45% doanh nghiệp trong nước) đều tin rằng bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng và sẵn sàng trả một mức chi phí hợp lý cho các hoạt động cụ thể cũng như áp dụng thêm các quy định pháp luật để tránh ô nhiễm. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi từ một Việt Nam “xanh” và họ ủng hộ các nỗ lực để giữ cho môi trường trong lành tại đất nước này.
Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius phát biểu tại buổi công bố PCI 2016 rằng: “Bản báo cáo này có tầm quan trọng sống còn đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Chính phủ Hoa Kỳ tự hào hợp tác với VCCI trong 12 năm qua trong các nỗ lực khảo sát và phân tích số liệu để xây dựng bản báo cáo này. Cạnh tranh giúp chúng ta cải thiện hiệu quả hoạt động khi chúng ta tăng cường quan hệ thương mại và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng.”
Triển khai xây dựng và công bố từ năm 2005, PCI là một bộ chỉ số bao gồm nhiều chỉ số thành phần như chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền địa phương, môi trường cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý.