Tranh cãi về kế hoạch K5 của Việt Nam tại Campuchea
K5 đầy tranh cãi
Các tranh cãi xoay quanh sự can thiệp quân sự của Việt Nam trong cuộc chiến giúp Campuchea đánh đuổi Khmer Đỏ, sau 38 năm, vẫn chưa nguôi lặng.
Mới đây, lãnh tụ đảng đối lập của Campuchea công khai tố cáo rằng Việt Nam đã chỉ đạo cho giới lãnh đạo Campuchea trong giai đoạn cuối thập niên 70, đầu những năm 80 sát hại chính đồng bào của họ.
Ông Sam Rainsy, hiện đang sống lưu vong tại Pháp, mấy ngày qua đã lên Facebook nhắc lại thời kỳ lịch sử sau khi Khmer Đỏ sụp đổ năm 1979, cáo buộc kế hoạch K5 của Việt Nam lúc đó đã cướp đi thêm nhiều sinh mạng của dân Campuchea thời hậu Pol Pot.
Ông Rainsy nói với VOA Việt ngữ: “Bất kỳ một nhà nghiên cứu nghiêm túc nào cũng sẽ nhận ra rằng trong giai đoạn lịch sử Campuchea hồi thập niên 80 có một chiến lược được vạch ra để sát hại thường dân vô tội, giống như chế độ Pol Pot vậy. Xin quý vị hãy vào Facebook của tôi để xem tất cả những tài liệu, bài báo, và sách vở tham khảo. Các nhà nghiên cứu có trách nhiệm phải phơi bày sự thật lịch sử bị quên lãng này ra ánh sáng.”
Khởi phát từ Hà Nội trong những năm đầu thập niên 80, kế hoạch K5 dần dần được đưa vào thực thi trước khi được áp dụng hoàn toàn tại Campuchea trong giai đoạn 1984-1988.
Kế hoạch này liên quan đến việc khai hoang một dải đất dọc theo biên giới giữa Campuchea với Thái Lan để quân Khmer Đỏ không còn chốn ẩn náu, đồng thời gài mìn bẫy để tiêu diệt và ngăn chặn tàn dư Khmer Đỏ trở lại lãnh thổ Campuchea.
Phe chỉ trích kế hoạch này nói rằng nhiều người dân Campuchea được tuyển mộ từ các tỉnh để chuyển tới các khu vực dọc theo dải biên giới ấy để thực hiện công tác khai hoang, đối mặt với những hiểm nguy từ mìn bẫy, sốt rét, đói khát, và lao động quá sức.
Lúc kế hoạch K5 được áp dụng tại Campuchea, ký giả Kimseng Men của ban tiếng Khmer đài VOA đang trong độ tuổi tiểu học. Bố anh là trưởng thôn được lệnh từ cấp trên đi động viên dân làng tham gia kế hoạch K5.
Anh Kimseng cho biết K5 có ba mục tiêu chính: bảo vệ, xây dựng, và khai hoang. Anh nói dân bản địa không mấy ưa chuộng kế hoạch này nhưng buộc phải tham gia. “Lúc bấy giờ, thanh niên 18 tuổi trở lên, hoặc phải nhập ngũ, hoặc bị đưa đi K5. Nhiều người tìm mọi cách gian lận tuổi tác để tránh né. Trở về từ K5, không ít người ốm yếu và bệnh tật,” anh kể.
Giới cầm quyền ở Campuchea, đứng đầu là Thủ tướng Hun Sen, người từng sang ‘cầu viện’ Việt Nam đưa quân sang giúp Campuchea đánh đuổi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, cho rằng kế hoạch K5 đã giúp mang lại hòa bình và ổn định chính trị cho Campuchea.
Trái lại, phe đối lập của Campuchea nói sự thật đằng sau kế hoạch K5 là phía Việt Nam đã dùng lãnh đạo Campuchea, những người được Hà Nội đưa lên nắm quyền, tiếp tục chính sách sát hại chính người dân Campuchea, chẳng khác gì Pol Pot.
Ông Hồ Bá Lộc là một sĩ quan quân đội từng chiến đấu ở Campuchea từ trước 1975 đến cuối 1981. Sau 1979 khi Pol Pot bị truy quét ra khỏi Campuchea, ông Lộc nằm trong lực lượng tham gia giải phóng Campuchea trong vai trò trợ lý tham mưu tác chiến của lữ đoàn 127, vùng 5, hải quân. Ông được đưa lên vùng biên giới Campuchea-Thái Lan, đảm nhận các công tác bao gồm nắm tình hình qua lại ở biên giới Campuchea, vận chuyển trang thiết bị, thay quân cho lực lượng bảo vệ biên giới của Campuchea.
Ông Lộc nói K5 là một chiến lược chung, vì lúc đó Khmer Đỏ có các căn cứ đóng ở sát dọc biên giới Thái Lan-Campuchea: “Nếu mà lơi lỏng, các lực lượng Khmer Đỏ lại đột kích dọc theo chiều dài biên giới trở vào làm cho tình hình bất an. Việc rải mìn không chỉ phía Việt Nam, mà cả phía Khmer Đỏ cũng làm, trong đó bộ đội Việt Nam chết nhiều nhất, bị thương nhiều nhất vì các bãi mìn của Khmer Đỏ. Trong tổng số 40 ngàn người đã chết trong cuộc chiến 1979 trở về sau, cũng có rất nhiều bộ đội Việt Nam chết và bị thương chủ yếu là do bãi mìn của Khmer Đỏ.”
Sĩ quan này cho biết từ tháng 1/1979 khi lực lượng Khmer Đỏ xem như hoàn toàn bị quét khỏi các cứ địa lớn ở Campuchea, Việt Nam đưa lực lượng biên phòng sang để giúp bộ đội biên phòng Campuchea, hình thành lực lượng dọc theo đường biên giới Campuchea-Thái Lan, với chủ trương ngăn tại biên giới, không cho Khmer Đỏ trở lại lãnh thổ Campuchea.
Ông Lộc nói: “Cái chuyện lập K5 ra để tàn sát hoàn toàn là lập luận hết sức vu cáo, nhằm vu cáo bộ đội Việt Nam. Mục tiêu cao nhất là lập các khu an toàn để người dân trở về. Ngay cả những người đi lính Khmer Đỏ có nguyện vọng trở về lại với nhân dân cũng đều được bảo vệ. Nhưng chính vì vậy mà lực lượng Khmer Đỏ giả vờ về, rồi gia nhập lại lực lượng kháng chiến của Hun Sen. Rất nhiều người đội lốt, tức là Khmer Đỏ trở về mặc áo của người lính ban ngày, đêm lại quay lại báo cho Khmer Đỏ vị trí đóng quân để đột kích lại lực lượng quân đội. Đó cũng là một khó khăn rất lớn. Điều đó tạo ra thêm hy sinh sau chiến tranh, trở ngại cho bộ đội Việt Nam và Campuchea rất nhiều.”
Chưa có đánh giá chính thức về kế hoạch K5 thành công hay thất bại, cũng không có thống kê chính thức số tử vong vì K5, nhưng tờ Khmer Times trong tuần dẫn tin tức báo chí rằng kế hoạch này đã khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng, mà theo lời ông Sam Rainsy, trong đó có rất nhiều thường dân Campuchea, chưa kể số bị thương tật và tàn phế suốt đời.
Người sĩ quan Việt Nam tham chiến tại Campuchea cho biết sau giải phóng, phần đông dân Campuchea đã bị Khmer Đỏ lùa lên rừng và ‘chính lực lượng trong rừng là chiến tranh du kích, ban ngày họ có thể là dân, đêm họ có thể trở thành lính của Khmer Đỏ.’ ‘Thành ra, khó có thể xác định được có phải là dân hay không. Đó là thực tế trong chiến tranh.’
Tuy nhiên, ông quả quyết rằng cả Campuchea lẫn Việt Nam lúc đó đều đặt mục tiêu cao nhất là bảo vệ dân, đưa những người sơ tán khỏi họa diệt chủng đang sống rải rác trong rừng hoặc bị Khmer Đỏ ép lên các vùng núi cao trở lại các thôn làng.
Và can thiệp quân sự của Việt Nam
Không chỉ mục đích của kế hoạch K5, sự can thiệp quân sự từ Việt Nam cũng là một đề tài gây tranh cãi gay gắt lâu nay, được diễn giải khác biệt bởi giới phân tích chính trị, bởi phía đối lập, phe cầm quyền Campuchea, lẫn người dân Campuchea.
Bên tố cáo cho rằng quân đội cộng sản Việt Nam mượn cớ giải phóng người dân Campuchea ra khỏi tay Pol Pot để xâm chiếm Campuchea, phục vụ mục đích bành trướng chủ nghĩa cộng sản; trong khi những người lính Việt Nam nói sự hiện diện của họ trên chiến trường Campuchea là đáp lời ‘cầu viện’ hầu ngăn chặn hiểm họa Pol Pot bởi lẽ với cuộc chiến Việt Nam kết thúc ngày 30/4/1975 và một nền kinh tế kiệt quệ theo sau, dân Việt Nam chẳng ai còn muốn chiến tranh nữa.
Dù chưa có câu trả lời thực chất về động cơ sự can thiệp này, nhưng một điều có thể ghi nhận rằng có sự thay đổi trong ánh mắt của nhiều người dân Campuchea đối với nước láng giềng Việt Nam. Chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy đã kéo theo tinh thần bài Việt Nam. Ký giả Kimseng nói: “Sau 5 năm, quân cộng sản Việt Nam không rút về mà cứ ở lại Campuchea, đó là lúc tình cảm người dân Campuchea đối với Việt Nam bắt đầu đổi sắc.”
Những người Việt từng hiện diện trên chiến trường Campuchea, như anh Lộc, nói: “Cũng như Mỹ, phải đảm bảo chính quyền Iraq mới đủ mạnh mới có thể rút quân. Lúc đó, các chuyên gia Việt Nam ở lại mục đích là giúp chính quyền có thể tự vận hành, vì Việt Nam hiểu nếu Khmer Đỏ trở lại, không chỉ là mối họa đối với Campuchea mà với cả Việt Nam.”
Ngờ vực chính trị và tranh cãi lịch sử đã dẫn tới những lời kêu gọi tiến hành những cuộc nghiên cứu sâu rộng. Dù cho tới nay vẫn chưa có một công trình nào như thế, nhưng người sĩ quan tham mưu tác chiến trên chiến trường Campuchea này khẳng định: “Nếu Việt Nam buông lúc đó, Campuchea không có ngày hôm nay.”