Hỏi đáp Y học: Ợ hơi và nhịp tim
Thính giả Nguyễn Thị Vinh, 73 tuổi, ở Arizona hỏi:
“Kính thưa Bác sĩ,
Tôi hay bị ợ lên. Mỗi lần ợ lên thì có một cái tiếng thổi ra ngoài tâm thu, ảnh hưởng cái tim.
Tôi không biết cái này là do bao tử hay do cái tim, mà khi ợ lên thì có một cái tiếng ngoài tâm thu.”
Xin cảm ơn Bác sĩ.”
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Ợ hơi và nhịp tim
Trước hết tôi xin nói rõ những nhận xét sau đây chỉ có tính cách thông tin. Thính giả không thể căn cứ vào những thông tin tổng quát để kết luận là mình có hay không có một bệnh nào đó, nhất là bệnh tim mạch.
Ợ hơi
Trong hệ tiêu hoá luôn luôn hiện diện một lượng khí (gas) nào đó, từ dạ dày (stomach) xuống trực tràng (rectum) là đoạn cuối ruột già (colon). Khí này có thể là do chúng ta nuốt không khí lúc ăn uống, có thể do ăn quá nhanh, do trong thức uống có khí (như soda), hay do những thức ăn tạo nên gas, đặc biệt là những thức ăn còn lại trong ruột già, không được hấp thụ, bị các vi khuẩn trong ruột già làm lên men, và cơ chế này sinh ra khí. Một số thức ăn như hột mít, đậu, khoai lang có thể làm có nhiều khí trong ruột. Người gốc Đông Á, không quen uống sữa qua nhiều ngàn năm nên ruột họ thiếu chất men gọi là lactase dùng để tiêu hoá chất đường lactose trong sữa, hay những thức ăn chế biến từ sữa như phô ma, bơ, bánh kem... Họ có thể bị sình bụng, đau bụng, tiêu chảy sau khi ăn các món này. Người mắc chứng "ruột khó chịu" (IBS, irritable bowel syndrome) cũng cảm thấy sình hơi, hay muốn đi cầu. Một số bệnh viêm ruột có thể làm khí trong ống tiêu hoá nhiều hơn.
Cũng vì khí luôn luôn hiện diện trong hệ tiêu hoá mà từ lúc em bé chào đời cho đến người lớn, lúc chụp hình quang tuyến bụng, bác sĩ luôn luôn theo dõi các bóng đen của khí trong lòng dạ dày và ruột, là những bộ phận rỗng. Lượng khí này không được nhiều quá, nếu không nó sẽ làm căng dạ dày và ruột quá mức. Trường hợp ruột bị nghẽn, phần trên sẽ căng phồng lên và bệnh nhân sẽ ăn uống vào thì ói ra.
Bình thường, khí dư sẽ đi qua hai ngã: phía trên do ợ hơi (belching, burping, eructation) và phía dưới do trung tiện (passing gas, flatus). Riêng về trung tiện, người ta thấy trung bình người lớn làm việc này chừng 6-20 lần/ngày; chuyện này làm một cho một số người cả thẹn lo ngại và xấu hổ. Tuy nhiên, nói chung, trung tiện nhiều không có hệ quả gì quan trọng về y khoa.
Nói về chứng ợ hơi hay ợ chua, chua là vì trong dạ dày có a xít rất mạnh là HCl để tiêu hoá thức ăn. Tiếng Anh trong y khoa gọi là eructation, thông thường gọi là belching hay burping. Đối với người Tây phương, ợ hơi trước mặt người khác là đều tối kỵ, tuy nhiên, đối với một số người châu Á, ợ hơi hai ba lần sau khi ăn ngấu nghiến món ngon có thể là một cách chứng tỏ mình thưởng thức bữa ăn của gia chủ.
Người già ợ hơi nhiều hơn, có thể do tiêu hoá chậm hơn, ví dụ vì dạ dày co bóp ít hơn (gastroparesis), bệnh gan và túi mật, viêm tùy tạng (pancreatitis) bệnh khó tiểu ("dyspepsia"), loét dạ dày (gastric ulcer), tràn dịch thức ăn lên thực quản do cơ giữa dạ dày và thực quản đóng không kín (hiatal hernia). Hơi ợ có thể do sulfur trong thức ăn (trứng, thịt), hay do nhiễm trùng, có khi nhiễm trong phổi (ví dụ áp xe trong phổi).
Nhịp tim
Tim là một cái máy bơm máu cho chúng ta một cách tự động, từ lúc còn phôi thai trong bụng mẹ, lúc phôi thai (embryo) được chừng 4 tuần lễ, cho đến khi lìa đời. Tim đập đều đặn, ở người lớn chừng 80 lần/phút, có nghĩa là chưa tới 1 giây bóp một lần, một hệ thống tự động trong tâm nhĩ (atrium) gửi đi một kích thích bằng điện (electric impulse) tỏa ra khắp tim, làm tim co bóp lại, đem máu đen lên phổi (pulmonary arteries), và đem máu đỏ (giàu oxxy, qua aorta) đến các bộ phận trong cơ thể nuôi dưỡng chúng. Thời kỳ đó gọi là "thu tâm" (tim co lại, systole), trái với thời kỳ "trương tâm" (diastole) ở giữa 2 lần co bóp, lúc trái tim nghỉ, trong lúc chờ máu chảy vào đầy 2 bên tâm thất phải và trái. Nếu do một chuyện kích thích bất thường nào đó, tim bóp thêm một cái trật nhịp, thì lần bóp đó gọi là co bóp "ngoài thu tâm", ý nói ngoài thứ tự thu tâm theo thời gian đều đặn bình thường (extrasystole, premature contraction, PVC: premature ventricular contraction).
Sau mỗi extrasystole, tim nghỉ ngơi lâu hơn mọi khi, và co bóp theo sau đó mạnh hơn, làm người bệnh cảm giác như tim ngừng đập một lúc, rồi tim đập mạnh thình thịch, kèm theo cảm giác lo âu ("thót tim") mà tiếng Anh thường gọi là "palpitation", tạm dịch là "hồi hộp', hay "con tim thổn thức". Khác với lúc bình thường, chúng ta không để ý, không ý thức là trái tim mình đang đập, làm việc liên tục.
Hội Chứng Roemheld
Bây giờ bàn đến ợ hơi và tim co bóp ngoại thu tâm, chúng ta sẽ bàn về một liên hệ giữa trái tim và dạ dày hay hệ tiêu hoá nói chung (gastro-cardiac connection). Xin nhắc lại ở đây là trái tim nằm trong lồng ngực, giữa hai lá phổi, trên một màng cơ (bắp thịt) mỏng, gọi là hoành cách mô (diaphragm). Ngay phía dưới hoành cách mô, bên tay trái là dạ dày, bên giữa là ruột. nằm sát phía sau tim là thực quản, cái ống tiếp nhận thức ăn sau khi nuốt vào và đem vào dạ dày. Cho nên lúc chúng ta nuốt miếng gì quá lớn, tim ở phía trước thực quản có thể bị ảnh hưởng.
Lúc khí gas chứa đầy làm căng dạ dày ruột kế cận (cũng là lúc phải ợ hơi để giảm áp suất khí trong dạ dày), hoành cách mô có thể bị đẩy dồn về phía trên, làm tim bị đẩy qua thế khó làm việc hơn, và do đó tim phải tự đều chỉnh, bóp mạnh hơn để máu được đẩy đi mạnh hơn.
Một yếu tố thứ hai: liên hệ thần kinh. Thần kinh sọ số 10 (TKX) toả rộng nhiều nơi, kể cả tim và dạ dày ruột, do đó có tên "vagus nerve", (vagus= mờ ảo, không rõ ràng). TKX ảnh hưởng đến tim làm tim đập chậm lại, làm thức ăn qua dạ dày mau hơn, làm tiêu hoá nhanh hơn. Lúc dạ dày, ruột trong bụng căng, ví dụ sình hơi, dây TKX có thể bị chen ép, kích thích, làm kích thích trái tim làm cho nó đập chậm hơn, hạ áp huyết xuống thấp. Để tái lập quân bình, hệ thần kinh tụ dưỡng phản ứng lại, làm mạch máu co lại, làm tim bóp mạnh thêm, nhiều lúc vì phản xạ tự vệ này, tim có thể bị kích thích quá mức, mạch vành nuôi tim (coronary arteries) co lại quá nhiều là tim không đủ máu nuôi dưỡng (đau tim), làm tim bị đập loạn nhịp, mà một hình thức của loạn nhịp tim là các co bóp ngoại thu tâm chúng ta mô tả ở trên.
Ludwig Roemheld là một bác sĩ nội thương người Đức đầu thế kỷ thứ 20, cách đây gần 100 năm từng tả một hội chứng ở những người tim bình thường, không mắc bệnh tim, nhưng nguyên nhân nằm ở hệ tiêu hoá, nhất là dạ dày và ruột như mô tả ở trên. Được gọi là Hội Chứng Roemheld hay Gastrocardiac Syndrome, gồm:
- Đau giữa hay bên trái ngực
- Hồi hộp, tim có extrasystole
- Khó thở, hụt hơi
- Khó ngủ, chóng mặt.
Nên nhớ là hồi thập niên 1920's, chúng ta chưa có những phương tiện y khoa như bây giờ. Chưa có chụp hình ảnh ruột, tim, đo tim v.v... Hiện nay, các bác sĩ y khoa rất ít khi nhắc đến hội chứng Roemheld nữa. Tuy nhiên, một số khá đông bệnh nhân vẫn có những triệu chứng như đau vùng ngực, hồi hộp khó thở, palpitation, ngất xỉu mà đến bác sĩ tim nghiên cứu tìm tòi thì mọi thứ kết quả về tim vẫn bình thường. Một số bác sĩ sẽ giải thích bằng y khoa tâm thể (psychosomatic medicine), nghĩa là bệnh nhân có uẩn khúc về tâm lý và bệnh biểu lộ qua triệu chứng vật thể (đau tim...). Một số bs nghĩa rằng tim đập lộn xộn do rối loạn ở thực quản (nằm sau tim) như hiatal hernia (thoát vị do một phần trên dạ dày nằm trong lồng ngực, trên hoành cách mô), hay thực quản co thắt (esophageal spasm), những điều mà có thể chứng minh trên quang tuyến được (chụp thực quản, dạ dày bằng cản quang, Upper GI series).
Tuy nhiên, một số bệnh nhân vẫn còn bị bệnh sau khi khám tim và thử nghiệm nhiều nơi không có kết quả, cho đến khi chính họ hoặc bác sĩ để ý đến mối liên hệ giữa cách ăn uống và triệu chứng. Nhóm này vẫn tin hội chứng Roemheld là có thật. Thay đổi cách ăn uống, để ý tác dụng các món mình ăn có thể giúp cho nhóm người này tránh những triệu chứng khó chịu do ảnh hưởng của sự "khó tiêu" sình hơi gây ra:
- Giảm bớt các thức ăn khó tiêu, gây ra nhiều hơi sình bụng; thức ăn giàu chất xơ có thể giúp bớt bón nhưng có thể sinh hơi trong ruột, một số thức ăn giàu tinh bột, khó tiêu như khoai, sắn, cơm để nguội hâm lạ...i
- Tránh những thức ăn uống mà mình không hạp,
- Ví dụ các chất có sữa, bơ hay dùng viên thuốc có men lactase lúc phải ăn những thứ chế biến từ sữa
- Tránh các nước có khí (carbonated drinks)
- Đừng ăn no quá
- Giảm cân nếu quá mập
- Tập thể dục,đi lại, vận động nhiểu hơn.
- Dùng những thuốc không cần toa để giảm gas trong ruột như simethicone.
Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền.
-------------------------------------
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.
Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.