Page 1 of 1

Nhật là đối tác rất quan trọng của VN khi Mỹ vắng mặt ở Biển

PostPosted: Mon Nov 21, 2016 11:44 am
by NewsReporter
VOA - Arts and Entertainment


Hôm 20/11, Việt Nam và Nhật Bản đã lặp lại quan điểm giải quyết ôn hòa vấn đề tranh chấp Biển Đông theo luật pháp quốc tế giữa lúc Tokyo chuẩn bị cung cấp cho Hà Nội các tàu tuần tra biển theo cam kết trước đó. Một chuyên gia nghiên cứu Biển Đông nói việc Việt Nam hướng tới Nhật Bản trong bối cảnh Mỹ tạm thời vắng bóng ở Biển Đông sắp tới là một chiến lược để bảo vệ mình lúc này.


Hãng tin Kyodo cho hay Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào chiều 20/11 tại Lima, Peru, bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC).


Trong cuộc gặp, Thủ tướng Abe thông báo cho lãnh đạo Việt Nam rằng phía Nhật đang chuẩn bị để cung cấp cho Việt Nam các tàu tuần tra Nhật và sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường năng lực cho các lực lượng chấp pháp trên biển.



Giáo sư Ngô Vĩnh Long của Đại học Maine, Hoa Kỳ, nói rằng vai trò của Nhật hiện nay là rất quan trọng trong thời gian Mỹ tạm thời vắng mặt ở Biển Đông. Vì vậy, Việt Nam tăng cường hợp tác với Nhật trong chiến lược đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông là một trong những kế sách cần thiết trong lúc này. Giáo sư Long nói:


“Nhật không chỉ là về vấn đề Biển Đông thôi, mà Nhật bây giờ còn đứng ra để cố ý giữ một phần nào để TPP (Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương) khỏi tan rã. Vì vậy, Việt Nam đi gần với Nhật hơn là một cách để bảo vệ không những cho an ninh của chính mình mà còn cho an ninh trong khu vực, để tạm thời coi xem Trung Quốc có những phản ứng như thế nào”.


Theo GS. Ngô Vĩnh Long, Việt Nam trong thời gian gần đây có những biểu hiện chần chừ để dò xét tình hình. Chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông cho rằng trong bối cảnh thiếu vắng Mỹ, Việt Nam nên chủ động và tích cực hơn trong việc xây dựng đối tác, “đồng minh” để giải quyết tranh chấp Biển Đông. Ông nói:


“Nếu Mỹ không thể thúc đẩy thì Việt Nam phải đứng ra để thúc đẩy các nước trong khu vực. Tôi thấy rằng Việt Nam hiện nay, ví dụ như ở đảo ở Trường Sa, Việt Nam có ý định mở đường bay dài thêm. Nhưng việc này chỉ tốn tiền mà chẳng làm gì được. Có thể Việt Nam muốn đe dọa rằng nếu Trung Quốc ăn hiếp Việt Nam quá thì sẽ xảy ra chiến tranh, để các nước khác để ý. Nhưng tôi thấy đây không phải là một chính sách lâu dài. Chính sách lâu dài bây giờ là phải thúc đẩy các nước trong khu vực. Việt Nam là nước có bờ biển dài nhất trong khu vực, vì lợi ích của mình thì phải thúc đẩy người ta, chứ ngồi mà chần chừ thì không được. Mà Trung Quốc thì sẽ không từ bỏ vấn đề Biển Đông đâu. Thành ra, Việt Nam phải có một chính sách tích cực hơn”.



Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói mặc dù vấn đề liên minh hiện nay là rất khó, nhưng theo ông, Việt Nam vẫn nên tiếp tục thúc đẩy các nước ASEAN. Giáo sư Long cho rằng dù có một số nước trong khối ASEAN có biểu hiện sợ Trung Quốc, nhưng các nước này chỉ chiếm số ít trong khối. Vì vậy, Việt Nam vẫn nên tập trung tăng cường quan hệ với các nước khác trong khối này như Singapore, Philippines… và các nước khác ngoài khối như Úc, Ấn Độ, để đối phó với đà lấn áp của Trung Quốc ở Biển Đông sắp tới.


Riêng về vai trò của Nga, theo GS. Long, nếu chính quyền của ông Trump “đi đêm” với Nga để giải quyết những vấn đề ở Trung Đông, thì điều này sẽ rất bất lợi cho các nước trong khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.


Cũng bên lề APEC, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã có các cuộc họp riêng với các lãnh đạo của Việt Nam và Philippines. Tại đây, ông Tập Cận Bình nhắc lại lập trường của Bắc Kinh rằng tranh chấp Biển Đông cần phải được giải quyết song phương, một chiến thuật mà nhiều chuyên gia gọi là “chia để trị” những nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.


Bắc Kinh cũng đã nhiều lần đổ lỗi cho Hoa Kỳ là kẻ quấy rối ở Biển Đông, và phản đối phán quyết có lợi cho Philippines của Tòa trọng tài ở La Haye hồi tháng Bảy, trong đó bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông.


Tân Hoa Xã cho biết tại cuộc họp ở Peru, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói “sẵn sàng giải quyết phù hợp các vấn đề hàng hải với Trung Quốc thông qua đối thoại và tham vấn” để trả lời cho kêu gọi biến Biển Đông thành “cơ hội hợp tác hữu nghị song phương” của ông Tập. Nhưng hãng thông tấn nhà nước của Trung Quốc lại không cho biết về phản ứng của Chủ tịch nước Việt Nam về vấn đề này.