Việt Nam phạt hàng chục báo vì đưa tin sai về nước mắm
Ông Nguyễn Thái Thiên, Cục phó Cục Báo chí Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, xác nhận với VOA rằng hôm 21/11 bộ đã phạt hành chính 50 cơ quan báo chí vì “đăng thông tin sai sự thật” về nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống.
Theo trang web của bộ, báo Thanh Niên, một trong số vài báo in lớn nhất Việt Nam, bị phạt 200 triệu đồng (gần 9.000 đôla), mức phạt tiền cao nhất đối với vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí. Hơn 40 cơ quan báo chí khác chịu các mức phạt nhẹ hơn.
Vụ việc bắt đầu xảy ra từ ngày 12/10 khi Thanh Niên đăng một bài cảnh báo về mức độ arsen - còn gọi là thạch tín - trong nước mắm.
Sau đó ít ngày, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố kết quả chương trình khảo sát chất lượng 150 mẫu nước mắm đóng chai, với kết luận là đến 2/3 trong số các mẫu “không đạt quy định theo quy chuẩn của Bộ Y tế”.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra rằng những thông tin do Vinastas công bố, báo Thanh Niên đăng tải là “mập mờ, không giải thích giữa hai loại arsen hữu cơ và arsen vô cơ loại nào là độc hại, loại nào là không độc hại”.
Bộ Y tế Việt Nam chỉ quy định giới hạn đối với arsen vô cơ, còn arsen hữu cơ không quy định giới hạn. Loại arsen có trong nước mắm truyền thống là arsen hữu cơ.
Từ ngày 12 đến 23/10, thông tin mập mờ về nước mắm truyền thống có thể không tốt cho sức khỏe đã lan truyền trên hàng chục tờ báo khác cũng như trên mạng xã hội.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng các bài viết không rõ ràng, thậm chí có bài sai sự thật đã dẫn đến hậu quả là “làm dư luận xã hội hết sức hoang mang, các sản phẩm nước mắm truyền thống bị người dùng tẩy chay; các vùng, miền sản xuất nước mắm truyền thống càng khó khăn hơn, nhất là vừa mới chịu hậu quả của sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung; ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến người tiêu dùng và việc sản xuất nước mắm truyền thống bao đời nay của người Việt Nam cũng như thương hiệu hàng hóa của Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế”.
Bộ cho hay báo Thanh Niên bị phạt mức cao nhất vì đã đăng “thông tin sai sự thật gây phương hại đến lợi ích quốc gia”. Các cơ quan báo chí khác bị xử phạt các mức thấp hơn vì đã đăng thông tin sai sự thật “gây hậu quả rất nghiêm trọng” hoặc “gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cục phó Cục Báo chí của bộ, ông Nguyễn Thái Thiên nói thêm với VOA về sự cần thiết phải phạt các báo. Ông cũng giải thích vì sao bộ phải mất một vài ngày mới có phản ứng về vụ việc:
“Về mặt nghiệp vụ, các báo chí thông tin về những chuyện đấy là không trung thực, thông tin sai sự thật. Đấy là sai phạm cả về nghiệp vụ, sai phạm cả về đạo đức của nghề báo. Chúng tôi xem xét rất thận trọng những thông tin như thế này, làm thế nào để xử lý đúng, không gây oan sai. Cho nên đó là khoảng thời gian cần thiết để xác minh thông tin của báo chí đúng sự thật hay không. Tôi cho rằng rất khó để tìm lý do nào đấy để cảm thông và chia sẻ với báo chí trong trường hợp này, bởi vì báo chí đưa thông tin mà không thẩm định thông tin, không biết cái nguồn thông tin đấy là đúng hay sai, và không lường trước được hệ quả xấu của việc thông tin sai sự thật”.
Sau khi bộ ra quyết định phạt này, nhiều nhà báo và người dân đã bày tỏ trên mạng xã hội rằng họ ủng hộ bộ.
Ông Thiên cũng cho VOA biết rằng “các cơ quan chức năng sẽ điều tra thêm” đối với những cáo buộc là có những cơ quan báo chí đăng tin sai, gây bất lợi cho ngành sản xuất nước mắm truyền thống, vì các cơ quan báo chí đó có liên quan đến lợi ích nhóm.