WASHINGTON —
Trong vỏn vẹn hơn 2 tháng nữa, ông Donald Trump sẽ làm lễ nhậm chức trong cương vị Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Một trong những thách thức chủ yếu mà ông phải đối mặt sẽ là cân bằng những lời hứa hẹn lúc tranh cử mà ông ta đã cam kết với các ủng hộ viên, trong khi cùng lúc đề ra những bước để hàn gắn quốc gia tiếp theo sau một chiến dịch vận động tranh cử đầy chia rẽ và có tính cách tấn công cá nhân.
Chiến thắng gây kinh ngạc của ông Donald Trump cho tới giờ vẫn như một giấc mơ đối với một số ủng hộ viên của ông, và ông Trump nhanh chóng đưa ra những lời lẽ có tính cách hoà giải ngay trong bài diễn văn chiến thắng. Ông tuyên bố:
“Đây là lúc chúng ta nên ngồi lại với nhau trong tư cách một dân tộc đoàn kết.”
Nhưng sự đắc thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử vừa qua đã vấp phải các cuộc biểu tình phản đối trên khắp nước, từ bang Oregon tới bang California ở bờ Tây, cho tới New York, thành phố nơi ông cư ngụ, và Massachusetts trên bờ Đông.
Một người biểu tình phản đối kết quả bầu cử trao phần thắng cho ông Donald Trump nói:
“Tôi đôi khi cảm thấy thất vọng sau bầu cử, nhưng lần này, thì tôi cảm thấy kinh hãi.”
Sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đã xảy ra một số sự cố khi các cộng đồng thiểu số và người Hồi giáo bị đe doạ, một điều mà ông Trump được hỏi trong cuộc phỏng vấn trên chương trình 60 Minutes của kênh truyền hình CBS. Ông trả lời:
"Tôi rất buồn khi nghe về những vụ việc như thế. Tôi sẽ nói: 'Hãy ngưng làm như vậy,' nếu lời nói đó của tôi có thể giúp phần nào."
Hàn gắn cái hố chia rẽ chính trị cũng là một quan tâm đối với Tổng thống Barack Obama. Ông nói:
“Điều vô cùng quan trọng là tìm cách đánh đi những tín hiệu về tình đoàn kết, và giang cánh tay tới các nhóm thiểu số hoặc phụ nữ, và nhiều thành phần khác nữa vốn hết sức quan ngại về những giọng điệu trong chiến dịch vận động tranh cử.”
Bất ổn chính trị diễn ra giữa lúc ông Trump khởi sự tiến trình đề cử người vào các chức vụ trong chính phủ kế nhiệm. Một trong những nhân vật được đề cử là Chủ tịch Đảng Cộng hoà Reince Priebus sẽ đảm nhiệm chức vụ Chánh Văn phòng tại Toà Bạch Ốc. Nhân vật thứ hai gây tranh cãi hơn nhiều là Stephen Bannon, là người được chọn làm cố vấn chính trị hàng đầu của Tổng thống tân cử. Ông Bannon là một nhà báo gây rất nhiều tranh cãi, thần tượng của thành phần cực đoan cánh hữu.
Thách thức lớn đầu tiên của ông Trump là chọn nhân sự cho tân chính phủ, theo nhà phân tích chính trị độc lập John Fortier. Ông nói:
“Tiến trình chọn nhân sự để vận hành guồng máy chính phủ mới rất phức tạp ở Hoa Kỳ. Trong tư cách một ứng cử viên đến từ bên ngoài chính phủ, ông Trump không có những quan hệ truyền thống, và nguồn nhân sự mà một chính phủ thường có.”
Nhưng khả năng của ông Trump có thể hàn gắn và đoàn kết quốc gia sẽ tuỳ thuộc nhiều hơn vào những luận điệu của ông, theo nhà phân tích Molly Reynolds thuộc Viện Brookings. Bà Molly Reynolds nói:
“Chúng ta đã có vài ý niệm về ông Trump mà chúng ta đã chứng kiến trong chiến dịch vận động tranh cử, đôi khi chúng ta thấp thoáng thấy bóng dáng của một ông Trump trầm lắng hơn. Vấn đề ở đây là nhân vật trầm lặng hơn này, người mà chúng ta mong đợi nhưng thực sự không thấy xuất hiện trong chiến dịch tranh cử, liệu có xuất hiện một khi ông Trump vào đến Toà Bạch Ốc hay không? Thực sự chúng ta không biết.”
Trong những tuần lễ sắp tới, dự kiến ông Trump sẽ loan báo các thành phần trong nội các của ông, và những nhân vật được ông chọn và bổ nhiệm vào các chức vụ trọng yếu sẽ nói lên những sắc thái mà ông muốn nêu bật trong cương vị là vị Tổng thống kế tiếp của Hoa Kỳ.