Nước Mỹ đi bỏ phiếu chọn tổng thống
Một nước Mỹ phân cực đang đến phòng phiếu để bầu tổng thống thứ 45 của mình trong ngày thứ Ba, chọn lựa bà Hillary Clinton làm người nữ tổng thống đầu tiên hay là doanh nhân tỉ phú Donald Trump - người chưa từng nắm giữ bất kỳ chức vụ công cử nào. Đây là hồi kết cho một chiến dịch tranh cử kéo dài và đầy những lời lẽ gay gắt đã làm đảo lộn nền chính trị của Mỹ.
Người chiến thắng sẽ thừa hưởng một quốc gia đầy lo lắng, tức giận và không tin tưởng những nhà lãnh đạo ở Washington. Ông Trump hay bà Clinton sẽ cai quản một nền kinh tế đang cải thiện nhưng vẫn bỏ nhiều người lại đằng sau, và một quân đội ít mở rộng ra nước ngoài hơn tám năm trước nhưng đang chật vật ứng phó với những mối đe dọa khủng bố mới.
Bà Clinton bước vào Ngày Bầu cử với nhiều ngả tiến tới chiến thắng, trong khi ông Trump phải thắng ở hầu hết tất cả những bang chiến trường để đạt tới 270 phiếu Đại Cử tri Đoàn. Quyền kiểm soát Thượng viện cũng đang trong vòng tranh chấp. Đảng Dân chủ cần phải giành được bốn ghế nếu bà Clinton giành được Tòa Bạch Ốc. Đảng Cộng hòa dự kiến sẽ duy trì thế đa số của họ ở Hạ viện.
Bà Clinton và chồng, cựu Tổng thống Bill Clinton, đã đến bỏ phiếu tại một điểm bầu cử địa phương ở thành phố Chappaqua, bang New York, ngay sau 8 giờ sáng hôm thứ Ba trong khi một đám đông người ủng hộ hò reo và chụp hình. Ông Trump đi bỏ phiếu ở quận Manhattan ở Thành phố New York khoảng ba giờ sau đó.
"Tôi biết là việc này đi kèm với trọng trách to lớn," bà Clinton nói. "Rất nhiều người đang trông chờ kết quả của cuộc bầu cử này, ý nghĩa của nó đối với đất nước của chúng ta, và tôi sẽ làm hết sức có thể nếu tôi đủ may mắn giành chiến thắng ngày hôm nay."
Còn ông Trump thì nói rằng ông muốn khai mở tiềm năng chưa được hiện thực hóa của nước Mỹ.
"Tôi thấy rất nhiều hy vọng và rất nhiều ước mơ đã không thành hiện thực, mà lẽ ra có thể trở thành hiện thực với sự lãnh đạo đúng đắn," ông nói qua điện thoại trên kênh truyền hình Fox News. "Và người dân bị tổn hại rất nặng."
Gần 45 triệu người đã bỏ phiếu sớm trước ngày bầu cử. Nhiều cử tri bày tỏ sự nhẹ nhõm khi hồi kết sắp sửa tới sau gần hai năm vận động tranh cử không ngừng, với những luận điệu nặng tính kì thị chủng tộc và những cáo buộc của mỗi ứng cử viên nhắm vào nhau.
Bà Clinton lên án ông Trump vì ông gọi người nhập cư Mexico không giấy tờ là "những kẻ hiếp dâm" và cổ súy một lệnh cấm người Hồi giáo nhập cảnh Mỹ, và vì những phát biểu của ông về phụ nữ mà đỉnh điểm là một đoạn ghi âm trong đó ông khoe khoang chuyện chộp lấy bộ phận sinh dục của phụ nữ. Ông Trump gọi đối thủ của mình là "Hillary Gian trá" vì bà sử dụng máy chủ email riêng tư khi còn là ngoại trưởng và vì những mối quan hệ phức tạp của bà với Quỹ Clinton do chồng bà điều hành.
Hai ứng cử viên đều dành cả ngày thứ Ba thực hiện một loạt những cuộc phỏng vấn với những đài phát thanh ở những bang mà họ vẫn đang tranh giành, sau khi đi vận động ở một loạt bang chiến trường còn lại một ngày trước đó.
Tâm điểm của đợt vận động tranh cử cuối cùng của bà Clinton ngày thứ Hai là một cuộc tập hợp khổng lồ 33.000 người tại Quảng trường Độc lập của thành phố Philadelphia, nơi mà những siêu sao của Đảng Dân chủ đều góp mặt để cổ vũ cho bà, trong đó có chồng bà, Tổng thống Barack Obama và Đệ nhất phu nhân Michelle Obama.
Trong khi đó ông Trump khép lại chiến dịch vận động tranh cử của mình bằng một loạt những buổi tập hợp chật cứng người ủng hộ tại năm bang trong cùng ngày thứ Hai. Ông hối thúc họ đánh bại điều mà ông gọi là “hệ thống hủ bại” và “đem lại công lý.”
Thế giới cũng đã có những phản ứng đầu tiên trong lúc cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ đang diễn ra.
Hãng tin AP dẫn lời Thủ tướng Na Uy Erna Solberg nói rằng một chiến thắng cho bà Hillary Clinton trong ngày bầu cử sẽ "truyền cảm hứng" cho những phụ nữ trẻ. Nhưng bà nói đùa rằng điều này sẽ không dẫn tới một "mạng lưới bạn gái toàn cầu."
Tại một cuộc họp báo ở Berlin với Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm thứ Ba, bà Solberg nói một nữ tổng thống Mỹ sẽ cho phụ nữ thấy rằng chính trị không phải là "thứ thuộc về nam giới."
Bà Merkel lặp lại ý của của bà Solberg về việc tạo thêm sự cân bằng toàn cầu giữa nam giới và nữ giới trong địa vị lãnh đạo. Bà từ chối bình luận về người mà bà muốn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, chỉ ra rằng "mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương chắc chắn là điều kiện tiên quyết đối với chúng tôi, đặc biệt là sự hợp tác trong khối NATO."