Clinton hay Trump, liệu chính sách đối ngoại Mỹ có thay đổi?
SEOUL —
Trong cuộc chạy đua vào Toà Bạch Ốc, cả hai ứng cử viên đều chỉ trích các hiệp định thương mại quốc tế, thậm chí có người còn đe doạ sẽ rút lực lượng quân sự Mỹ ra khỏi Châu Á, nhưng giới quan sát tình hình khu vực dường như không mấy quan tâm tới những lập luận có tính cách cường điệu được đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ. Họ cho rằng các quyền lợi của Hoa Kỳ ở ngoài nước vẫn không thay đổi và những vấn đề mà tân Tổng thống Mỹ phải đối mặt sẽ vẫn phức tạp.
Cả ứng cử viên Đảng Cộng hoà Donald Trump lẫn đối thủ của ông bên Đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, trong thời gian qua đều đã có những phát biểu chỉ trích các chính sách thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, hiện vẫn chưa được thông qua. Những lời chỉ trích đó phản ánh sự phẫn nộ đang tăng của công chúng thể hiện trong chiến dịch vận động về tình trạng người Mỹ đã mất đi nhiều công ăn việc làm trong mấy thập niên qua.
Nhưng hiệp định TPP, về nguyên tắc, cũng tạo điều kiện cho các công ty Mỹ tiếp cận các thị trường ở Châu Á để đối trọng lại với quyền lực kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Yếu tố Trung Quốc
Thời còn làm Ngoại trưởng, bà Hillary Clinton ủng hộ Hiệp định TPP. Hồi năm 2012, bà từng miêu tả hiệp định TPP là “tiêu chuẩn vàng trong các thoả thuận thương mại”, thế nhưng bà đã thay đổi lập trường trong chiến dịch vận động chức Tổng thống Mỹ.
Ông Trump đặc biệt nặng lời chỉ trích Trung Quốc, ông tố cáo Bắc Kinh là “thao túng giá trị đồng nguyên để có lợi thế thương mại một cách không công bằng”, và ông đe doạ sẽ áp đặt các sắc thuế cao đối với các mặt hàng do Trung Quốc sản xuất. Các nhà kinh tế nói rằng những chiến thuật đó có thể khơi mào cho một cuộc chiến tranh thương mại có nguy cơ phương hại tới cả kinh tế Mỹ lẫn kinh tế Trung Quốc.
Những lời chỉ trích của bà Hillary Clinton thì tập trung nhiều hơn vào các vụ vi phạm nhân quyền của Trung Quốc và những hành động ngày càng hung hăng của Bắc Kinh để khẳng định tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, nơi được tin là dồi dào trữ lượng dầu hoả và khí đốt, và là một hải lộ thương mại quan trọng của thế giới.
Giáo sư Xie Tao dạy môn Khoa học Chính trị tại Đại học Ngoại thương Bắc Kinh, dự kiến những chỉ trích mạnh mẽ và công khai nhắm vào Trung Quốc trong chiến dịch vận động tranh cử sẽ giảm cường độ và sẽ được giải quyết thông qua các kênh ngoại giao truyền thống sau cuộc bầu cử.
Giáo sư Xie Tao nhắc lại chiến dịch vận động năm 1992, khi ứng cử viên Bill Clinton có lúc đã gọi giới lãnh đạo Trung Quốc là “những tên đồ tể ở Bắc Kinh.”
Ông nói tiếp:
“Đấy, rồi các bạn xem chuyện gì xảy ra khi ông trở thành Tổng thống? Giai đoạn đầu khá là tiêu cực, nhưng sau năm 1994, ông ấy quyết định tách vấn đề nhân quyền ra khỏi vấn đề thương mại với Trung Quốc, và từ đó mọi sự đều suôn sẻ trong các quan hệ Mỹ-Trung.”
Vấn đề Bắc Triều Tiên
Về liệu người Mỹ nên đáp ứng thế nào trước mối đe doạ hạt nhân từ Bắc Triều Tiên? Bà Clinton đã bày tỏ quan điểm ủng hộ chính sách giữ nguyên trạng, là duy trì liên minh quân sự chặt chẽ với Hàn Quốc và Nhật Bản để răn đe Bắc Triều Tiên, và làm việc với Trung Quốc để tăng cường các biện pháp chế tài đối với chế độ Kim Jong Un.
Ông Trump nói ông sẽ đòi Trung Quốc, đối tác kinh tế chủ yếu của Bắc Triều Tiên, buộc chính quyền họ Kim phải đình chỉ chương trình hạt nhân.
Bắc Kinh tỏ ra miễn cưỡng, không muốn thực thi các biện pháp có thể dẫn tới bất ổn tại biên giới của mình, hoặc dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền Kim Jong Un, vì tình huống đó có thể dẫn tới một nước Triều Tiên thống nhất dưới quyền kiểm soát của Hàn Quốc, nước liên minh với Mỹ.
Ông Trump cũng chỉ trích các đồng minh quân sự của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, là đã không làm đủ để giảm bớt gánh nặng tài chính cho sự hiện diện của các lực lượng Mỹ đóng quân tại nước họ. Ông Trump đã doạ sẽ triệt thoái binh sĩ về nước và cho phép các đồng minh trong khu vực phát triển vũ khí hạt nhân nếu họ không đồng ý đóng góp thêm để giảm bớt gánh nặng tài chính đối với Mỹ, để đánh đổi sự bảo vệ của người Mỹ.
Nhưng giáo sư Kim Hyun-Wook thuộc Học viện Ngoại giao Triều Tiên bác bỏ những lời phát biểu của ông Trump, là ông chỉ đưa ra một lập trường có vẻ cứng rắn để có thể mà cả sau này, và ông cho rằng bất cứ ai đắc cử, thì tân Tổng thống Mỹ vẫn muốn duy trì sự hiện diện hùng hậu của Mỹ trong khu vực.
Nam Á
Trong khi cả hai ứng cử viên bất đồng gay gắt với nhau trong các cuộc tranh luận về một đường lối để có thể đánh bại Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq, cả hai không ai đặt nặng vấn đề Afghanistan, một điểm nóng vẫn nguy hiểm bất chấp sự hiện diện của Mỹ tại đây trong suốt 15 năm qua.
Hoa Kỳ chính thức chấm dứt các hoạt động tác chiến ở Afghanistan vào cuối năm 2014, nhưng hãy còn 10.000 binh sĩ Mỹ ở Afghanistan trong lực lượng đa quốc tham gia các chiến dịch chống khủng bố và huấn luyện.
Theo chương trình đã định, các binh sĩ ấy sẽ triệt thoái dần dần, theo đà phát triển của các lực lượng an ninh Afghanistan, sẽ được triển khai sau khi đã được huấn luyện. Tuy nhiên, phe Taliban đã đẩy lùi các lực lượng Afghanistan, và chiếm lại quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ hơn trong năm ngoái.
Các cuộc thương thuyết giữa Afghanistan và các thủ lãnh Taliban ở Qatar, mà theo tin cho hay có sự tham dự của một nhà ngoại giao Mỹ, cho tới nay đã thất bại, không đạt được giải pháp khả thi nào.
Giới lãnh đạo Afghanistan và Mỹ vẫn quan ngại về vai trò của Pakistan, sợ nước này can thiệp, bất chấp là trên thực tế, nhiều thủ lãnh Taliban có nơi trú ẩn an toàn ở Pakistan.
Ông Trump và bà Clinton không ai kêu gọi gửi thêm quân sang Afghanistan.