Tổng thống Mỹ Barack Obama lên đường sang thăm Châu Á trong chuyến công du thứ 10 và có lẽ cũng là chuyến cuối cùng tới khu vực, nhấn mạnh điều mà giới chức Tòa Bạch Ốc gọi là trọng tâm của chính sách ngoại giao Obama, tái cân bằng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Phó Cố vấn An ninh Quốc gia, Ben Rhodes, nói chuyến đi lần này sẽ là cơ hội để ông Obama để xác quyết tầm quan trọng của thỏa thuận tự do mậu dịch Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP giữa 12 quốc gia do Hoa Kỳ dẫn đầu và thảo luận các vấn đề cấp bách về căng thẳng hàng hải, biến đổi khí hậu, và kinh tế toàn cầu.
Ông Obama sẽ hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình vào ngày thứ bảy (3/9), tham dự thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu vào chủ nhật và thứ hai trước khi lên đường sang Lào tham dự thượng đỉnh ASEAN và thượng đỉnh Đông Á cho tới ngày thứ năm.
Ông Ben Rhodes cho biết cuộc gặp sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung sẽ bàn tới những khía cạnh tích cực của mối bang giao phức tạp, cùng những bất đồng
Vẫn theo lời ông, chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Lào là chưa từng có trước nay vì sự tham gia của Hoa Kỳ trong cuộc xung đột Đông Dương hồi thập niên 60, 70.
Ông Obama cũng sẽ có cơ hội gặp gỡ tân Tổng thống của Philippines, quốc gia vừa thắng vụ kiện quốc tế chống lại các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo chuyên gia về Trung Quốc, Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Washington, lãnh đạo hai nước Mỹ-Trung đều đánh giá cao tầm quan trọng của mối quan hệ song phương và dự kiến các cuộc hội đàm sắp tới sẽ tích cực dù sẽ có những bất đồng.
Vẫn theo lời chuyên gia Glaser, chuyến công du Châu Á của ông Obama diễn ra giữa bối cảnh cơ hội TPP sẽ được Quốc hội Mỹ chuẩn thuận còn mong manh. Bà Glaser nói dù thỏa thuận thương mại này là lợi ích kinh tế và chiến lược địa lý đối với Mỹ và Châu Á Thái Bình Dương, nhưng bà không đồng ý với quan điểm cho rằng TPP bị đánh bại sẽ là một chỉ dấu chấm dứt vai trò lãnh đạo của Mỹ tại khu vực.
Về căng thẳng hàng hải, bà Glaser nói Trung Quốc đã tỏ ra tự chế sau phán quyết quốc tế về vấn đề Biển Đông và đây có thể là cơ hội để Manila và Bắc Kinh đạt một giải pháp ngoại giao.