Hai thanh niên Khánh Hòa nhận án tù vì tuyên truyền chống nh
Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa hôm 23/8 đã xét xử sơ thẩm hai nhà hoạt động nam có tên Nguyễn Hữu Thiên An, 31 tuổi, và Nguyễn Hữu Quốc Duy, 21 tuổi, về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự.
Tòa đã tuyên án 3 năm tù giam đối với Nguyễn Hữu Quốc Duy, và 2 năm tù giam đối với Nguyễn Hữu Thiên. Hai người này là anh em họ và đều đăng ký thường trú ở thành phố Cam Ranh.
Theo tường thuật của báo chí Việt Nam, cáo trạng của Viện Kiểm sát Khánh Hòa cho rằng tội của An là “thường xuyên truy cập các trang web phản động có những thông tin nói xấu nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và hồi giữa tháng 4 năm ngoái An “đã dùng sơn vẽ khẩu hiệu phản động” trên tường của một trụ sở công an phường ở thành phố Nha Trang.
Thông tin từ giới hoạt động vì dân chủ ở Việt Nam cho hay An đã hưởng ứng phong trào xịt sơn lên bảng, tường ở các nơi công cộng cụm ký tự #ĐMCS.
Về phần Duy, cáo trạng viết: “Trong năm 2015, Duy trực tiếp soạn thảo, chia sẻ hàng chục bài viết [trên Facebook] với nhiều người để nói xấu, đưa ra những quan điểm sai lệch, không khách quan, xuyên tạc đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Duy kêu gọi các phần tử ủng hộ cùng đấu tranh, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam … Duy cũng đồng tình, cổ vũ An vẽ, viết khẩu hiệu tuyên truyền chống Nhà nước”.
Không có người thân nào, kể cả bà Nguyễn Thị Nay là mẹ của Duy, được tham dự phiên tòa.
Giới hoạt động nói trước phiên tòa nhiều người, một số tổ chức tôn giáo và xã hội dân sự đã phản đối việc xét xử An và Duy, đồng thời đòi thả họ vô điều kiện.
Bà Nguyễn Thị Nay đã mời hai luật sư Võ An Đôn và Nguyễn Khả Thành bào chữa miễn phí. Nhưng tòa án đã từ chối đơn bào chữa của hai luật sư.
Luật sư Nguyễn Khả Thành chia sẻ thêm chi tiết với VOA:
“Tôi cũng đã làm mọi thủ tục giấy tờ gửi cho tòa án. Nhưng sau khoảng 1 tuần lễ, tôi và luật sư Đôn nhận lại một văn bản từ chối cấp giấy chứng nhận bào chữa cho tôi. Lý do tòa đưa ra: vì em Duy đã có một văn bản yêu cầu luật sư Mai và từ chối những luật sư khác. Ngày 8 thì chúng tôi đã có một bản kiến nghị phản hồi. Chúng tôi đề nghị là tòa cho chúng tôi gặp trực tiếp, hoặc là người nhà gặp trực tiếp với em Duy để xác định lại trái phải văn bản từ chối đó có thật sự đúng với ý chí và nguyện vọng của em Duy hay không. Nhưng mà rồi những kiến nghị của chúng tôi không được Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa chấp nhận”.
Các số liệu thực tế cho thấy trang Facebook của Duy có số lượng người đọc và thích (like) thấp, mức độ ảnh hưởng như vậy là không lớn. Khi được hỏi liệu bản án dành cho An và Duy, hai người không có tầm ảnh hưởng lớn trong giới hoạt động và trên mạng xã hội, có phải là động thái răn đe của nhà chức trách Việt Nam đối với những người khác cũng đang bất mãn về hiện trạng chính trị, xã hội, Luật sư Thành nói:
“Vấn đề em Duy tôi nghĩ là một người hồi giờ cũng chả ai biết và em này trình độ cũng rất thấp thôi. Chúng tôi nghĩ có viết ra cũng chẳng thu hút được ai. Dĩ nhiên mục đích của pháp luật thứ nhất là răn đe, và giáo dục và phòng ngừa chung. Như thế là một người đây để làm gương những người khác. Đó là mục đích của hình phạt. Những cái tội khác cũng vậy chứ không riêng gì tội đây đâu”.
Nhà chức trách Việt Nam đã xử tù một số nhà bất đồng chính kiến và nhà hoạt động dân chủ căn cứ vào Điều 88 Bộ luật Hình sự. Nhiều tổ chức nhân quyền và một số chính phủ trong đó có Mỹ đã nhiều lần chỉ trích và đề nghị xóa bỏ hoặc định nghĩa lại rõ hơn nội dung hiện còn mập mờ về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước”.
Hồi tháng 9 năm ngoái, trong một phiên họp Quốc hội, Chủ tịch Quốc Hội khi đó, Nguyễn Sinh Hùng, cũng đã phát biểu: “Cần phải làm rõ thế nào là tuyên truyền chống phá nhà nước. Tôi nói thật là ta phát biểu nhiều khi cũng vi phạm, bắt cũng được đấy. Nói như vậy để thấy là không thể để một cái tội chống nhà nước quy định chung chung như vậy, muốn bắt ai thì bắt, đâu có được.”